Ngẫm suy miền 'Gió Lào, Cát Trắng' - Kỳ 2: Chất thép trong đất lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nói về Quảng Trị, sức chịu đựng, nghị lực phi thường của con người ở mảnh đất này thực sự gây kinh ngạc. Tuy nhiên, một phẩm chất đáng nể khác của họ chính là sự lạc quan, tìm ra những tích cực nhất trong gian khổ để không bao giờ thôi hy vọng…

Quảng Trị, ven hồ Thuỷ điện Rào Quán có một cây cô đơn. Chính xác, tên của nó là phong hương, nhưng dân địa phương thường gọi là sau sau. Chúng mọc nhiều, thậm chí tạo nên một rừng sau sau ở mạn tây bắc hồ. Còn cây này, không hiểu vì sao lại đứng lẻ loi, một mình đứng giữa không gian mênh mông, ngắm nhìn làn nước màu ngọc bích và cánh đồng điện gió phía xa.

Chính bởi cái sự bướng bỉnh này, nó trở thành địa điểm yêu thích của giới trẻ Quảng Trị. Họ tìm đến đây để tận hưởng khoảnh khắc yên bình đến lạ bên cây cô đơn. Không biết có phải vì ghen tỵ hay không, một kẻ nào đó đã tìm cách đốn hạ nó, dùng rựa lột vỏ, chặt sâu vào thân cây.

Cây cô đơn bên hồ Thủy điện Rào Quán. Ảnh: Trọng Tài
Cây cô đơn bên hồ Thủy điện Rào Quán. Ảnh: Trọng Tài

Nhiều người xót xa, nghĩ rằng cây sẽ chết. Nhưng không. Nhờ vào sự chăm sóc của nhóm tình nguyện và sức sống mãnh liệt, cây cô đơn xanh tốt trở lại, tiếp tục vươn mình trong nắng gió, bền bỉ sinh tồn lúc nước ngập ngang thân hay mùa khô đất cằn nứt nẻ.

Đến Hướng Hóa, băng qua con đường nhỏ đầy sỏi đá, tôi đến bên cây cô đơn. Chạm tay vào thân cây thô ráp vẫn còn vết sẹo lớn và ngước nhìn lên tán lá xanh mướt, đột nhiên tôi cảm thấy cây sau sau này sao giống người Quảng Trị đến thế.

Bao đời nay con người nơi đây vẫn bám trụ ở mảnh đất từng được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, vừa hứng chịu gió Lào khắc nghiệt, vừa đối mặt với nắng cháy bão giông. Chưa hết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, họ lại oằn mình với bom đạn chiến tranh.

Nói đến bom đạn, không nơi nào khốc liệt như mảnh đất Vĩnh Linh. Là địa đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa sau Hiệp định Geneve 1954 lấy vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu đánh phá bởi mục tiêu đưa mảnh đất chưa đầy 820 km2 nằm ở bờ bắc sông Bến Hải “trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn 1965-1972, kẻ thù đã trút xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom, đạn. Trung bình, mỗi người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom, đạn các loại.

Địa đạo Vịnh Mốc, kỳ quan dưới lòng đất lửa. Ảnh: Như Ý
Địa đạo Vịnh Mốc, kỳ quan dưới lòng đất lửa. Ảnh: Như Ý

Thế nhưng đế quốc Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Với quyết tâm sắt đá “một tấc không đi, một ly không rời”, không sống được ở trên thì ta xuống dưới, giặc phá nhà thì ta đào hầm, một hệ thống hầm hào, địa đạo rộng khắp đã hình thành sâu dưới lòng đất.

Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) là ngôi làng nằm sát bờ biển, cách thành phố Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng 38km. Hiểu rõ vị trí trọng yếu trong cuộc kháng chiến, vừa là đầu cầu giới tuyến miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị, quân và dân Vịnh Mốc bắt đầu công cuộc đào địa đạo.

Khi tôi đặt chân tới Vịnh Mốc, dù đã qua hơn nửa thế kỷ, nhiều hố bom còn đó, trên mặt đất. Lòng chảo khổng lồ nó tạo ra cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp. Thế nhưng, dưới lòng đất, địa đạo vẫn tồn tại nguyên vẹn, bướng bỉnh và đầy thách thức với chiến tranh, cũng như cả thời gian.

Cụ Hồ Văn Triêm là người từng tham gia đào địa đạo Vịnh Mốc. Với tư cách Xã đội phó Vĩnh Thạch, cụ trực tiếp chỉ đạo người dân phối hợp với lực lượng vũ trang đào hầm theo Nghị quyết của khu ủy Vĩnh Linh. Ở tuổi 89, cụ vẫn còn minh mẫn và ký ức năm xưa vẫn sống động trong cụ.

