Cát cứ thu phí đỗ xe 'lụi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đang xảy ra nạn cát cứ, ngang nhiên thu phí "lụi" với giá "trên trời".

Việc giao lực lượng TNXP thu phí đỗ ô tô và việc thu phí vỉa hè theo QĐ 32/2023 của UBND TP.HCM kỳ vọng sẽ lập lại trật tự lòng lề đường, giảm ùn tắc giao thông và mang về khoản thu cho ngân sách. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thu phí vừa chậm, vừa thiếu hiệu quả, thậm chí mới đây có đơn vị báo lỗ hơn 2,28 tỉ đồng sau 4 năm thu phí đỗ ô tô trên 20 tuyến đường.

Trong khi đó, tại nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đang xảy ra nạn cát cứ, ngang nhiên thu phí "lụi" với giá "trên trời". Theo quy định hiện nay, mức thu phí giữ xe máy là 4.000 đồng/chiếc (ban ngày) và 6.000 đồng/chiếc (ban đêm), còn đối với ô tô là từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ và tăng theo lũy tiến.

CAO GẤP 5 LẦN SO VỚI QUY ĐỊNH

Vỉa hè tuyến Đặng Thái Thân (P.11, Q.5, xung quanh Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM), cả ngày lẫn đêm bị chiếm dụng thu phí giữ xe máy trái phép. Chủ bãi xe ngoài trời này tự đặt ra giá 10.000 đồng/xe máy và từ 4 giờ trở lên là 15.000 đồng/xe, qua đêm 30.000 đồng/xe. Mặc dù giá cao nhưng bãi xe này luôn ken đặc hàng trăm xe máy đậu san sát, xe ra vào liên tục.

Nhóm người chiếm hết vỉa hè, tổ chức giữ xe trái phép, thu giá cao trên đường Đặng Thái Thân (P.11, Q.5)
Nhóm người chiếm hết vỉa hè, tổ chức giữ xe trái phép, thu giá cao trên đường Đặng Thái Thân (P.11, Q.5)

Mỗi ngày, 2 bên vỉa hè đường này có đến 5 hàng xe, mỗi hàng khoảng 50 chiếc kéo dài tràn xuống lòng đường. Các phương tiện qua đây đều bị một nhóm người chặn lại chèo kéo giữ xe. Sáng 5.3, trong chưa đầy 10 phút, PV Báo Thanh Niên ghi nhận nhóm người này thu tiền của khoảng 20 trường hợp với giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, xe này vừa ra liền có xe khác vào gửi. Khi bãi đầy ắp thì nhóm người dắt xe dựng bên trong các con hẻm quanh đường Mạc Thiên Tích, cổng sau BV Đại học Y Dược.

Lúc 10 giờ cùng ngày, nhóm PV chạy 2 xe máy đến thì nhóm người trên chèo kéo vào bãi đậu xe, có vé. Khoảng 1 giờ sau chúng tôi quay lại lấy xe, bất ngờ bị thu 2 mức giá khác nhau 10.000 đồng/xe và 15.000 đồng/xe, cao gấp 2 - 4 lần so với quy định.

Tương tự, lúc 20 giờ ngày 9.3, xe máy vẫn dựng dọc 2 bên vỉa hè đường Đặng Thái Thân, có một đôi nam nữ đứng ra thu tiền giữ xe của nhiều người với giá 10.000 đồng/xe. Đến 21 giờ, bãi này ngưng nhận xe, các xe đang giữ được đưa vào một số căn nhà gần đó giữ qua đêm với giá 30.000 đồng/chiếc.

Về đêm, vỉa hè đường Tản Đà (P.11, Q.5) cũng tồn tại các bãi giữ xe máy trái phép. PV ghi nhận khu vực này có 3 người đàn ông tổ chức thu 10.000 đồng/xe (với điều kiện lấy xe trước 22 giờ 30), còn qua đêm là 50.000 đồng/xe.

Tương tự, tuyến vỉa hè Phạm Hữu Chí (đoạn qua BV Chợ Rẫy, P.12, Q.5) bị nhiều nhóm chia nhau "xẻ thịt" để thu phí giữ xe trái phép. Bốn hàng xe dựng kín vỉa hè theo kiểu cá mòi, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, khiến giao thông qua khu vực này vô cùng bát nháo. Khách gửi xe cho hay họ được mời gửi xe và nghĩ đây là bãi xe của BV, có lúc bị thu 10.000 đồng/xe, có lúc bị thu 20.000 đồng/xe và tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm.

