Những chuyến xe mai táng "0 đồng" cho nạn nhân Covid-19 - Bài 1: Vượt qua nỗi sợ hãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những chuyến xe mai táng “0 đồng” (lo hậu sự cho nạn nhân Covid-19) được thành lập và vận hành bởi nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, trong giai đoạn TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh.

Nhận thấy sự quá tải xe chở bệnh nhân, cũng như xe chở những người đã khuất vì Covid-19, giữa tâm điểm dịch bệnh ở TP.HCM, trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm - anh Trần Thanh Long - đã tổ chức họp bàn với anh em trong nhóm, quyết định thành lập chuyến xe "0 đồng" để lo hậu sự cho những người đã mất vì Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo chân những chuyến xe
18h, điện thoại chị Hà rung lên: "Hương linh Trần Ái Khâm, SN 1954, nơi mất: 2385/40A/9 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8. Nơi đến: Cổng KCN Tân Bình". Nhận tin nhắn trả lời xong, chị Hà quay sang gọi 6 đồng nghiệp cùng lên đường.

Chị Nguyễn Thanh Thái Hà (32 tuổi), làm việc với lực lượng dân phòng tại quận 8 để biết rõ tình hình của bệnh nhân Covid-19 đã mất. Ảnh: Chinh Hoàng
Chị Nguyễn Thanh Thái Hà (32 tuổi), làm việc với lực lượng dân phòng tại quận 8 để biết rõ tình hình của bệnh nhân Covid-19 đã mất. Ảnh: Chinh Hoàng
Ngay sau đó, 6 người tức tốc mặc đồ bảo hộ kín mít cùng chị Hà lên xe, đến con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), nơi có người mới mất vì Covid-19.
Trưởng nhóm mai táng "0 đồng" Nguyễn Thanh Thái Hà (32 tuổi) cho biết, chị tham gia vào đội thiện nguyện Nhất Tâm từ rất lâu.
Lúc mới tham gia vào đội, công việc đầu tiên của chị ở đây là phụ bếp, nấu ăn, rồi đi phát cơm cho bà con ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Tiếp đến, chị đi hỗ trợ phát lương thực, thực phẩm cho bà con nghèo hay tiếp tế oxy cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Sau khi tiếp nhận nạn nhân mất vì Covid-19, các tình nguyện viên tiến hành khâm liệm tại chỗ rồi mang ra xe đưa đi mai táng. Ảnh: Chinh Hoàng
Sau khi tiếp nhận nạn nhân mất vì Covid-19, các tình nguyện viên tiến hành khâm liệm tại chỗ rồi mang ra xe đưa đi mai táng. Ảnh: Chinh Hoàng
Chị Hà kể, mai táng không phải là công việc chuyên trách của chị cũng như tất cả các anh em ở đây. Tuy nhiên, khi nghe đội trưởng Trần Thanh Long đề cập đến vấn đề đưa xe cứu thương chở nạn nhân Covid-19 đi mai táng, chị cùng với anh em trong nhóm đã đồng ý, hưởng ứng hoàn toàn.
Công việc hiện tại của chị Hà khi theo chuyến xe mai táng "0 đồng" là trực tiếp nghe điện thoại, kết nối với người nhà nạn nhân, tìm điểm đến và hỗ trợ cho anh em trong nhóm.
Những ngày đầu theo xe chở nạn nhân Covid-19 đi mai táng, vì chưa thực sự quen với công việc này, chị đã có lúc không ngủ được vì ám ảnh.
"Tôi đã rất khiếp sợ, khi tận mắt chứng kiến những người mất vì Covid-19. Nhìn họ thật đáng thương, khi đã khuất mà không có bất cứ một người thân bên cạnh", chị Hà nghẹn giọng.

Đưa nạn nhân mất vì Covid-19, 4 người ai nấy đều mặc bảo hộ kín mít. Ảnh: Chinh Hoàng
Đưa nạn nhân mất vì Covid-19, 4 người ai nấy đều mặc bảo hộ kín mít. Ảnh: Chinh Hoàng
Theo chị Hà, mấy ngày đầu luôn ám ảnh như vậy. Nhưng khi số ca tử vong ngày càng tăng, lên đỉnh điểm có ngày hơn 20 ca, chị không còn cảm giác đó nữa. 
"Làm riết rồi cũng quen thôi. Tuy không còn sợ như lúc trước, nhưng buồn lắm. Nhìn họ mất đi mà mình xót ruột. Có người thân bên cạnh còn đỡ, nhiều trường hợp ra đi một mình, trơ trọi, đau xót lắm!", chị Hà xúc động kể.
Chị Hà nói, có nhiều lúc cũng mệt mỏi và áp lực, nhưng không phải vì công việc mai táng, hay do tần suất quá lớn. Đối với chị, mệt và đau thương nhất là khi nhìn con số người liên tục mất đi vì Covid-19.
"Tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình để giúp cho gia đình những nạn nhân Covid-19 được an ủi phần nào tốt phần đó thôi", giọng chị đượm buồn.
Vượt qua nỗi sợ
Cũng là đồng đội với chị Hà là anh Trương Văn Thịnh (31 tuổi, ngụ tại quận7). Trên chuyến xe mai táng "0 đồng", ban đầu khi số thành viên vẫn còn ít, anh có nhiệm vụ khuân vác thi thể bệnh nhân mất vì Covid-19.

