Tôi nhận được email của một phụ nữ tên Hồng, mẹ của một học sinh cấp 3. Trong email, chị viết: "Gấp! Con mình làm dự án chế tạo xe 3 bánh năng lượng mặt trời kết hợp ắc quy. Mình tình cờ đọc bài viết Phận người lăn lết bán vé số quanh phố phường TP.HCM trên Báo Thanh Niên. Trước mắt, mẹ con mình muốn liên hệ tặng gấp 1 đến 4 xe cho người khuyết tật".
Tôi lập tức đi tìm lại những cụ ông khuyết tật bán vé số trong bài viết trên. Người đầu tiên tôi gặp là cụ Thạch Sắc. Đôi chân cụ Sắc bị tật, khá khó khăn mới ngồi được trên xe để tôi đưa tới nơi nhận xe, nhưng cụ Sắc vui như vừa trúng số.
TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.
Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.
Dự án nhân ái của cậu học sinh giàu lòng trắc ẩn
Nơi cậu học trò Bùi Đức Tài chế tạo xe 3 bánh chạy bằng điện kết hợp năng lượng mặt là một cơ sở sửa chữa xe đạp, xe 3 bánh chạy điện ở quận Tân Phú, TP.HCM.
"Tôi hỏi khắp nơi mới có người đồng ý cho mượn đồ nghề và chỗ này để cháu thực hiện dự án xe điện tặng người khuyết tật", chị Hồng tâm sự.

Ngồi trên chiếc xe sắp được tặng để Đức Tài hướng dẫn cặn kẽ cách vận hành, cụ Sắc nước mắt rưng rưng. Mẹ con chị Hồng cũng không giấu được niềm vui. "Nhờ chú mà mẹ con cháu tìm được đúng người để tặng xe. Cháu thật sự rất vui", Tài thổ lộ.
Qua tâm sự thì được biết chị Hồng là mẹ đơn thân. Còn Tài khi mới 15 tuổi đã sang Mỹ và cũng đơn độc trong hành trình học tập ở một trường trung học thuộc bang New Jersey. Tài có tên nước ngoài là Ng Wei Jie.

Yêu thích môn vật lý và mê ngành cơ điện, nên 2 từ "chế tạo" luôn ám ảnh trong đầu cậu học sinh tuổi teen này. Nhưng chế tạo thứ gì, cho ai là câu hỏi luôn xoáy vào tâm trí của Đức Tài.
Và rồi, Tài chọn một dự án không hề dễ dàng, nhưng giàu lòng nhân ái: chế tạo xe 3 bánh chạy bình ắc quy có tích hợp pin năng lượng mặt trời dành tặng người khuyết tật. "Tài là một đứa con lành tính, đầy lòng trắc ẩn", chị Hồng tự hào.

Nghe Tài trải lòng về dự án, tôi thật sự ngưỡng mộ tâm và tầm của một cậu học sinh 16 tuổi. Theo Tài, TP.HCM có nhiều người tàn tật mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhưng khả năng di chuyển hạn chế làm thu nhập của họ giảm một nửa so với những người lành lặn bán vé số.
Một số ít người khuyết tật dùng xe lắc tay đi bán vé số, nhưng cũng mất nhiều sức và quãng đường di chuyển được cũng không xa. Dùng xe 3 bánh chạy bằng điện có thể giúp đi được quãng đường xa hơn nhiều.
Tuy nhiên, hầu như người khuyết tật bán vé số không có khả năng mua vì một chiếc xe như thế giá hiện nay khoảng 16 triệu đồng, vượt quá khả năng.
"Cháu luôn suy nghĩ về vấn đề này và tìm cách giúp họ. Nếu họ đi xa hơn, dùng ít sức hơn mà bán được nhiều vé số thì cuộc sống của họ sẽ được cải thiện", Tài tâm sự.
"Cháu yêu môn vật lý. Đặc biệt, khi học xong phần cơ học, điện và năng lượng tái tạo, cháu nghĩ đến phương án chế tạo xe 3 bánh chạy bằng ắc quy sạc điện thông thường kết hợp sạc năng lượng mặt trời", Đức Tài chia sẻ thêm.

