Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi với ký ức đường 7-sông Bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi kể lại cuộc truy kích địch trên đường 7-sông Bờ (quốc lộ 25) trong chiến dịch Tây Nguyên 50 năm về trước

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, cuộc phục kích trên đường 7 (quốc lộ 25) của Quân Giải phóng đã tiêu hao nhiều sinh lực, phương tiện của địch, làm tan rã ý đồ co cụm về phòng thủ duyên hải miền Trung hòng tái chiếm Tây Nguyên. Trong trận đánh này, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi đã tiêu diệt 21 tên địch và bắn cháy 6 xe tăng.

ky-uc.jpg
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi (hàng trước, thứ 3 từ trái sang) trò chuyện với cán bộ Quân đoàn 34. Ảnh: T.T

Đại tá-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi sinh ra và lớn lên tại xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Năm 1972, ông tham gia chiến đấu trong đội hình Mặt trận B3 (Mặt trận Tây Nguyên).

Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với ông. Ký ức về những năm tháng sát cánh cùng quân dân Tây Nguyên lại hiện về trong ông như những thước phim chiếu chậm. Ông Hợi chậm rãi kể: “Đầu năm 1975, tôi được điều về Sư đoàn 320, cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 8-3-1975, quân ta nổ súng đánh chiếm Đức Lập (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông ngày nay). Ngày 10-3-1975, Quân Giải phóng tấn công và làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 14-3-1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra lệnh toàn bộ binh lực, chủ yếu là Quân đoàn 2 ngụy nhanh chóng rút khỏi Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng duyên hải miền Trung để phòng thủ, củng cố lực lượng, tìm cách phản công chiếm lại Tây Nguyên”.

1-2.jpg
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi (bìa phải) gặp lại các tướng lĩnh, cựu binh Sư đoàn 320 trong chuyến hành trình thăm lại chiến trường đường 7 năm xưa (ảnh chụp tháng 3-2013). Ảnh: Đức Phương

Biết được ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã cắt cử các đơn vị chốt chặn, đánh địch tại đường 7. Nhận lệnh cấp trên, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320 tiếp cận toàn bộ thung lũng Cheo Reo, Phú Bổn để chặn đường rút lui của địch, chia cắt đội hình, tiêu hao sinh lực, quyết không cho địch thực hiện âm mưu về co cụm ở đồng bằng duyên hải miền Trung. Lúc này, ông Nguyễn Vi Hợi với cương vị là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7 (Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64) được lệnh đưa bộ đội ém quân tại khu vực đầu cầu Cây Sung nhằm chặn quân địch rút chạy qua cầu tiến về hướng Phú Yên.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi hồi nhớ: Chúng tôi vào trận với quyết tâm đánh tiêu diệt càng nhiều sinh lực, phương tiện của địch càng tốt, quyết không để chúng co cụm, đưa quân tái chiếm Tây Nguyên.

Ngày 18-3, khi pháo binh của ta bắn thẳng vào thị xã, cũng là lúc địch nhốn nháo rút chạy. Phát hiện xe tăng của địch, tôi đã bắn 2 quả B40 làm một chiếc xe bốc cháy, quyết tâm không để địch vượt qua cầu, tôi lên khỏi giao thông hào, hướng súng B40 vào chiếc xe đầu tiên bóp cò, xe bốc cháy, toàn bộ đội hình của địch khựng lại. Lúc này, hỏa lực của ta từ nhiều phía bắn trùm lên đội hình địch khiến chúng bỏ lại súng đạn chạy khắp nơi. Đến 12 giờ ngày 19-3-1975, đơn vị tôi đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn Phú Bổn.

Sau 2 ngày anh dũng chiến đấu, tiểu đội của ông Hợi đã diệt 40 tên địch, bắt 46 tên, bắn cháy 9 xe tăng, xe bọc thép. Riêng ông Nguyễn Vi Hợi tiêu diệt 21 tên, bắn cháy 6 xe tăng địch. Ngày 1-4-1975, ông dẫn đầu tiểu đội truy kích địch trên đường số 5, đánh vào Sân bay Đông Tác (Phú Yên) bắt được tướng Trần Văn Cẩm-Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy và gọi hàng 47 tên.

cau-song-bo1.jpg
Cầu Sông Bờ. Ảnh: Trần Đức

Trong 3 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hợi đã chỉ huy đơn vị đánh 14 trận, diệt 200 tên địch, bắt gần 300 tên, trong đó có 1 chuẩn tướng ngụy. Bản thân ông tiêu diệt 43 tên, bắt 120 tên, bắn cháy 6 xe tăng, xe bọc thép, thu 8 chiếc khác. Với những thành tích trong chiến đấu, ông được tặng 1 Huân chương Quân công, 2 Huân chương Chiến công, 4 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976.

50 năm sau Chiến thắng Tây Nguyên, đặc biệt là các trận đánh ở đường 7-sông Bờ, có dịp trở lại Tây Nguyên, Anh hùng Nguyễn Vi Hợi vẫn còn nhiều cảm xúc với mảnh đất này. Ông chia sẻ: Chúng tôi chiến đấu bên cạnh đồng đội và sự bao bọc của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Chúng tôi luôn nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống để làm nên chiến thắng Tây Nguyên vĩ đại. Hiện nay, vẫn còn hàng ngàn đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường, đó là điều tôi day dứt nhất.

Đến với Tây Nguyên, về với đường 7 huyền thoại năm xưa, tôi thấy nơi đây đã đổi thay nhiều, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc. Đó là những điều mà tôi và đồng đội cố gắng chiến đấu để đạt được nên rất tự hào.

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null