Đây cũng chính là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất lịch sử ngày 28/3 vừa qua.

"Phải làm gì đó thiết thực"
Đã có ba năm sinh sống và làm việc tại Mandalay, chị Nguyệt vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại những gì đã trải qua. Chị cho biết, trưa 28/3, khi đang ở trên tầng 2 của căn hộ nằm trên đường 66 thành phố Mandalay, chị bỗng thấy rung lắc dữ dội. Bàn ghế, tủ giường đều xô dạt sang một bên.
Biết có động đất, chị cố gắng xuống tầng trệt rồi thoát ra ngoài. “Ban đầu, tôi nghĩ động đất sẽ qua nhanh như những lần trước. Ai ngờ kéo dài tới 4-5 phút với cường độ rất mạnh”, người mẹ hai con kể.
Khi rung chấn ngừng hẳn, việc đầu tiên của chị là chạy về phía trường Shiwe Kant Kaw gần đó tìm con. Trên đường, chị thấy một khối công trình đổ sập, bụi vẫn bay mịt mù. Hàng trăm người nhốn nháo chạy ra đứng đầy hai bên đường. Tiếng la hét, tiếng khóc càng khiến chị hoảng hồn hơn. Rất may, Minh, con trai lớn của chị cùng các học sinh khác vẫn an toàn.
“Sau đó, tôi cùng chồng lái xe quanh thành phố thì thấy nhà cửa đổ sập ngổn ngang. Một khu dân cư ngoại ô thậm chí còn bị cháy, chỉ còn lại màu than đen đúa, vài chiếc xe ô-tô trơ khung và những gương mặt thất thần”, chị kể tiếp.
Dù đã nhiều lần đối mặt với động đất, nhưng chưa khi nào, chị Nguyệt lại sợ hãi đến vậy. Hàng trăm người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa. Bạn cùng lớp với con trai chị cũng chỉ được cứu ra từ căn chung cư sập sau hai ngày trong tình trạng đã hôn mê, trong khi cha mẹ em vẫn còn mất tích.
Tối hôm đó, khắp vỉa hè, chợ dân sinh, sân vận động… của thành phố Mandalay mọc lên hàng nghìn căn lều tạm. Có gia đình, không kịp di chuyển tài sản, thậm chí chỉ có đúng một chiếc thảm để nằm. Một tuần sau thảm họa, nhiều người vẫn chưa dám về nhà.

Anh Ja Naw Dawshi vốn sinh sống cùng vợ là người Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi động đất xảy ra chừng một tuần, anh trở về quê nhà Mandalay để giải quyết việc kinh doanh. Ngày xảy ra động đất, Dawshi tận mắt chứng kiến cảnh ngôi nhà đối diện đổ sập xuống “như trò domino”. Chú ruột anh cũng thiệt mạng khi đang dùng bữa trưa trong một nhà hàng.
“Mọi thứ diễn ra rất nhanh và rất khủng khiếp. Đất nước chúng tôi đã mất đi hàng nghìn người sau thảm họa lần này”, Dawshi buồn rầu kể và nhấn mạnh: Mình cần phải làm gì đó thiết thực để giúp đỡ người dân quanh mình.
Cũng chính lúc này, chị Nguyệt, một người bạn thân thiết của gia đình anh bắt đầu âm thầm đi hỗ trợ các nạn nhân vùng động đất. Khi biết tin, chàng rể Myanmar ngay lập tức tham gia cùng với vai trò hướng dẫn viên, phiên dịch kiêm… nhà tài trợ đồng hành.
Những chuyến xe nghĩa tình
Đúng 6 giờ sáng, như hẹn trước, chúng tôi có mặt tại nhà của Dawshi trên đường số 66. Lúc này, trước cổng, hai chiếc xe bán tải đã chất đầy những thùng hàng, chủ yếu là gạo, bánh, nước sạch và một số nhu yếu phẩm khác. Chị Nguyệt tất bật kiểm tra lại lần cuối trước khi lên đường. Điểm đến hôm nay sẽ là thành phố Sagaing.
Chị Nguyệt cho biết: Ban đầu, bản thân chị và gia đình quyết định tự đi cứu trợ mà không nói với ai. “Tôi vào bệnh viện, gặp những người bị nạn cụt tay chân, phải nằm ngoài bãi đậu xe dưới cái nắng lên tới 43 độ C. Tôi cũng chứng kiến có hộ gia đình phải ngủ ngay cạnh bãi rác ven đường vì căn nhà không còn an toàn để ở. Càng đi, tôi thấy mình càng cần phải làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhất”, chị kể.