Theo ghi nhận của PV lúc 9 giờ sáng 7.3, một người đàn ông đầu trọc, râu quai nón cùng 2 người khác liên tục dắt xe cho khách, thu từ 10.000 - 20.000 đồng/xe. Bãi xe của nhóm này có vị trí đẹp nhất do ngay trước cổng BV nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, vỉa hè không đủ chỗ dựng xe, phải xếp xe xuống lòng đường.

Đến gần 10 giờ, nhóm PV chạy 2 xe máy vào gửi tại đây, khoảng 20 phút sau quay lại lấy xe thì người bị thu 10.000 đồng/xe, người còn lại bị thu 20.000 đồng/xe (cao gấp 5 lần so với quy định). Cách bãi nói trên 30 m, một người đàn ông khác cũng thu tiền giữ xe "lụi" 10.000 đồng/xe.

Tương tự, đi thêm khoảng 100 m, cũng có một nhóm người tổ chức giữ xe trên vỉa hè đường Hùng Vương (P.9, Q.5), với giá mỗi xe 10.000 đồng/ngày và 20.000 đồng/qua đêm.

Ngày 7.3, tại vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh (đoạn đối diện BV Nhân dân 115, P.12, Q.10), chúng tôi ghi nhận 2 người đàn ông chào mời, thu "lụi" phí giữ xe của nhiều người với giá mỗi xe 10.000 đồng/ngày và 20.000 đồng/qua đêm. Nhóm này cho hay giữ xe không lương cho một quán cà phê gần đó, bù lại quán cho họ sử dụng vỉa hè, tự do thu phí của khách gửi xe vào BV Nhân dân 115.

Còn tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Công Trường Quốc Tế (đoạn hồ Con Rùa, P.Võ Thị Sáu, Q.3), mỗi đêm có một số nhóm chiếm vỉa hè tổ chức giữ xe máy với giá 10.000 đồng/xe. Tại đường Phan Chu Trinh (cửa Tây chợ Bến Thành, P.Bến Thành, Q.1), PV ghi nhận có 2 - 3 nam giới túc trực thu phí giữ xe máy với giá 20.000 đồng/xe (giữ đến 23 giờ) và 50.000 đồng/qua đêm.

Ô tô vừa đậu vào vị trí kẻ vạch, có thu phí do TNXP đảm trách trên đường Thủ Khoa Huân (Q.1), lập tức nhóm đàn ông lạ tới gõ cửa, thu 50.000 đồng
Ô tô vừa đậu vào vị trí kẻ vạch, có thu phí do TNXP đảm trách trên đường Thủ Khoa Huân (Q.1), lập tức nhóm đàn ông lạ tới gõ cửa, thu 50.000 đồng
Về đêm, vỉa hè Tản Đà (P.11, Q.5) bị chiếm dụng hoàn toàn để giữ xe thu phí trái phép
Về đêm, vỉa hè Tản Đà (P.11, Q.5) bị chiếm dụng hoàn toàn để giữ xe thu phí trái phép

NGƯỜI LẠ MẶT THU PHÍ ĐỖ Ô TÔ THAY LỰC LƯỢNG TNXP !?

Đường Mạc Thiên Tích, cổng sau BV Đại học Y Dược TP.HCM là nơi cấm ô tô dừng, đỗ. Tuy nhiên, hằng ngày, 2 nam thanh niên và 1 phụ nữ khoảng 60 tuổi ngang nhiên đứng ra chiếm dụng lòng đường, chèo kéo, tổ chức đỗ ô tô để thu 50.000 - 70.000 đồng/xe.

Trưa 5.3, PV ghi nhận nhiều tài xế ô tô bị nhóm này thu tiền "lụi". Lúc 11 giờ, 20 ô tô nối đuôi nhau đậu dọc đường Mạc Thiên Tích, xe này ra thì có xe khác thế vào. Vào 11 giờ 22 phút, nam thanh niên đang ngồi trong quán cóc ven đường, thấy một ô tô biển số tỉnh Bình Thuận chạy đến thì lập tức nhảy ra trước đầu xe, đưa tay hướng dẫn tài xế đậu vào lề đường Mạc Thiên Tích. Xe đậu ngay ngắn, người này thò đầu vào ô tô thương lượng giá, rồi lấy 50.000 đồng từ tài xế.