Anh Trương Văn Thịnh (tay nghe điện thoại), để chuẩn bị mang bệnh nhân ra xe, anh liên lạc với phía mai táng trước. Ảnh: Chinh Hoàng
Anh Trương Văn Thịnh (tay nghe điện thoại), để chuẩn bị mang bệnh nhân ra xe, anh liên lạc với phía mai táng trước. Ảnh: Chinh Hoàng
Anh Thịnh nói, người mất thì ai cũng sợ. Nhưng đối với anh, đáng sợ nhất là những ca người ta mất đi không ai hay biết. 
"Thi thể bị phân hủy nặng, bốc mùi... Tôi nghĩ phải mất hơn cả tuần rồi mới có người phát hiện. Khi anh em đến nơi, thấy vậy cũng nhác tay, không dám đến gần. Nhưng vì nhiệm vụ và lương tâm của mình mà phải hoàn thành thôi", anh Thịnh giọng run run.
Theo anh Thịnh, trên hành trình chuyến xe chở người bị Covid-19 đi mai táng, khó khăn nhất là có những ca, người mất nằm tận lầu 6. Cả nhóm của anh khi khâm liệm xong, phải cõng xác xuống vì cầu thang nhỏ, hẹp băng ca thì dài không thể xuống được.
Buộc lòng anh em trong nhóm phải cõng người mất trên lưng xuống nhẹ nhàng từng bậc thang một.

Anh Trần Thanh Long - người đứng đầu nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, nhóm của anh đã hỗ trợ mai táng miễn phí khoảng 400 ca. Ảnh: NVCC
Anh Trần Thanh Long - người đứng đầu nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, nhóm của anh đã hỗ trợ mai táng miễn phí khoảng 400 ca. Ảnh: NVCC
"Khi cõng bệnh nhân trên tầng cao xuống, có lúc tôi tưởng tim tôi "đứng" rồi vì rất mệt. Người mất nặng lắm. Anh em ai cũng vất vả lắm nhưng không nề hà bao giờ", anh Thịnh bộc bạch.
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ đối với anh trong những chuyến đi mai táng, anh Thịnh bảo: "Đáng nhớ nhất có lẽ là những chuyến đi ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, anh em tôi đi bộ khoảng 700-800 mét. Lúc đó mệt lắm, đi vậy, chúng tôi phải thay phiên nhau. Một đội đi chỉ có 5, 6 người, 1 người rinh đồ, 4 người khiêng áo quan ra. Người nào mệt thì người dự bị sẽ thay thế".
Khiếp sợ vì mùi người chết, mệt vì đau thương. Tuy nhiên, cả nhóm ai cũng cố gắng hết sức giúp đỡ cho nạn nhân Covid-19. Bởi theo lời anh Thịnh nói: "Nếu họ có người thân hay họ không khó khăn thì không đến lượt chúng tôi phải lo".

Anh Trần Thanh Long (người đứng đầu nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) cho biết, mai táng "0 đồng" không phải mới đây mà nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã làm trong nhiều năm. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, nhóm đã hỗ trợ mai táng cho nạn nhân Covid-19 khoảng 400 ca.

Nhóm chia thành 3 đội, mỗi đội khoảng 6 đến 7 người, lúc có quá nhiều ca thì chỉ có 5 người. Trong giai đoạn có chỉ thị 16, và 16 tăng cường, di chuyển từ quận này qua quận khác bị hạn chế, việc làm thủ tục khâm liệm cho người mất vì Covid-19 phải được Ban chỉ huy quân sự đồng ý, các anh mới làm.

"Tuỳ trường hợp, người nhà có giấy chứng tử thì làm liền. Có hôm, anh em chúng tôi nhận ca và hỗ trợ mai táng đến 3-4h sáng. Người mất vì Covid-19 hay bệnh khác, chúng tôi đều lo tất cả chi phí cho gia đình", anh Long cho biết.

(Còn nữa)
Theo Chinh Hoàng (Dân Việt)

https://danviet.vn/nhung-chuyen-xe-mai-tang-0-dong-bai-1-chung-tay-lo-hau-su-cho-nan-nhan-covid-19-20211003183113807.htm

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…