Ngẫm suy miền 'Gió Lào, Cát Trắng' - Kỳ 1: Nghe những dòng sông kể chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi dòng sông luôn có một câu chuyện để kể, với tâm hồn, màu sắc cũng như thanh âm riêng biệt. Và những dòng sông ở Quảng Trị cũng thế…

Dòng sông cuộn chảy, chảy mãi không ngừng, nhưng nó không thích sự nhàm chán và luôn tìm kiếm sự mới mẻ trong từng khoảnh khắc. Khi cảm thấy mệt mỏi với một hành trình, nó khám phá một ngã rẽ để thiết lập một con đường mới. Đó chính là cách những dòng sông ở Quảng Trị tạo thành.

Sông Rào Quán từ đỉnh Sa Mù, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa chảy qua xã Hướng Tân, tới chân đèo Khe Sanh thì gặp ĐaKrông, dòng sông bắt nguồn từ sâu trong các dãy núi Trường Sơn và đi qua những bản làng của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều, Tà Ôi rồi chảy về xuôi. Sự hợp lưu này tạo nên sông Thạch Hãn, dòng sông lớn nhất Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải. Ảnh: Như Ý
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải. Ảnh: Như Ý

Thạch Hãn cũng vận động không ngừng. Như sách Đại Nam Nhất thống chí chép: “đến ngã ba cổ Thành sông chia làm hai nhánh, một nhánh xuống đông nam, chảy vào sông Vĩnh Định, gặp sông Nhùng (Mai Đàn) từ phía tây tới, rồi theo hướng nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Ma), sau đó chảy ra phá Tam Giang, một nhánh chảy lên đông bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức huyện Triệu Phong), rồi ngã ba Đại Độ gặp sông Điếu Ngao (sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ - tức sông Hiếu) trước khi đổ ra Cửa Việt”.

Từ Cửa Việt ngược lên Cửa Tùng gần hai mươi cây số, ấy vậy mà sông Thạch Hãn vẫn với cánh tay - một nhánh nhỏ mang tên Cánh Hòm - sang phía đó để tìm đến sông Bến Hải. Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi ra cửa Cửa Tùng.

Chính bởi cái vị trí đặc biệt ấy, sông Bến Hải cầu Hiền Lương trở thành vùng giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Nam-Bắc sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954. Vậy là “cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ”, và “chung một nhịp cầu mà bên nhục bên vinh, cùng một dòng sông mà bên trong bên đục”.

…Mọi con sông đều đổ ra biển, nhưng trước ào vào đại dương với tất cả chất chứa, sẽ quanh co đâu đó và tìm thấy nhau, hòa làm một. Chỉ có điều chúng không giống nhau. Mỗi dòng sông luôn có một câu chuyện để kể, với tâm hồn, màu sắc và thanh âm riêng biệt.

Tôi đã từng không tin, cho đến một ngày đứng ở Rào Quán, nơi có hồ thủy điện và cánh đồng điện gió. Ngồi gốc “cây cô đơn” và tận hưởng những ngọn gió mát lành thổi vào từ mặt hồ xanh màu ngọc bích, tôi cảm nhận được hơi thở cuộc sống qua tiếng sóng vỗ bờ khoan thai, tựa cánh tay dịu dàng ve vuốt tâm hồn.

Từ Rào Quán dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, ngó sang một bên sẽ là dòng ĐaKrông màu trắng bạc chạy song song suốt quãng đường dài. Như lời bài hát Sông ĐăkRông mùa xuân về của cố nhạc sĩ Tố Hải, “đi suốt Trường Sơn xanh, nghe dòng sông chảy mãi”, những thanh âm cứ réo rắt mãi không ngừng.

Bến thả hoa bên bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Như Ý
Bến thả hoa bên bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Như Ý

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sông ĐaKrông là bạn đồng hành của các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ giữa đại ngàn Trường Sơn. Len lỏi qua những ngọn núi cheo leo, tiếng dòng nước va vào đá đầy hào sảng, dạt dào, lại đầy thúc giục.

Đến ĐaKrông vào đầu mùa khô, nhiều đoạn khô cạn trơ đáy, chỉ còn lại một dòng nước rất mảnh. Nhưng chính tàn tích, các tảng đá lớn lộ ra lại làm sống động những ký ức xưa cũ, về một thời tiếp thêm sức mạnh cho những bước chân giải phóng, như ngàn năm trước từng nâng bước đồng bào thiểu số băng rừng mở đất.