Chị Nguyệt tự bỏ tiền túi, trước tiên mua gạo, nước uống, thức ăn nhanh rồi tự mình lái xe đi phân phát quanh thành phố. Về sau, một số người thân, bạn bè biết thông tin nên cùng chung tay với chị bằng nhiều hình thức. Đoàn đi được bổ sung thêm ba người Việt Nam cùng ba người bạn Myanmar khác, trong đó có “chàng rể Myanmar” Dawshi. Nhóm sẽ nhờ các đầu mối bản địa khảo sát trước nhu cầu, sau đó phân loại, lên kế hoạch chuẩn bị đồ cho từng khu.
“Với bệnh viện, do không có đủ thời gian chúng tôi ưu tiên phát tiền cho bệnh nhân để họ có thể mua sắm. Khi tới các vùng sâu vùng xa, chùa, tu viện thì đoàn sẽ mang theo thực phẩm, nước. Riêng với các trại trẻ mồ côi thì sữa và bỉm không thể thiếu được”, vừa kiểm tra lại hành trang lần cuối, chị Nguyệt vừa giải thích.
Chừng 10 phút sau, hai chiếc xe chở đầy hàng tiếp tế chầm chậm lăn bánh. Điểm đến hôm nay là thành phố Sagaing - nơi bị tàn phá nặng nề nhất sau trận động đất ngày 28/3. Dọc đường đi, chúng tôi tận mắt chứng kiến cây cầu Ava gẫy gập nhiều nhịp, nhìn thấy những chùa chiền, đền đài và nhà cửa ngã rạp ven đường.
Tại làng Sagaing, đoàn đã trao tiền mặt, lương thực, nước uống cho đại diện chùa Jiso - nơi có 11 tăng ni thiệt mạng, 250 người khác bị thương. Đoàn cũng tới hỗ trợ cho người dân tại các điểm tạm cư chung quanh. Dưới cái nắng ngột ngạt cuối mùa khô, dù đã đầm đìa mồ hôi, nhưng nhìn dòng người đợi tới lượt vẫn kéo dài hàng chục mét, chị Nguyệt và các thành viên càng thêm quyết tâm.

“Đến giờ, tôi không biết mình đã đi bao nhiêu điểm nữa. Ngày nào, chúng tôi cũng bắt đầu từ 5 giờ sáng, tới 22 giờ mà vẫn không muốn về. Càng tới những vùng chịu ảnh hưởng, tôi càng thương mọi người hơn và mong nỗi đau này sẽ sớm qua đi”, chị Nguyệt tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, thành viên trong đoàn chia sẻ thêm: Chị đến Myanmar cách đây một tháng. Sau khi biết thông tin chị Nguyệt đang trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do động đất, chị đã liên hệ và đến Mandalay để cùng chung sức. “Nhìn các em nhỏ vui mừng khi nhận kẹo bánh, em rất vui vì đã được góp một phần nhỏ bé”, Hiếu nói.
Trong khi đó, anh Dawshi chia sẻ: “Vợ tôi là người Quảng Trị. Thành phố quê hương tôi lại bị tàn phá bởi thiên tai. Nên tôi rất cảm kích và vui mừng khi được đồng hành cùng Nguyệt. Chúng tôi thật sự cảm ơn Việt Nam, vì đã cử lực lượng cứu hộ sang; cảm ơn vì những người bạn Việt Nam tuyệt vời đã luôn bên chúng tôi lúc khó khăn nhất”.
Ở diện rộng hơn, những ngày qua, rất nhiều người Việt Nam ở Myanmar cũng có hành trình “không mệt mỏi” như chị Nguyệt. Điển hình như những cán bộ, nhân viên Mytel (Viettel) đã ra sức hỗ trợ người dân trực tiếp bằng vật chất; cung cấp ô dù, lều bạt, phát thẻ sim, cung cấp các điểm trạm sạc miễn phí, dựng lại các trạm phát sóng để người dân duy trì liên lạc.
Thời gian tới, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar cũng sẽ có những hoạt động hỗ trợ khác, đặc biệt hướng tới vùng bị ảnh hưởng nặng. Trong khi đó, hai đoàn cứu nạn Quân đội nhân dân và Bộ Công an cũng từng giờ, từng phút chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt.
Chia sẻ với Báo Nhân Dân, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lý Quốc Tuấn cho biết, phía Myanmar đánh giá rất cao những nỗ lực của hai đoàn cứu hộ Việt Nam nói riêng, cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar nói chung. “Những việc làm đó không chỉ chứng minh nghĩa tình mà còn khẳng định về hình ảnh con người Việt Nam thủy chung, chân thành với nhân dân Myanmar, đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”, Đại sứ Lý Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Theo Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân (từ Myanmar/NDO)