TP.HCM nghĩa tình: Nhịp đập xanh 'cùng về đây xây đắp yêu thương'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhịp đập xanh, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ P.4, Q.10, TP.HCM.

Ngay khi bước xuống ga metro ở Bến Thành, chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh nói: “Từ khi biết bị ung thư, tôi luôn tự tạo cho mình những niềm vui nhỏ bé như vậy. Đi metro, ngắm thành phố một mình, quay về với bản thân, giữ nguồn năng lượng tích cực cho mình, hòng giúp các bệnh nhân ung thư khác vực dậy tinh thần".

Chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhịp đập xanh, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ P.4, Q.10, TP.HCM. Hiện câu lạc bộ có khoảng 20 thành viên, hầu hết là những bệnh nhân ung thư hoặc là người có thân nhân đang chống chọi với căn bệnh quái ác này.

Dẫn tới một góc sân rộng nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ trên đường Hòa Hảo - “địa bàn" mà các thành viên thường quây quần sinh hoạt, chị Oanh trầm ngâm nói có những khoảnh khắc trong đời không thể nào quên; và với chị, ngày định mệnh ấy chính là một trong số đó.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Sống lại lần hai

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình diện cận nghèo, chị Oanh không ngừng nỗ lực học tập để có một tương lai tốt hơn.

Sau bao cố gắng, chị trở thành kế toán cho một công ty, mong muốn ổn định sự nghiệp trước khi tính đến chuyện gia đình, con cái.

Thế nhưng, mọi dự định bỗng chốc thay đổi khi một ngày nọ, chị được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2B.

Mẹ là nguồn động lực lớn giúp chị Oanh vượt qua căn bệnh ung thư
Mẹ là nguồn động lực lớn giúp chị Oanh vượt qua căn bệnh ung thư

“Ngày 7.9.2015, khám ra bệnh, tôi như sụp đổ, bàng hoàng, tuyệt vọng. Tôi nghĩ đến tương lai, đến những ước mơ còn dang dở. Người ta thường nói ung thư là cái chết được báo trước.

Tôi cứ nghĩ tới hình ảnh bệnh tật kéo dài, đau đớn. Tệ hơn là mình là trụ cột gia đình, giờ lại phải nhờ mẹ già chăm sóc. Tôi đã khóc rất nhiều... đến mức còn trăn trối với gia đình vì nghĩ không còn mấy thời gian", chị Oanh xúc động kể.

Chị Oanh trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u, tiếp đến là các đợt hóa trị, xạ trị rồi dùng thuốc nội tiết nhằm ngăn ngừa tái phát.

Hồi tưởng lại những lần cận kề “cửa tử”, chị Oanh hiểu rằng điều giúp mình có thêm sức mạnh để đối mặt với bệnh tật chính là nhận ra mình không đơn độc trong cuộc chiến sinh tử ấy.

“Trên giường bệnh, ai cũng khao khát được sống”, chị kể: “Nhưng tôi nhìn quanh và thấy nhiều bệnh nhân khác còn khổ hơn mình gấp nhiều lần. Họ từ các tỉnh xa lên TP.HCM chữa trị, không người thân, không chỗ dựa. Tôi còn có chút tiền tích lũy, còn có mẹ ra vô chăm sóc, còn họ thì phải chạy vạy khắp nơi”.

Dù chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chị vẫn cảm nhận rõ nghị lực phi thường của các bệnh nhân ung thư, đó là chưa bao giờ buông bỏ hy vọng sống.

Có những người từng được bác sĩ tiên lượng rất xấu, tưởng chừng không qua khỏi, vậy mà vẫn kiên cường vượt lên, quay mặt với tử thần một cách ngoạn mục.

Chính điều đó khiến chị tự nhủ: phải sống tích cực, phải lạc quan lên, vì điều kỳ diệu vẫn có thể xảy ra trong đời.

Đến năm 2017, kết thúc quá trình điều trị, bước ra đường, chị Oanh nói mình như được sống lại lần hai.

Đến năm 2022, chị Oanh một lần nữa đối mặt với cú sốc khi phát hiện mẹ mình, ngoài 80 tuổi, mắc ung thư tuyến ức.

Chị Oanh chăm sóc và sát cánh cùng mẹ mình để chống chọi bệnh tật
Chị Oanh chăm sóc và sát cánh cùng mẹ mình để chống chọi bệnh tật

Nhưng lần này thay vì hoảng loạn, tuyệt vọng và giận dữ với số phận, với chính mình, thì nay chị bình tĩnh, mạnh mẽ hơn và trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ,

“Nhớ lại những lần tôi vào bệnh viện, mẹ luôn là người xách giỏ đưa tôi đi. Mẹ chính là động lực giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Giờ tôi đã hiểu rõ tâm lý người bệnh, có kinh nghiệm điều trị, nên tôi sẽ là người đồng hành, chăm lo và tiếp thêm sức mạnh cho mẹ”, chị Oanh bày tỏ.

Chị Oanh luôn tự nhủ phải lạc quan và cố gắng hơn nữa để phụng dưỡng cha mẹ già
Chị Oanh luôn tự nhủ phải lạc quan và cố gắng hơn nữa để phụng dưỡng cha mẹ già

“Còn gì nữa đâu mà không thương yêu nhiều hơn!”

Chị Oanh rất tích cực tham gia các nhóm truyền thông, chương trình phòng chống ung thư và mạng lưới hỗ trợ cộng đồng.

