Lộc rừng ở "chín tầng mây"...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vùng đất Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được nhiều người biết đến với “quốc bảo” sâm Ngọc Linh nhưng ít ai biết vùng đất này còn một đặc sản khác: Ấy là mật ong tinh chất xứ đại ngàn với nghề nuôi ong “nhờ trời” độc đáo...

Ở xứ sở “chín tầng mây”...

A Néo đi trước tôi một quãng vài bước chân. Con dao sắc như nước thỉnh thoảng lại lóe lên dứt phăng một nhánh cây ngáng đường. Chiếc gùi trên vai anh tòng teng cây rìu nhỏ, gói đựng túi nilon và nắm cơm muối hạt. Hành trang “đi làm mật” của “chúa ong” chỉ giản đơn có thế…

Hôm qua nghe tôi ngỏ ý muốn xem tận mắt cách “làm mật con ong”, A Néo hơi ngần ngừ: “Chưa đến tháng lấy mật, nhưng nếu nhà báo muốn thì mình sẽ dẫn đi. Nhưng phải chuẩn bị tinh thần cho đôi chân, đường đi vất vả lắm đó”. Nếu người dân U Minh có lối gác kèo để dụ ong rừng đến làm tổ thì người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông này có cách “nuôi” ong dựa hoàn toàn vào tự nhiên: dùng bọng cây rừng tạo tổ dụ ong về làm mật. Đến tận nơi “mục sở thị” nét “văn hóa rừng” hiếm hoi giữa thời văn minh này chẳng phải lý thú lắm sao?

Chúng tôi nhằm hướng núi Đắk Trum tiến tới. Trông về làng Long Láy, những mái nhà tôn chỉ còn như cánh bướm đìu hiu đậu vào vách núi mà lối mòn trước mặt vẫn như sợi chỉ giăng vô tận... Nhưng bây giờ cũng là lúc tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của xứ sở “chín tầng mây”: những chóp núi hình kim tự tháp ngằn ngặt xanh, trùng trùng bên nhau như răng lược. Dưới nền mây đặc xám, cảm giác ranh giới đất trời không còn phân định. Sáng ở làng hãy còn vài chớp nắng vờn qua như choàng tấm lụa mỏng, vậy mà trên đây chỉ rặt một khoảng không tê tái mùa đông…

locrung.jpg
Đường vào xứ sở "chín tầng mây".

Với độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, vùng đất Tu Mơ Rông dễ đến hai phần ba thời gian trong năm tiết trời cứ sáng thu, chiều đông như vậy. A Néo bảo đấy chính là lý do rừng xứ này không bao giờ có những tổ ong lủng lẳng trên cành cây như nơi khác. Chúng phải làm tổ trong hốc để tránh cái lạnh. Sự se sắt của hoa cỏ lại là đất “thủy tổ” của sâm Ngọc Linh khiến mật ong ở đây được coi là tinh chất đầu bảng của đại ngàn… Hôm qua tôi đã được A Néo cho nếm và giảng giải cách nhận biết mật Tu Mơ Rông “chính hiệu” có mùi thơm nhẹ, thanh khiết và màu vàng rất đặc trưng. Cầm chai lắc, ngỡ như chúng được kết tinh bởi triệu triệu tinh thể vàng… Để khỏi bị sặc, tôi đã phải khẽ khàng từng chút mới đưa được ngụm mật xuống thực quản theo lời A Néo dặn…

Lộc rừng...

Mọi giác quan trong mơ hồ của tôi bỗng sực tỉnh khi nghe tiếng reo “đến rồi” của A Néo. Trước mắt tôi là cây trám lực lưỡng đứng bên bờ suối rộng. A Néo lấy rìu gõ nhẹ vào thân cây, tức khắc hàng chục con ong túa ra từ một lỗ nhỏ trên miếng ván cách mặt đất chừng 2 mét. “Chúng nó báo động có địch đấy!” – Néo cười và giải thích: “Cây trám này vốn có bọng sẵn, mình chỉ bổ ra cho rộng; sau đó dùng miếng ván trám lại vừa đủ cho con ong ra vào. Khi nào thăm ong hoặc lấy mật thì cạy cửa ra”...

Tôi đưa miếng sáp ong lên mũi. Miếng sáp mới được lũ ong xây cất nhẹ như bông. Lắng nghe mùi mật mơ hồ thoang thoảng, ngỡ như mình mang về từ đại ngàn tất thảy hương hoa cây cỏ kết tinh qua tầng tầng sương khói tháng năm…

Theo lời A Néo kể thì nghề “làm mật con ong” cũng có cả một lịch trình thời vụ hẳn hoi. Trước Tết Nguyên đán, dân làm mật lũ lượt vào rừng sửa sang, cải tạo các bọng cây, gọi là “đục lỗ đón ong”. Rừng thì vô vàn cây nhưng không phải giống nào cũng có bọng; lại phải tìm cho được thứ cây chúng thích. Lũ ong rừng rất khó tính. Chúng không bao giờ làm tổ trong loại cây có nhựa, ẩm ướt. Đặc biệt vị trí phải gần suối, miệng tổ phải ở hướng ngược dòng nước chảy. Hốc tổ không được quá cao nhưng cũng không được quá thấp. Cao quá thì nhiều nắng gió, thấp quá thì ẩm ướt… Những nguyên tắc này ai cũng biết nhưng cùng làm đúng như vậy mà có hốc hàng bao năm trời chẳng chú ong nào mon men, ngược lại có hốc năm nào chúng cũng ở. “Thế nên đục cả trăm hốc mà được hai, ba chục hốc có ong là mừng rồi. Như mình, đục tới 300 hốc nhưng chỉ hơn 100 hốc có ong là nhất đấy”, A Néo tự hào. Sau hơn tháng đi đục lỗ, qua tháng Hai, tháng Ba người ta quay lại xem hốc nào có ong tới thì đánh dấu, gọi là “thăm ong”. Tháng Tư, tháng Năm khi tiết trời tạnh ráo, hoa cỏ mãn khai là mùa đi thu mật. Vào nhà ai cũng nghe thoang thoảng hương vị mật ong...

