Chợ cá cảnh lớn nhất TP.HCM
TP.HCM chìm trong giấc ngủ, đến chợ cá cảnh lớn nhất TP.HCM đoạn ngã ba đường Lưu Xuân Tín và Trần Hưng Đạo B (Q.5) vào khoảng 3 giờ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi con đường rộn ràng với tiếng xe ba gác, xe máy chở cá cảnh ùn ùn từ khắp từ khắp các tỉnh, thành đổ về.
Không biển hiệu hào nhoáng, không mái che cố định. Chợ cá "âm phủ" họp ngay trên vỉa hè, dưới ánh đèn vàng vọt của phố thị.
Người bán phân loại hàng trăm loại cá cảnh rồi đựng cá vào các túi ni lông, để xuống vỉa hè, lề đường một cách ngăn nắp. Kim đồng hồ chỉ 4 giờ, phiên chợ tấp nập hơn, khách hàng rọi đèn, cúi người xuống chọn lựa.

Anh H. (45 tuổi, ở H.Bình Chánh), không nhớ cụ thể chợ "âm phủ" hình thành từ khi nào, chỉ biết cách đây gần 20 năm, khi anh tham gia bán cá cảnh thì chợ cá ở đường Lưu Xuân Tín đã hình thành từ rất lâu.
Mãi sau này, người buôn và khách hàng đến càng đông nên thương nhân đã tràn ra lề đường để họp thành chợ tự phát. Anh H. giới thiệu, cá cảnh ở đây được nhập từ các tỉnh, thành như: Long An, Cần Thơ, Tiền Giang… sau đó phân phối ngược về các cửa hàng kinh doanh cá cảnh trên khắp cả nước.

Để ý thấy, chợ cá "âm phủ" không chỉ bán mỗi cá cảnh, ở đây còn kinh doanh tôm kiểng, ốc, cua và phụ kiện cá kiểng.
Thắc mắc lý do tại sao khu chợ này lại họp lúc 3 giờ, anh H. vừa trò chuyện với khách hàng, anh H. vừa giải thích, cá ở đây chủ yếu được bán trong ngày và được bỏ sỉ cho các tiểu thương ở tỉnh mang về bán lẻ nên thường bán sớm. Bên cạnh đó, vì là chợ tự phát nên tranh thủ những lúc đường sá vắng người qua lại, họp đến 6 giờ 30 là tan chợ.

Những cuộc trao đổi, mua bán diễn ra sôi động. Người bán giới thiệu, người mua săm soi, kiểm tra màu sắc, sức khỏe của từng con. Theo anh Thuận (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) là một người chơi cá cảnh nói, đôi khi chỉ cần một chiếc đèn pin, anh đã có thể đánh giá giá trị cá cảnh trong tích tắc.
Anh H. giới thiệu, chợ cá "âm phủ" tập trung hầu hết các loại cá đang kinh doanh trên thị trường. Giá "mềm" hơn so với chợ ngày vì đây là giá sỉ. Tùy vào cá bình thường như: cá 7 màu, 3 đuôi…; hay cá quý, có giá trị cao như: cá rồng, ngân long, chép koi... mà giá dao động từ 11.000 đồng đến vài chục triệu đồng.

Những con người gắn bó với đời chợ "âm phủ"
Không chỉ là nơi giao thương, chợ cá "âm phủ" Lưu Xuân Tín còn là nơi lưu giữ những câu chuyện về những con người miệt mài mưu sinh trong bóng tối. Dù phải đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe họ vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Đối với họ, đây không chỉ là công việc, mà còn cả cuộc sống gia đình ở phía sau.
Anh H. chia sẻ, chợ cá cảnh gắn bó với anh gần 20 năm cũng giúp anh có chi phí để trang trải cuộc sống.
Lọt thỏm trước những gian hàng, tôi gặp một người đàn ông trung niên mặc áo sơ mi cũ, ánh mắt mệt mỏi theo dõi dòng người qua lại, ngồi bó gối trên vỉa hè. Đó là ông Tùng (45 tuổi, quê ở Kiên Giang). Ông Tùng lên TP.HCM mưu sinh đến nay cũng được 1 năm.

Trước đây, ông Tùng nuôi cá cảnh, nhưng mùa vụ thất bát liên tục và không tìm được thương lái. Thấy ở quê không đủ tiền nuôi con cái ăn học, ông lên mạng xã hội tìm hiểu và quyết định lên TP.HCM "kiếm sở mần".
Mỗi chiều, ông sẽ đi các tỉnh như Kiên Giang, Long An tìm mua cá cảnh, đóng gói thành từng loại rồi 2 giờ 30 sáng hôm sau sẽ chạy xe máy lên TP.HCM bán.
Thắc mắc nghề này có khó khăn gì không? Ông Tùng tâm sự, nghề buôn cá cảnh này người thương lái không có thời gian nghỉ ngơi nhiều, phải thức thâu đêm suốt sáng.

Ông Tùng cười nói, gần đây ông cảm thấy đau nhức khắp người, nhất là vùng lưng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng nghề này mang lại thu nhập ổn định hơn so với dưới quê, chỉ cần có sức khỏe và siêng năng này thì có thể gắn bó lâu dài. Trung bình, ông kiếm được 700.000 - 800.000 đồng.
"Thức khuya riết nên dạo gần đây sức khỏe tôi giảm sút nhiều. Nhưng vì mưu sinh mà, mình phải cố gắng", ông Tùng nói.
Dù vậy, ông cũng chia sẻ nỗi lo lớn nhất là bán ế. Nếu cá để lâu trong túi bóng và di chuyển nhiều, cá sẽ dễ chết. Nhiều khi ông phải bán lỗ vì không bán được hàng.
Ông cũng tự hào khoe với chúng tôi rằng con gái ông hiện đang học lớp 5 và học rất giỏi. Nhờ có nghề buôn cá cảnh, ông có thể lo cho con cái ăn học và cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.




Kim đồng hồ chỉ 6 giờ 30, cũng là lúc thành phố đã thức giấc. Các tiểu thương cũng thu dọn hàng hóa và chờ đến phiên chợ rạng sáng tiếp theo. Mặt đường lại như cũ, không còn dấu vết của một khu chợ vừa tấp nập cách đó ít phút.
Theo Uyển Nhi (TNO)