Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 1: Cây táu bạc hơn hai nghìn năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cây táu ở đền Thiên Cổ, thôn Hương Lan (xã Trưng Vương, TP Việt Trì) có niên đại khoảng 2.100 năm. Tương truyền, cây gắn liền với thời kỳ các vua Hùng dựng nước, mang những giá trị vô giá về văn hóa, tâm linh và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Cặp táu vàng, táu bạc

Đến TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào những ngày người dân, chính quyền địa phương nơi đây chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi được nghe những câu chuyện về những đại lão mộc có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Trong số những cây đại thụ đó, ai cũng có thể kể vanh vách về cây táu cổ tương truyền có từ thời Vua Hùng đời thứ 18. Nghe được chuyện, tôi cùng ông Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Thiên nhiên Môi trường tỉnh Phú Thọ tức tốc lên đường.

Cây táu bạc 2.100 năm tuổi
Cây táu bạc 2.100 năm tuổi

Dù đã 12 giờ trưa nhưng khi tôi gọi điện, nói muốn tìm hiểu về cây táu cổ thụ, cụ Nguyễn Thiện Ninh (88 tuổi) thủ từ đền Thiên Cổ - nơi cây táu tọa lạc, sang ngay. Vừa đi quanh cây táu cổ thụ, cụ Ninh vừa kể cho tôi về sự tích của cây. Nguyên bản, hai bên cổng đền Thiên Cổ có 2 cây táu có niên đại giống nhau. “Hai cây táu cổ gắn liền với sự tích thiêng của đền Thiên Cổ, nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thế Lang và thục nương Nguyễn Thị Thục. Đây là hai người có công dạy công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18. Khi vợ chồng thầy giáo mất, người dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại làng. Để ghi dấu ấn, tạo nên cảnh quan cho ngôi đền, người dân đã trồng hai cây táu từ thời đó”, cụ Ninh kể.

Thân cây bám nhiều rêu phong
Thân cây bám nhiều rêu phong

Hai cây táu cùng một giống, cùng trồng một thời điểm, nhưng kỳ lạ mỗi cây có màu hoa khác nhau. Cây bên tả có hoa vàng, cây bên hữu ra hoa trắng nên người dân ở đây gọi là cây vàng, cây bạc. Cây táu bạc có chiều cao 25m, chu vi gốc cây là 6,1m, đường kính tán cây rộng tới 27m. Cụ Ninh kể: “Tương truyền, khoảng hơn 500 năm trước, sau một trận cuồng phong, cây táu vàng đã bị gãy, đổ. Dân làng cử người đi nhiều nơi tìm cây thay thế nhưng không có. Có lẽ, để bù đắp cho sự thương tiếc, quyến luyến của dân làng, một thời gian sau, từ gốc cây nhú lên chồi biếc, rồi phát triển thành cây xum xuê và hàng năm nở hoa vàng rực rỡ trên lưng cây mẹ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi gốc là 4,5m, đường kính tán cây 30m”.

Cành lá tươi tốt sau khi được các nhà khoa học chăm sóc đặc biệt
Cành lá tươi tốt sau khi được các nhà khoa học chăm sóc đặc biệt

Cụ Ninh chia sẻ, theo Ngọc phả thì vợ chồng thầy Vũ Thế Lang tuy không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng lại tạ thế cùng một giờ vào ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu (228 trước Công Nguyên) và được người dân chôn cất cùng một ngôi mộ nằm ở chính giữa ngôi đền này. Sau nhiều lần trùng tu, sửa sang, phần đền đã có nhiều sự thay đổi nhưng phần mộ ở giữa vẫn còn nguyên. Phần mộ, ngôi đền và hai cây táu cổ đã trở thành một quần thể di tích đặc sắc. Văn bia lập trong di tích ghi: “Gần 2.100 năm trôi qua, trải qua biến thiên của thời gian, chiến tranh, nhân dân nơi đây vẫn sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để bảo tồn nguyên vẹn đình, miếu, lăng mộ, hai cây táu quý, di tích quý giá của thời đại Hùng Vương”.

Theo ông Bùi Phúc Khánh, mỗi cây cổ thụ đều có số phận, câu chuyện lịch sử, văn hóa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho việc bảo tồn, tôn vinh cây di sản Việt Nam. Theo ông Khánh, một di tích kiến trúc bị xuống cấp, thậm chí đổ nát hoàn toàn có thể trùng tu, khôi phục được. Nhưng một cây cổ thụ bị chết, thì không thể trùng tu lại được. Ngoài ra, việc vinh danh bảo tồn các cây di sản, chính là bảo tồn các di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.