Hiện nay một số ít người khuyết tật dùng xe điện 3 bánh để đi bán vé số, nhưng hầu như chưa có loại xe gắn thêm tấm pin năng lượng mặt trời.
Đó là lý do Tài muốn tích hợp thêm tấm pin năng lượng mặt trời trên chiếc xe.
"TP.HCM với 5 đến 10 giờ nắng trong ngày là yếu tố hoàn hảo để sử dụng năng lượng mặt trời. Gắn thêm tấm pin năng lượng mặt trời sẽ đỡ một phần kinh phí do không phải lệ thuộc hoàn toàn việc sạc điện trong nhà. Giải pháp này cũng giúp các xe dành tặng người khuyết tật có thể đi quãng đường xa hơn mà không cần quay về nhà để sạc", Đức Tài giải thích.
Cách cậu học trò tuổi teen làm xe điện 3 bánh
Tại Mỹ, Đức Tài học một học kỳ khoảng 2 tháng rưỡi. Xong 1 học kỳ, em có 2 tuần được nghỉ. Lúc đó, cậu du học sinh này về Việt Nam ngay để vùi đầu vào chế tạo xe cho dự án nhân ái của mình để kịp quay trở lại Mỹ, lúc trường bước vào học kỳ mới.
Dự án của Đức Tài được mẹ và một số người bạn của mẹ ủng hộ và góp kinh phí. Tuy nhiên, với mức kinh phí hiện tại còn hạn chế, cậu học sinh tài năng này phải "liệu cơm gắp mắm".

Song song việc mua khung sườn xe 3 bánh dạng lắc tay mới, Tài tìm những chiếc xe 3 bánh lắc tay cũ đã xem là phế liệu để tân trang lại, gắn bình ắc quy, tấm năng lượng mặt trời và các linh kiện cần thiết… biến thành những chiếc xe dành cho người khuyết tật.
Mặt khác, Tài tận dụng xe 3 bánh lắc tay của một số người khuyết tật đang dùng, nâng cấp lên thành xe gắn động cơ chạy pin ắc quy được hỗ trợ thêm năng lượng mặt trời để tặng lại họ.
Tính an toàn của chiếc xe dành cho người khuyết tật được Tài chú trọng đặc biệt với những tính toán kỹ về độ cân bằng, tốc độ tối đa chỉ 15 km/giờ, cùng với hệ thống phanh, còi… Tự Tài cũng chạy thực tế hàng chục cây số để kiểm tra độ an toàn của xe.

Được biết, chi phí làm một cái xe 3 bánh hoàn toàn mới theo "công nghệ" của Đức Tài là 12 triệu đồng. Nếu cải tiến từ xe cũ chỉ 8 triệu đồng. Chi phí này thấp hơn nhiều so với chi phí mua một chiếc xe điện ba bánh dạng lắc tay mới hiện nay là khoảng 16 triệu đồng.
Ngoài tài chính, chị Hồng hỗ trợ đắc lực bằng cách đặt mua các thiết bị, linh kiện theo đơn cậu con trai soạn. "Tôi phải giải thích cho người bán là mình mua hàng làm xe tặng những người khuyết tật để họ bán sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng", chị Hồng thổ lộ.

Ngay trong ngày tặng xe cho cụ Sắc, buổi tối Đức Tài phải khăn gói ra sân bay trở lại Mỹ để tiếp tục học. Vừa đến nơi, Tài đã gọi cho mẹ nhờ mẹ kết nối với tôi để biết cụ Sắc vận hành xe có ổn không.
Hôm sau tôi đi tìm cụ Sắc, ông hớn hở cho biết: "Tui chạy ngon lành rồi. Có xe, tui đi bán vé không còn vất vả nữa mà còn đi xa hơn nên bán tăng thêm hơn 100 tấm vé số mỗi ngày".
Tôi báo tin này cho Tài, cậu học trò từ bên kia bán cầu reo lên: "Cháu vui quá. Nhưng còn rất nhiều người khuyết tật phải chống nạn, lăn lết hoặc chỉ dùng xe lắc tay bán vé số mưu sinh, nên cháu sẽ cố gắng vận động thêm mọi người chung sức để thực hiện dự án này lâu dài".
Bỗng dưng tôi nghĩ, cái tên Đức Tài có lẽ vận đúng vào cậu học sinh tuổi teen này rồi.
Ngoài việc vận dụng kiến thức về cơ điện, năng lượng tái tạo học ở nhà trường và tự học để sáng chế xe 3 bánh điện, Đức Tài còn biết chơi đàn violin, piano.
Em đã từng tham gia biểu diễn các nhạc cụ này trong các chương trình từ thiện, giao lưu hoặc dạy cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Quang Viên (TNO)