Vào một ngày tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt chân tới vùng đất thiêng Quảng Trị. Sau khi dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ở huyện Triệu Phong.
Trong cuốn sổ lưu niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “Cả cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước Việt Nam. Những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn đã làm rạng danh Tổ quốc Việt Nam và trường tồn mãi mãi trong lịch sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc”. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, “chúng tôi nguyện tiếp tục phấn đấu theo sự nghiệp và mong ước, chỉ dẫn, lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn để xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do và hùng cường”.

Khi đọc những dòng này, tôi nhớ đến một câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm, rằng “kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới”.
Khi đọc những dòng này, tôi nhớ đến một câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm, rằng “kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới”.
Tôi nghĩ, trước thời điểm lịch sử mới của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn nhắc nhở về những cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh ở kỷ nguyên trước, đã tạo dựng nền tảng cho kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc sắp tới. Chuyến về thăm tỉnh Quảng Trị cũng như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn không ngoài ý nghĩa đó.
Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói, cách mạng là sáng tạo. Và chính ông là người mở đường cho sự nghiệp đổi mới. Luôn trăn trở làm thế nào để dân giàu nước mạnh, ông ủng hộ việc xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc ban hành Chỉ thị 100 của Ban bí thư năm 1981, mang lại sức sống mới cho nông dân, nông thôn, nông nghiệp.
Tới Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, trên địa phận thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tôi càng hiểu rõ hơn về những tư duy đổi mới của ông. Trong căn nhà gỗ, được dựng trên nền căn nhà cũ của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Phan Thanh Nhật, Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm giới thiệu cho tôi bức hình chụp khi đồng chí nói chuyện với bà con họ hàng, bạn bè tại thôn Hậu Kiên trong chuyến về thăm quê năm 1977.
Về thăm quê, Tổng Bí thư từng nghẹn ngào trước bữa ăn đơn sơ của bà con, mong muốn góp sức mình vào việc thay đổi diện mạo quê hương, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo địa phương phải ra sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ra tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học của Quảng Trị. Khi ông khoảng 5, 6 tuổi, thân phụ ông, cụ Lê Hiệp đã dời nhà tới thôn Hậu Kiên, nơi cách đó gần 5 cây số. Là một nhà nho, nhưng cụ Lê Hiệp không chỉ biết đến sách vở. Thân phụ của Tổng Bí thư Lê Duẩn còn có nghề mộc, và chuyển nhà tới Hậu Kiên chính bởi nơi đây vừa gần chợ Sãi sầm uất, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, vừa gần bến sông Thạch Hãn người lên kẻ xuống tấp nập.

Ngắm nhìn những vật dụng trong nhà, được tái hiện lại theo trí nhớ của các vị cao niên, với bộ bàn ghế thanh nhã, tủ thờ khảm trai, hay chiếc sập nhỏ cụ Lê Hiệp từng nằm được thiết kế đa công năng, có thể đựng đồ nghề làm mộc phía dưới, tôi thầm ngưỡng mộ tay nghề của cụ. Đồng thời tôi cũng tự nhủ, dường như tư duy đổi mới, sẵn sàng loại bỏ suy nghĩ lối mòn của Tổng Bí thư Lê Duẩn được ảnh hưởng một phần từ thân phụ.
Chính vì luôn tìm tòi cái mới, tiếp nhận các tư tưởng tiến bộ, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống bến đò sông Thạch Hãn ngay trước cửa nhà, tham gia các hoạt động yêu nước với hoài bão giúp đất nước thoát khỏi cách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Ông cũng luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản, xứng đáng là một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam và người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
“Sinh thời, bác Lê Duẩn đã về thăm quê hương 6 lần. Sau ngày đất nước thống nhất, bác về thăm quê lần đầu vào năm 1976”, ông Phan Thanh Nhậtcho biết, “Khi ấy, bác đã rất xúc động trước khung cảnh làng mạc tiêu điều, căn nhà cũ cũng không còn bởi bom đạn kẻ thù. Bác cũng nhắc nhở đồng bào phải làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người no đủ”.

Chính sau chuyến về quê này, Tổng Bí thư đã nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn giúp người dân có nước tưới để sản xuất lúa 2 vụ/năm. Năm 1981, công trình hoàn thành. Khi về lại, chứng kiến dòng nước mát chảy về vùng cát trắng Triệu Phong, cũng là “thắng lợi đầu tiên” trong công cuộc xây dựng quê nhà sau chiến tranh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã mừng đến khóc với niềm tin rồi Quảng Trị sẽ hết nghèo đói”.
Giờ đây, Quảng Trị đã thực sự hết nghèo. Vùng đất lửa không những hồi sinh mạnh mẽ sau đau thương chiến tranh mà còn phát triển vượt bậc trên nhiều khía cạnh. Đây chính là thành quả của bàn tay, khối óc cùng tư duy không ngừng đổi mới, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị, theo đúng tinh thần và lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Theo mục tiêu đề ra, Quảng Trị phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao trong năm 2025 và đến năm 2030 vào nhóm tỉnh khá của cả nước. Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn nhủ “đất nước đã bước vào kỷ nguyên mới vươn mình, Quảng Trị cũng phải xây dựng các kế hoạch hết sức thiết thực, cụ thể với quyết tâm cao nhất để vươn mình cùng đất nước”.
Kế thừa truyền thống, thành tựu và xây dựng kế hoạch phát triển đúng đắn, cùng sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, Quảng Trị đã rất sẵn sàng.
Theo Thanh Hải (TPO)