Ký sự lái xe đường dài - Bài cuối: Phía trước tay lái là sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Căn bệnh chủ quan dường như đã trở thành bệnh kinh niên của rất nhiều lái xe. Để phòng ngừa các vụ tai nạn đáng tiếc, mỗi lái xe cần phải “chữa” được căn bệnh ấy, luôn tỉnh táo và cẩn thận trên mỗi cung đường…

Ăn đám cưới anh trai trong... nhà tạm giam

Thời ở công ty vận tải hàng hóa, tôi có một đồng nghiệp thường lái cùng tên là Tuấn. Nhiều lái xe đã gắn cho Tuấn biệt danh là “Tuấn tiền” bởi dường như Tuấn chạy cho xe nào thì xe đó dính tai nạn và chủ xe sẽ mất tiền nên cái tên Tuấn gắn với chữ “tiền” tai ương là như vậy.

Lần đầu Tuấn lái xe tải thuê chở gạch men từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột. Đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tuấn buồn ngủ và chiếc xe tải chở hơn chục tấn gạch lao xuống ruộng. Tuấn và chủ xe từ cõi chết trở về.

Cứ tưởng vụ tai nạn ấy làm Tuấn biết sợ mà lái cẩn thận, nhưng những chuyến sau đi cùng, tôi tận mắt chứng kiến mới thấy Tuấn vẫn chạy láo, chạy nhanh, chạy ẩu vô cùng. Nhắc Tuấn về vụ tai nạn để anh ta tỉnh ngộ, Tuấn không những không nghe mà hậm hực cho đó là một lần xui xẻo…

Với lái xe, mỗi chuyến xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn là hạnh phúc.
Với lái xe, mỗi chuyến xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn là hạnh phúc.

Thời gian sau, Tuấn chuyển sang lái cho một chủ xe khác. Trong một chuyến xe, Tuấn vượt một chiếc xe tải 8 tấn, rồi tạt đầu khiến chiếc xe ấy lật nhào xuống đường, chủ xe sau đó phải bồi thường cho chiếc xe không may kia rất nhiều tiền. Những chuyến sau đó do Tuấn điều khiển, xe không lật, không ngã thì cũng va quẹt… Rồi đến khi Tuấn chạy thuê cho ông chủ xe tên Phương thì gây tai nạn chết người!

Ông Phương kể lại: “Xe bốc hàng gỗ tạp đi miền Tây Nam Bộ, do tối đó có trận chung kết bóng đá EURO 2004 nên lái xe của tôi không chịu đi. Chủ hàng lại yêu cầu đi gấp. Không còn cách nào khác tôi đành phải nhờ Tuấn “tiền” đi giúp một chuyến. Tôi ngồi kèm, nhắc nhở chạy chậm, chạy an toàn… nhưng anh ta tỏ vẻ không vui và cứ chạy như ý mình. Chuyến đi bỏ hàng trôi chảy. Tôi nhận chở một xe bia về Phú Yên, nhân tiện về ăn đám cưới anh trai tôi ở Bình Định vào ngày hôm sau. Tuấn điều khiển xe từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh ra đến An Phú Đông thì tông chết người. Sau khi gây tai nạn, Tuấn nhảy xuống bỏ chạy, chỉ để lại một câu: “Anh lo giùm…!”. Báo hại lần ấy tôi phải ăn cưới anh trai trong nhà tạm giam của công an… cùng bao nhiêu dằn vặt cho đến tận hôm nay”.

Để có những chuyến xe an toàn

Trường hợp Tuấn “tiền”, hay lái xe khách tên Vinh ở bài 1 đã đề cập là một trong nhiều lái xe có trái tim “lạnh lẽo”. Có lái xe chỉ một lần lỡ gây tai nạn chết người bị ám ảnh, ăn năn đến bỏ nghề, song cũng có lái xe khách gây tai nạn nhiều lần nhưng vẫn cầm lái và chưa bao giờ nhận lỗi về mình mà chỉ đổ thừa tại xui xẻo…

Hàng loạt lái xe bị bắt khẩn cấp, bị xử lý hình sự sau các vụ tai nạn xảy ra gần đây nhưng vẫn còn nhiều lái xe ý thức kém, xem thường tính mạng hành khách rất đáng lo ngại.

Sau gần 20 năm thấp thỏm mất ăn, mất ngủ với những chuyến xe đường dài, tôi chuyển nghề dạy lái mong có thể truyền đạt lại những kinh nghiệm xương máu cho những học viên của mình. Nhưng không phải muốn mà được. Nhiều học viên đến khi tham gia giao thông ngoài đường thì “cá tính” sẽ trỗi dậy, quên hết cả những bài học an toàn đã được học.

Tính mạng và tài sản của hành khách trong mỗi chuyến xe phụ thuộc rất lớn vào tài xế.
Tính mạng và tài sản của hành khách trong mỗi chuyến xe phụ thuộc rất lớn vào tài xế.

Chỉ là yêu cầu chạy chậm, tập quan sát, nhìn gần, nhìn xa, liếc qua, liếc lại… phải biết đoán, phân tích rồi đưa ra phương án xử lý êm ái, an toàn nhất; hay bài hát mà ai cũng thuộc từ ngày đi mẫu giáo “Đường em đi là đường bên phải. Đường ngược lại là đường bên trái… Đường bên trái thì em không đi. Đường bên phải là đường em đi”, vậy mà nhiều lái xe vẫn không tuân thủ nghiêm túc.

Với lái xe, mỗi chuyến xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn là hạnh phúc. Vì vậy, hãy đừng chủ quan, luôn tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đi đúng phần đường, làn đường, không phóng nhanh, giành đường vượt ẩu; giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn… thì đã có thể hạn chế được biết bao nhiêu vụ va chạm không đáng có.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp, chủ xe cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với người lao động (đặc biệt là các lái xe) theo đúng Luật Lao động quy định. Khi tuyển người phải có giấy khám sức khỏe, phải có thời gian tập sự, thử việc đi phụ, chạy phụ… mới giao xe, giao việc.

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ đã có những quy định tăng rất nặng mức phạt hành chính, kèm theo trừ điểm và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn với những lái xe có hành vi cố tình sử dụng rượu, bia, ma túy, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu… gây tai nạn nghiêm trọng. Hy vọng các lái xe nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, chủ động nhường nhịn để có những chuyến xe an toàn. Khi ấy, đời lái xe sẽ vui vẻ, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu…

Theo Trương Nhất Vương (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.