Ít phút sau, xe ô tô biển số tỉnh Đắk Lắk chạy tới, do không còn chỗ đậu nên nam thanh niên chạy tới đuổi một số xe hàng rong rồi hướng dẫn ô tô đậu vào vị trí đó. Nam tài xế đưa tờ 100.000 đồng và được thanh niên này thối lại 50.000 đồng. Cách đó vài mét, một ô tô biển số TP.HCM chạy tới được nhóm người này hướng dẫn đậu và thu 50.000 đồng. Nối đuôi sau là ô tô biển số tỉnh Long An, tài xế trả 200.000 đồng và nhóm này thối lại 150.000 đồng. Việc giữ xe tại đây không có thẻ. Nhiều tài xế thắc mắc vì giá cao bất thường và đậu tại nơi có biển cấm nhưng nhóm này cam kết "cứ yên tâm, em lo được" (!?).

Người phụ nữ trong nhóm cho hay họ được người khác thuê đứng ra thu tiền dừng, đỗ ô tô từ 4 - 16 giờ, trả công 250.000 đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định, tuyến đường Phan Chu Trinh (cửa Tây chợ Bến Thành) bố trí khu vực đậu xe ô tô có thu phí do lực lượng TNXP đảm trách. Tuy nhiên, từ 19 giờ khu vực này bị nhóm người lạ đứng ra thu phí ô tô 50.000 đồng/lượt và 200.000 đồng/qua đêm.

20 giờ ngày 11.3, ô tô 7 chỗ biển số tỉnh Tây Ninh dừng vào vị trí có vạch kẻ trên đường Phan Chu Trinh, lập tức một người đàn ông tới gõ cửa, thu 50.000 đồng. 21 giờ 20 ngày 24.3, cũng tại đường này, chiếc ô tô biển số TP.HCM dừng vào nơi có vạch kẻ đậu ô tô, người đàn ông đeo túi chéo nhanh chóng đến gõ cửa, thu 50.000 đồng và nói: "Thu tiền trước, đậu bao lâu thì đậu, không có vé xe".

Tuyến Đông Du cũng nằm trong danh sách tuyến đường đỗ ô tô có thu phí theo quy định, nhưng về đêm, bị một số người lạ đứng ra thu tiền. Lúc 22 giờ, ô tô 7 chỗ chạy tới đường Đông Du đậu thì một người đàn ông tiếp cận, hỏi "anh đi đâu đi đi, em giữ xe cho". Lát sau, tài xế quay lại thì bị hét giá 50.000 đồng. Tài xế thắc mắc: "Khu vực này thuộc lực lượng TNXP thu phí chỉ 30.000 đồng?", thì người đàn ông đáp: "Em giữ thay TNXP, thôi được rồi anh cho em 30.000 đồng".

Trưa 15.3, một ô tô chạy vào đường Tản Đà (Q.5) thì bị người phụ nữ tiếp cận, ra hiệu giữ xe, hét giá 50.000 đồng/lượt/xe và 150.000 đồng/đêm/xe. Tài xế thắc mắc: "Đoạn đường này do TNXP thu, sao chị thu tiền?". Người phụ nữ nói lớn: "TNXP thu tiền giữ xe theo giờ, còn tôi thì giữ theo lượt(!?)". Nam tài xế đành lái xe bỏ đi.

Tối 24.3, hàng chục ô tô nối đuôi nhau đậu trên đường Nguyễn Cư Trinh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), nơi có biển, vạch kẻ thu phí đậu xe ô tô do TNXP đảm trách. Tuy nhiên, khi xe ô tô đậu vào thì người thu tiền là bảo vệ quán nước, giá 50.000 đồng. Cùng trong tối 24.3, một ô tô vừa đậu vào đường Thủ Khoa Huân (P.Bến Thành, Q.1) thì một người đàn ông xăm tay tới gõ cửa: "Đậu thu phí 50.000 đồng, 2 - 3 giờ cũng được". Lát sau tài xế quay lại và phải trả 50.000 đồng…(còn tiếp)

Theo Trần Duy Khánh - Trần Kha (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.