“Những ngày ấy ai cũng chung tay góp sức”, cụ Triêm kể với tôi, “Chúng tôi chia làm bốn đội, mỗi đội lại có đội trưởng, đội phó và thư ký chấm công, khen thưởng. Các đội thay phiên nhau đào liên tục cả ngày lẫn đêm. Đàn ông thì đào, phụ nữ thì gánh đất chuyển đi, còn ông già bà cả đan sọt tre, lấp lá ngụy trang. Ban ngày vừa trồng trọt sản xuất, vừa đào hầm, ban đêm chuyển đất ra biển”.

Trong khoảng hai năm, từ 1965 đến 1967, với 18.000 ngày công, quân dân Vịnh Mốc đã đào và vận chuyển 6.000m3 đất đá, hoàn thành công trình kỳ vĩ gồm 114 địa đạo lớn, nhỏ. Tổng chiều dài đường hầm lên đến 1.701m, kết cấu 3 tầng và 13 cửa (6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra biển).

Quá trình đào hầm rất gian nan. Càng đào sâu càng tối, dụng cụ lại thiếu. Việc thông hầm từ hai hướng đào khác nhau cũng là một vấn đề. Tuy nhiên “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo cụ Triêm, mọi người chẻ tre làm đuốc, lấy mảnh bom làm cuốc xẻng, và lắng nghe tiếng vọng để tìm nhau giữa lòng đất. Cấu trúc địa đạo cũng rất sáng tạo, với giếng đào, cửa thông thoáng khí cùng những con lạch nhỏ thoát nước. Giặc ném bom khoan, ta lại đào sâu hơn nữa, với đường trượt để có thể thoát xuống nhanh nhất.

Đến Quảng Trị mới biết ở đây cũng có cả kho tàng truyện Trạng, gọi là truyện Trạng Vĩnh Hoàng. Trong đó có chuyện Địa đạo xuyên lục địa, kể rằng sau một hồi đào bới quyết liệt, đất vỡ ra bỗng thấy toán người, ai cũng râu ria xồm xoàm cả. Cả làng mừng quá, vì đã đào… sang tận bên kia bán cầu, nơi có nước Cuba anh em và gặp con cháu Fidel Castro.

Vậy là địa đạo Vịnh Mốc trở thành thế giới trong lòng đất lửa. Nơi này có đủ không gian để người dân Vịnh Mốc ăn, ở, sinh hoạt, cũng bao gồm cả nhà trẻ, trạm cứu thương, nhà thông tin, nhà dân quân trực gác, kho chứa hàng và hội trường... Tất cả làm nên kỳ tích gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất, không một ai bị thương tích. Họ không chỉ vừa duy trì cuộc sống thường nhật, vừa có thể trồng trọt, chiến đấu vừa trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Cụ Triêm tự hào cho biết, là lực lượng dân quân tại chỗ, cụ cùng những đồng đội khác có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí để tiếp sức bảo vệ đảo Cồn Cỏ, chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Bên cạnh đó, luôn sẵn sàng nghênh chiến máy bay địch.

Một lần hiếm hoi cụ Triêm tạm rời trận địa chính là đêm cụ Nghiên, vợ cụ, sinh người con thứ ba. Bà Hồ Thị Hường là một trong 17 người được sinh ra trong nhà hộ sinh của địa đạo. Hồi ấy thiếu thốn đủ thứ, trẻ sinh ra thì lấy dao cắt rốn, rồi quấn trong quần áo cũ. Lớn lên cũng chỉ khoai sắn thay cơm, lúc no lúc đói, vậy mà ai cũng khỏe mạnh.

Như cụ Triêm kể, tuy gian khổ nhưng tinh thần ai cũng phấn chấn. Trong địa đạo mọi người thường tập trung ở nhà hội trường, cùng nhau ca hát át tiếng bom. Mỗi lần có tin chiến thắng báo về, tất cả lại rộn ràng hăng hái, tin tưởng cuộc chiến nhất định thắng lợi.

Nói về Quảng Trị, sức chịu đựng, nghị lực phi thường của con người mảnh đất thực sự gây kinh ngạc. Tuy nhiên một phẩm chất đáng nể khác của họ chính là sự lạc quan, tìm ra sự tích cực nhất trong gian khổ để không bao giờ thôi hy vọng.

Tiếng cười lạc quan chính là một phần làm nên sức sống mãnh liệt, tôi luyện chất thép của dân Quảng Trị. Qua những loạn ly, chia cắt, binh đao, bom đạn, họ vẫn kiên cường và không nguôi khát vọng vươn lên, tựa cây sau sau ven hồ Rào Quán, bền bỉ sinh tồn mãi mãi xanh tươi.

Theo THANH HẢI (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.