TP.HCM nghĩa tình: Kỳ tích 'thầy giáo xe lăn' gieo chữ cho trẻ em nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù chỉ còn 3% sức khỏe sau tai nạn, anh Nguyễn Ngọc Lâm không khuất phục số phận. Ngược lại, anh trở thành 'thầy giáo xe lăn', truyền cảm hứng sống và học tập cho hàng trăm trẻ em nghèo.

"Thầy giáo xe lăn" Nguyễn Ngọc Lâm (40 tuổi, quê Thanh Hóa) và vợ là chị Nguyễn Thị Minh Thơ hiện sống tại một căn hộ thuê trong Làng May Mắn (Q.Bình Tân, TP.HCM).

Cơ sở này được thiết kế thân thiện với người dùng xe lăn, thay cầu thang bằng đường dốc (ramp) để người khuyết tật có thể di chuyển dễ dàng.

Anh Lâm đã dọn về đây thuê ở gần 10 năm. Ngồi trong căn phòng sặc sỡ sắc màu, “thầy giáo xe lăn" đã bình thản kể về cuộc đời mình và cái ngày định mệnh ấy.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

Nghị lực phi thường của "thầy giáo xe lăn"

Năm 2004, khi mới 19 tuổi và đang là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước, anh Lâm gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trong một đêm đi đón họ hàng. Anh bị gãy 2 đốt sống cổ, chấn thương cột sống, liệt từ ngực trở xuống và mất 97% sức khỏe.

“Trước khi bị tai nạn, tôi cũng ước mơ, cũng rất lý tưởng. Cho tới khi nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi chưa bao giờ thấy sự sống mong manh đến vậy, mỗi ngày tôi đều thấy người ra đi. Tôi tự nghĩ mình sắp chết hoặc sẽ sống đời tàn phế. Tôi rất đau khổ, vì mình còn nhiều điều muốn làm, muốn cống hiến cho quê hương”, anh Lâm nói.

Nhưng giữa những ngày tưởng như chờ chết, khát khao được sống trong anh Lâm lại càng mãnh liệt.

Nhìn ba mẹ vất vả chạy vạy khắp nơi, làm lụng ngày đêm để lo cho mình, em trai thì phải nghỉ học lớp 10 vào TP.HCM chăm sóc, anh Lâm tự nhủ: “Phải sống thôi”. Và khi ấy, thứ duy nhất anh còn lại chính là tinh thần.

Mỗi sáng mở mắt ra, nhìn thấy ngọn cây ngoài cửa sổ, anh Lâm thầm nghĩ: “Mừng quá, mình vẫn còn sống”, chứ chưa mơ chuyện mình có còn được đi đứng bình thường như trước nữa hay không.

Sau nhiều ca phẫu thuật, đến năm 2006, sức khỏe anh Lâm dần hồi phục và anh được chuyển về Bệnh viện Q.8 để điều dưỡng. Lúc này, gia đình đã kiệt quệ tài chính và tính đưa anh về Thanh Hóa.

Chị Thơ giúp chồng trong các sinh hoạt thường ngày
Chị Thơ giúp chồng trong các sinh hoạt thường ngày

Nhưng anh Lâm kiên quyết không về. Anh kể lại: “Về quê thời tiết lạnh, mà về đó chỉ trở thành gánh nặng cho ba mẹ suốt đời. Nên tôi nói với em trai ở lại thành phố mưu sinh, bán vé số cũng được. Tôi muốn tự thay đổi cuộc đời mình”.

Trong một lần tình cờ ở bệnh viện, anh Lâm gặp được một người làm việc tại Nhà May Mắn và biết nơi đây nhận chăm sóc những mảnh đời bất hạnh như mình.

Tháng 2.2006, anh nhớ rõ mình đã thuyết phục gia đình cho đến ở Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn (còn gọi là mái ấm Nhà May Mắn).

Từ đó, anh bắt đầu hành trình không buông xuôi để “viết lại tên mình”.

Về mái ấm, anh vẫn tiếp tục trải qua nhiều ca phẫu thuật, tập vật lý trị liệu và kiên trì học nghề để làm lại cuộc đời.