Trong thời gian sinh hoạt cùng nhóm bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Oanh thấy có nhiều người cùng phường cũng đang điều trị bệnh. Nhiều người lại không có bảo hiểm y tế nên chị Oanh chủ động tìm đến UBND phường để xin hỗ trợ.

Cũng chính từ cơ duyên ấy, chị bắt đầu gắn bó với Hội Liên hiệp Phụ nữ P.4. Và từ những trăn trở và mong muốn sẻ chia, Câu lạc bộ Nhịp đập xanh đã ra đời, với phương châm: bên lằn ranh sinh tử, không còn ranh giới nào ngoài khát vọng sống.

Sinh hoạt Câu lạc bộ Nhịp đập xanh vào quý 1/2025
Sinh hoạt Câu lạc bộ Nhịp đập xanh vào quý 1/2025

Lý giải tên gọi của câu lạc bộ, chị Oanh nói cái tên Nhịp đập xanh mang ý nghĩa kết nối những trái tim đồng cảm, mang đến hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Chị Oanh cho hay: “Người mắc ung thư gần như phải bắt đầu lại từ con số 0, không ai hướng dẫn hay động viên. Tôi cũng từng như vậy nên tôi thấu hiểu nỗi lo, nỗi đau của họ”.

Với kinh nghiệm từ chính hành trình điều trị của mình, từ chuyện đặt gạch xếp hàng ở bệnh viện, mang theo “đồ nghề” khi đẩy xe lăn, chăm người bệnh, đến việc xin cơm từ thiện hay tận dụng thẻ bảo hiểm y tế, chị Oanh luôn lăn xả hỗ trợ và động viên các thành viên trong câu lạc bộ.

Chị Oanh cũng đã được huấn luyện về sơ cấp cứu
Chị Oanh cũng đã được huấn luyện về sơ cấp cứu

Chị rành rọt những hoàn cảnh, luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, kết nối bác sĩ để tư vấn miễn phí về dinh dưỡng và luyện tập phù hợp, kết nối với các mạnh thường quân để chăm lo đời sống cho các thành viên.

Hằng quý hoặc hễ rảnh rỗi, các thành viên lại gặp nhau, chia sẻ và tiếp thêm sự kiên cường cho nhau.

Về phần mình, chị Oanh đã học cách sống như thể “không còn gì để mất”.

Sau cơn bạo bệnh, chị càng trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, bởi “còn gì nữa đâu mà không thương yêu nhiều hơn”.

“Ngày xưa, tôi làm nhiều, làm cố, cứ nghĩ sống là điều hiển nhiên. Nhưng sau tất cả, tôi nhận ra: còn sống đã là một điều may mắn. Thành thử tôi học cách tự tạo niềm vui cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, tôi chỉ mong tất cả mọi người được sống bình an”, chị chia sẻ.

Chăm lo cho các thành viên trong Câu lạc bộ Nhịp đập xanh
Chăm lo cho các thành viên trong Câu lạc bộ Nhịp đập xanh

Các thành viên trong câu lạc bộ thường hát những câu thiền ca nổi tiếng trong truyền thống Làng Mai: “Anh em ta từ bốn phương trời/Chị em ta từ khắp năm châu/Không phân biệt màu da, tôn giáo/Cùng về đây xây đắp yêu thương/Hiểu và thương/Hiểu và thương/Có hiểu mới có thương/Hiểu càng sâu thương càng rộng/Hiểu càng rộng thương càng sâu”.

Chị Oanh cũng nghĩ vậy và chỉ mong vậy, rằng con người có thể thấu hiểu nhau nhiều hơn, kết nối sâu sắc hơn với chính mình và với cộng đồng xung quanh. Vì đôi khi, chỉ cần một sự đồng cảm cũng đủ làm dịu đi rất nhiều nỗi đau trong cuộc đời.

Với sự lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, năm 2022, Câu lạc bộ Nhịp đập xanh được TP.HCM trao giải thưởng Nguyễn Thị Định.

Năm 2024, UBND TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tuyên dương tập thể Câu lạc bộ Nhịp đập xanh là "tấm gương thầm lặng mà cao cả".

Nhiều chuyên đề sinh hoạt ý nghĩa cho bệnh nhân ung thư

Chị Nguyễn Thị Như Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.4, cho hay từ năm 2018, hội đã gắn bó và hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ mắc bệnh ung thư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhiều người mẹ và trụ cột gia đình không may qua đời vì ung thư, để lại con nhỏ và gia đình không ai chăm sóc. Hơn nữa, việc điều trị ung thư không chỉ cần thuốc men mà còn cần tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống.

Các thành viên tham gia một buổi tập nâng cao sức khỏe
Các thành viên tham gia một buổi tập nâng cao sức khỏe

Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Hội Liên hiệp Phụ nữ P.4 đã kết nối nguồn lực, thành lập Câu lạc bộ Nhịp đập xanh.

Câu lạc bộ nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị, cá nhân và các nhà hảo tâm, từ đó tạo nên một không gian ấm áp, nơi các bệnh nhân ung thư có thể gặp gỡ, chia sẻ, động viên và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

Thành viên tham gia câu lạc bộ sẽ được tham gia vào các buổi sinh hoạt như chăm sóc sức khỏe, giải tỏa tâm lý lo âu cho bệnh nhân, giao lưu văn nghệ, học bơi, tập yoga; định hướng, dạy nghề, hỗ trợ vốn giới thiệu việc làm; hiến tóc vì cộng đồng và nhiều hoạt động chăm lo an sinh khác.

Theo Lê Trọng - Mỹ Diệp - Thúy Liễu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.