Nghe A Néo kể tôi cứ đinh ninh đấy là những bảo bối truyền đời của một nghề có tự xa xưa, hóa ra chỉ mới từ năm 1980 trở lại đây, và A Néo chính là người đầu tiên nghĩ ra cách nuôi ong kỳ thú ấy, đúc kết thành kinh nghiệm rồi truyền cho dân làng. Thấy tôi trố mắt thán phục, A Néo cười: “Cũng là tình cờ thôi mà. Ngày trước mật ong đầy rừng ai ăn cho hết. Có mang ra tận thị trấn Đắk Tô bán thì mỗi lít mật cũng ngang giá một chiếc quần đùi hay lạng bột ngọt thôi. Chỉ từ lúc huyện Tu Mơ Rông thành lập, đường sá mở ra, người buôn vào tận nhà gom mua mật mới có giá thế. Trong một lần đi săn ong mình chợt nghĩ: con ong phải có bọng mới làm tổ được. Vậy sao mình không “giúp” nó để có thêm nhiều mật ? Vậy là làm. Thấy mình kiếm được khá tiền, bà con học theo. Lúc đầu chỉ mấy hộ của làng Long Láy, giờ thì cả 8 làng với khoảng 180 hộ cùng làm”…

2locrung.jpg
Một tổ ong của A Néo.

Tôi nhẩm tính, cứ trung bình mỗi nhà thu chừng 30 lít thì mỗi năm riêng xã Ngọc Yêu này ít ra cũng được trên 5.000 lít mật “trời ban”. Ấy là nói ở mức thấp nhất chứ theo A Néo thì riêng làng Long Láy đã có 3 “chúa ong”, mỗi năm thu tới 300 lít mật mỗi người. Với giá bán tại làng từ 550.000 – 600.000 đồng/lít mật thì quả là một nguồn thu đáng giá. Tôi đem ý nghĩ của mình nói với A Néo: “Xem ra nghề “làm mật con ong” này cũng khá nhẹ nhàng mà thu nhập cũng khá, sao bà con mình không làm nhiều tổ nữa lên?”. A Néo cười: “Nhìn thì vậy nhưng có làm mới biết. Tìm được hốc cây để lũ ong rừng chịu đến đã khó rồi, lại phải không được đụng chạm đến ai. Người Xê Đăng bao đời đã có luật bất thành văn là thứ gì trong rừng đã có chủ, ai đến sau không được đụng chạm. Bởi vậy người đi làm mật phải tới tận Măng Bút, giáp giới Quảng Nam; có khi phải ở lại trong rừng cả tháng. Sên vắt, ruồi vàng cắn nát da thịt cũng chẳng là gì so với nỗi sợ gặp “địch thủ” nghề săn mật chính là gấu...”.

Mật ong vốn là thứ khoái khẩu của loài gấu. Rừng ở đây lại chủ yếu là lũ gấu ngựa, rất hung dữ. Người đi làm mật không ai là không ít nhất một lần chạm trán với chúng.

A Néo dừng lại rít một hơi thuốc rồi kể: “Mới mùa mật năm trước đây thôi… Hôm đó mình đi thăm mấy tổ ong ở trái núi bên kia. Nghĩ chắc chưa có gì nên chỉ đi tay không, nào ngờ đã có một tổ đầy mật. Sáng hôm sau mình dậy thật sớm, hăm hở mang gùi đến thì đã thấy một chú gấu vắt vẻo trên chạng cây tự bao giờ. Vừa nhấm nháp mật nó vừa bình thản nhìn mình như chế nhạo… Lần khác mình vừa leo tới tổ thì bỗng đâu một chú gấu cũng lừ lừ đi tới. Nó cứ bình thản trèo lên. Hoảng quá nhưng chẳng còn đường nào chạy, mình đành trèo tít lên ngọn cây. Con gấu chỉ ngước lên nhìn mình một cái rồi bình thản thò tay vào bọng cây lôi mật ra ăn… Nín thở chờ nó ăn xong bỏ đi, mình tụt xuống đất chạy bán mạng…".

Mới 4 giờ chiều, đỉnh Đắk Trum đã nhòa dần, vương vít trong làn sương chợt đến, chợt đi như khói thoảng. Thập thững từng bước chân xuống núi sau gần một ngày được thấy, được nghe những điều kỳ thú, tôi chợt nhận ra lối kiếm sống dựa vào tự nhiên, nâng đỡ tự nhiên để cùng sinh tồn tự ngàn xưa ở xứ này hãy còn rất bền chặt. Củng cố thêm trong tôi ý nghĩ này, A Néo nói rằng những khu rừng mà người dân làm tổ ong được chính họ bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lẽ giản đơn là nếu để cây rừng bị chặt phá thì ong sẽ không về...

Theo Ngọc Tấn (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.