“Tôi vẫn nuôi ước mơ làm thầy giáo và chọn ngay nghề vi tính. Mà học nghề này khó lắm, vì các ngón tay của tôi co quắp lại, không gõ bàn phím được. Tôi cứ kiên trì tập gõ vậy thôi, gõ thật nhiều cho đến khi làm được. Tôi tự nhủ mình không có sức, nhưng có lực tinh thần", anh Lâm kể.

Năm 2012, anh được giao quản lý trang web của Nhà May Mắn. Đến năm 2014, anh chính thức đứng lớp tại Làng May Mắn, và từ đó, biệt danh “thầy giáo xe lăn” ra đời.

Anh Lâm hiện là thầy giáo dạy Tin học ở Làng May Mắn
Anh Lâm hiện là thầy giáo dạy Tin học ở Làng May Mắn

Tình nghèo có nhau

Anh Lâm kể về lịch trình ngày thường của mình như sau: sáng tập vật lý trị liệu, vệ sinh cá nhân, rồi đi dạy; trưa nghỉ ngơi, chiều đến tối thì livestream bán hàng.

Trong đó, có 99% hoạt động là chị Thơ phải làm giúp chồng. Anh nói vợ như y tá, như tay chân của mình.

Trong căn nhà còn sặc sỡ sắc thắm như đêm tân hôn, trà bánh trên bàn được chị Thơ bày biện đầy đủ, anh Lâm không ngớt lời cảm ơn vợ.

Còn chị thì chăm chú nghe anh nói, thỉnh thoảng chỉnh lại tư thế ngồi của chồng.

Chị Thơ nhớ lại, năm 2013, chị tình cờ biết đến anh Lâm qua mạng xã hội. Hình ảnh một chàng trai nghị lực, hay viết thơ tình và đầy cảm xúc khiến chị ấn tượng.

Chị Thơ nói mình cảm mến anh Lâm bởi nghị lực phi thường
Chị Thơ nói mình cảm mến anh Lâm bởi nghị lực phi thường

Thế là chị chủ động nhắn tin làm quen, rồi từ những câu thơ đối đáp qua lại, tình cảm giữa 2 người dần nảy nở lúc nào không hay.

Chị viết trong bài Tình yêu không biên giới, có đoạn: “Em quen anh thật tình cờ lãng mạn/Qua vần thơ mà thành bạn tri âm/Biết đời anh nhiều gian khổ thăng trầm/Em thương xót đêm nằm rơi dòng lệ”.

Năm 2016, anh Lâm đối mặt với một quyết định lớn khi theo quy định của Nhà May Mắn, nếu không có người thân chăm sóc, anh sẽ phải chuyển lên cơ sở của tổ chức tại Đắk Nông.

Không muốn rời xa nơi mình gắn bó, anh đã ngỏ lời cưới chị Thơ. Và bất ngờ, chị đồng ý.

Hai vợ chồng "thầy giáo xe lăn"
Hai vợ chồng "thầy giáo xe lăn"

E ngại rào cản gia đình, chị Thơ lén về quê lấy sổ hộ khẩu để đăng ký kết hôn. Sau đó, 2 anh chị dọn về thuê nhà trong Làng May Mắn.

Anh lâng lâng niềm hạnh phúc, liền nhớ những dòng mình viết trong Tỏ tình cùng em: “Giàu nghèo nguyện sống thiện lương/Tránh xa tà kiến tâm nương Phật Đà/Phu thê tình nghĩa mặn mà/Trăm năm chung một mái nhà thật vui”.

Đến năm 2018, họ mới “thú thật” với gia đình. Đám cưới được tổ chức ngay sau đó, ở sân trường Làng May Mắn với 50 mâm cỗ. Học sinh dự rất đông.

Không dừng lại ở một chữ "thầy"

Hiện anh Lâm ký hợp đồng tình nguyện viên 10 năm với Làng May Mắn, nhận trợ cấp hơn 2 triệu đồng mỗi tháng và số tiền này vừa đủ để 2 vợ chồng trả tiền thuê nhà. Còn lại, thu nhập chính của gia đình vẫn là nhờ livestream bán hàng.