Cái hào sảng của ĐaKrông, hay nói theo cách của nhạc sĩ Tố Hải - là “nguồn nước Cách mạng” - tiếp tục chảy khi về đến Ba Lòng và chợ Cạn, nơi đầu nguồn và giữa nguồn Thạch Hãn. Đó là chiến khu, căn cứ địa lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp, làm nên câu ca “Muốn tìm Việt Minh thì về chợ Cạn/Muốn lấy súng đạn thì lên Ba Lòng”. Chưa hết, phía đông dòng Thạch Hãn, thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong tự hào là nơi sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Theo thời gian, dòng nước Cách mạng ấy tiếp tục truyền cho hậu thế, để sông Thạch Hãn không chỉ mang nặng phù sa mà còn thấm đẫm máu của biết bao chiến sĩ, lấy thân mình đổi lấy ngày thống nhất, độc lập cho non sông. Đó là những người con ưu tú của đất nước, bỏ lại người thân, làng quê và giấc mơ sách vở sau lưng, vượt sông vào chiến trường Thành Cổ.

Trong “mùa hè đỏ lửa” 1972, dòng Thạch Hãn là đường tiếp tế nhân lực, hàng hóa cho mặt trận Quảng Trị, vì vậy trở thành địa điểm đánh phá ác liệt của địch, với vô số bom đạn được ném xuống. Nhiều chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông, để “tuổi hai mươi hóa thành sóng nước”.

Ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành Cổ, sau khi nhận lệnh rút toàn bộ quân sang bờ Bắc, hàng trăm chiến sĩ và thương binh không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước sau nhiều ngày chiến đấu. Một lần nữa, sông Thạch Hãn trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của chiến sĩ Thành Cổ anh hùng.

Ngày tôi đến bến thả hoa bên bờ nam sông Thạch Hãn, dòng nước hiền hòa như nó vốn có. Trong không gian ngát hương trầm của bến thả hoa, tiếng sóng vỗ vào bờ đá, vào mạn con thuyền trực chờ đưa người tưởng niệm sang bờ bắc, nơi có 81 cây phượng vỹ tượng trưng cho 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ. Những thanh âm của dòng sông thấm đẫm khúc tráng ca đều đều khoan nhặt như tiếng ru những linh hồn không ngủ. Họ sẽ không bao giờ bị lãng quên, nơi dòng sông chảy mãi và tiếp tục kể những câu chuyện bi tráng và đầy hào hùng.

Cầu treo ĐaKrông vắt qua sông ĐaKrông ở huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Như Ý
Cầu treo ĐaKrông vắt qua sông ĐaKrông ở huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Như Ý

Chỉ cần dừng lại, chạm tay vào dòng sông và lắng nghe, tất cả bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Từ câu chuyện thời Chúa Nguyễn Hoàng tiến vào nam mở cõi của sông Ái Tử, sông Ô Lâu, đến chiến lũy “Bạch Đằng giang” được dựng lên trên sông Hiếu năm 1968, hay chuyện sông ĐaKrông cùng các chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, sông Cánh Hòm vun bồi nên vùng đất hiếu học Mai Xá, rồi những đóa hoa trên dòng Thạch Hãn góp phần làm nên khúc khải hoàn, ngày thống nhất bên dòng sông Bến Hải mang khát vọng hòa bình, và cả chuyện chuyển mình, phát triển kinh tế ở Rào Quán…

Những dòng sông kết nối chúng ta với quá khứ, xây đắp hiện tại, hướng đến tương lai. Và chúng vẫn không ngừng chảy…

Năm 1981, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn hoàn thành nhờ ý chí và nghị lực phi thường của hàng vạn cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, nhân dân tỉnh Quảng Trị. Trong một lần về thăm quê, chứng kiến dòng nước mát chảy về vùng cát trắng Triệu Phong, cũng là “thắng lợi đầu tiên” trong công cuộc xây dựng quê nhà sau chiến tranh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã mừng đến khóc: "Quảng Trị rồi sẽ hết nghèo đói...".

Theo Thanh Hải (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

null