Bảo tồn báu vật

Trong tiết mãn xuân, đứng ngắm cây táu đang độ phát triển tốt, cành lá xum xuê, ông Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ vui mừng ra mặt. Ông giải thích, cây táu bạc có tên khoa học Vatica subglabra Merrill. Theo ông Khánh, “cụ” táu bạc là một trong những cây cổ thụ lâu năm nhất được phát hiện tại Việt Nam. Năm 2012, cây táu được công nhận là cây di sản Việt Nam. “Tên tuổi của “cụ” nổi tiếng trong giới khoa học của Việt Nam, khu vực và thế giới. Độ tuổi của “cụ” táu bạc không chỉ là ước lượng hay nói vống lên tuỳ thích. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu, lấy mẫu thí nghiệm rất kỹ lưỡng và có kết luận “cụ” đã có niên đại 2.100 năm”, ông Khánh cho hay.

Thân cây nhiều u cục
Thân cây nhiều u cục

Đứng bên cạnh, cụ Ninh kể lại, năm 2014, “sức khỏe” cây táu bạc suy yếu nghiêm trọng. Thân cây lão hóa, bị mối xông mục ruỗng, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cành bị khô và chết dần. “Khi sức khỏe cụ yếu, cả dân làng lo lắng, tìm cách chữa trị, mời các nhà khoa học, chuyên gia đến thẩm định, tìm hướng khắc phục, cứu cây”, cụ Ninh nói.

Theo ông Bùi Phúc Khánh, để khôi phục, duy trì sự sống tốt cho cây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ mời chuyên gia từ Australia sang khảo sát, cho ý kiến về phương pháp chữa trị và hình thành nên đề tài khoa học: “Nghiên cứu mô hình thử nghiệm chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây táu cổ”.

“Chúng tôi đã thực hiện quy trình gồm 10 bước để chữa bệnh, nâng cao thể trạng của cây. Trong đó, tổ chức hội thảo khoa học nhằm thống nhất đánh giá mức độ suy giảm “thể trạng”, xác định nguyên nhân suy giảm, dự kiến giải pháp chăm sóc kéo dài tuổi thọ cây táu cổ. Từ kết quả nghiên cứu mô hình thử nghiệm, các nhà khoa học đưa ra giải pháp duy trì hoạt động chăm sóc cây như: Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư xã Trưng Vương, các doanh nghiệp; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ cây cổ thụ, biên soạn cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc cây.

Đặc biệt, các nhà khoa học đã áp dụng công nghệ xử lý sâu bệnh, mối hại, dây leo kí sinh và hạ giải các bộ phận cây bị khô, mục; đào bới, thăm dò phát hiện các vị trí còn rễ cây, sử dụng hóa chất đặc trị kích thích ra rễ mới, phục hồi bộ rễ cũ. Đồng thời, các chuyên gia đã bổ sung các loại dưỡng chất để tán lá cây phát triển xanh tốt. Để cây phát triển lâu dài, các nhà khoa học phân tích hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng trong đất, tìm ra những khoáng chất còn thiếu, để bổ sung khi cây ra rễ mới.

Sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cây táu bạc lại nở hoa. Mùa hoa mới minh chứng cho một sức sống trường tồn của cây. “Cây táu cổ ở đền Thiên Cổ không chỉ góp thêm cảnh quan cổ kính cho nơi đây, mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của dân tộc trong suốt chiều dài hàng ngàn năm qua. Ngoài ra, việc cứu chữa thành công cây táu bạc còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn gen của một số loại cây quý hiếm”, ông Khánh nói.

Theo V.H (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Các cựu tù nhân xem lại những bức hình thời họ bị địch giam cầm

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ II - Đấu tranh bất khuất diệt ác, trừ gian trong nhà tù

80% trong số tù nhân thiếu nhi ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là những chiến sỹ lực lượng vũ trang, du kích, võ trang chính trị trên khắp toàn miền Nam. Chính vì vậy, các anh chị đã được tôi rèn bản lĩnh can trường, bất khuất và dồi dào kinh nghiệm đấu tranh.

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.