“Thầy giáo xe lăn” kể học sinh ở Làng May Mắn đa phần có hoàn cảnh rất khó khăn, mặc quần áo xộc xệch, ống cao ống thấp; có em mồ côi, khuyết tật, phải lượm ve chai mưu sinh. Vì vậy, anh tự nhủ không thể chỉ dừng lại ở vai trò “người thầy”.

Anh nói: “Tôi không muốn dừng lại ở việc dạy chữ, mà còn phải khơi dậy nghị lực sống, dạy kỹ năng, đạo đức, cách bảo vệ bản thân cho các em. Mình phải là người bạn, người đồng hành để các em không cảm thấy bơ vơ”.

Anh Lâm chụp ảnh bên các học trò của mình
Anh Lâm chụp ảnh bên các học trò của mình

“Trước đây, tôi xem nghề giáo như bao nghề khác là để kiếm sống. Giờ thì khác, tôi không còn đặt nặng vật chất. Sống đã là một phép màu, nên phải sống sao cho có ý nghĩa. Tôi muốn kết nối yêu thương, cống hiến hết mình, lan tỏa điều tích cực và biết ơn cuộc đời, vì có những điều mà chưa chắc lúc khỏe mạnh tôi đã làm được”, anh chia sẻ thêm.

Năm 2024, anh Lâm được UBND TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tuyên dương là "tấm gương thầm lặng mà cao cả".

"Thầy giáo xe lăn" Nguyễn Ngọc Lâm vận động, kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong mùa dịch Covid-19
"Thầy giáo xe lăn" Nguyễn Ngọc Lâm vận động, kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong mùa dịch Covid-19

"Lâm Lương Thiện"

Điều bất ngờ là người em trai tên Lương từng bỏ học để chăm anh Lâm, giờ đã trở thành trưởng bộ phận giáo dục của Làng May Mắn.

Anh Lương chia sẻ chính anh trai là nguồn cảm hứng lớn nhất giúp anh có được thành công hôm nay.

"Nhìn anh kiên cường như thế, tôi tự hỏi tại sao mình lành lặn mà lại không cố gắng? Chính anh đã truyền động lực để tôi quay lại trường, học hết cấp 3, rồi vào đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi trở về Nhà May Mắn làm việc, như một cách trả ơn nơi từng cưu mang anh Lâm và gia đình tôi lúc khó khăn nhất", anh Lương cho biết.

Anh Lương cho hay anh trai mình là nguồn động lực, cảm hứng để anh vươn lên trong cuộc sống

Anh Lương cho hay anh trai mình là nguồn động lực, cảm hứng để anh vươn lên trong cuộc sống

Hiện bộ phận giáo dục của Làng May Mắn đang hỗ trợ dạy văn hóa cấp tiểu học cho trẻ em nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ở TP.HCM.

Các em được miễn học phí, cấp phát đồ dùng học tập đầy đủ. Trung bình có khoảng 170 học sinh theo học tại đây, hiện tại là 160 em từ lớp 1 đến lớp 5.

Anh Lương mong muốn cùng xã hội giúp thêm nhiều trẻ em khó khăn được đến trường và học tập tốt hơn.

Gia đình anh Lâm còn một người em trai tên Thiện, hiện sống ở quê. Thiện cũng noi gương 2 anh, chăm chỉ học hành và đã có công việc ổn định.

Nhà May Mắn do bà Aline Rebeaud (Hoàng Nữ Ngọc Tim) sáng lập từ năm 1993, là nơi hỗ trợ trẻ em khó khăn và người khuyết tật học tập, học nghề và tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện tổ chức có 4 cơ sở, gồm mái ấm Nhà May Mắn (nhà ở), Trung tâm Chắp Cánh (đào tạo nghề), Làng May Mắn (trường tiểu học và căn hộ cho người khuyết tật) và Trung tâm Bảo trợ tại Đắk Nông (nơi ở, học tập, trị liệu, canh tác…).

Theo Lê Trọng - Mỹ Diệp - Thúy Liễu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.