( GLO) -Đây là thông tin đưa ra ngày 11/8 từ Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Lượng máu dự trữ trong kho của Viện này khoảng 9 ngàn đơn vị máu nhưng nhóm máu O rất thiếu, chỉ chiếm 36%.
Cán bộ, công nhân Công ty TNHH Olam Gia Lai tham gia hiến máu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động tổ chức hiến máu, tiếp nhận thuận lợi hơn. Nhiều tháng liền, trung bình mỗi ngày Viện tiếp nhận 1-1,2 ngàn đơn vị máu an toàn, đảm bảo cung cấp cho 180 cơ sở y tế tại 28 tỉnh/ thành phố.
Nhưng từ đầu tháng 8/2022, nhu cầu sử dụng máu O tại nhiều bệnh viện tăng cao, khiến lượng máu dự trữ tại Viện giảm hẳn.
Do khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O nên số người bệnh có nhóm máu này có nhu cầu truyền máu cao. Tỷ lệ dự trữ an toàn với nhóm máu O đồng nghĩa phải đạt 50% mới đáp ứng nhu cầu điều trị.
Là nhóm máu phổ biến nhất trong hệ nhóm máu ABO và vì không có kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu nên máu nhóm O có thể truyền cho người thuộc cả 4 nhóm máu mà không bị phản ứng. Nhóm máu O luôn được ưu tiên dự trữ do có thể dùng truyền khẩn cấp trong trường hợp chưa xác định được nhóm máu. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, nhóm máu này cũng được ưu tiên vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, có thể nhận diện sai và gây phản ứng phản vệ khi truyền máu. Về khả năng nhận máu, người thuộc nhóm máu O rất khó nhận máu. Nhóm máu O chỉ tương thích với những người thuộc nhóm máu O.
Để giảm nguy cơ thiếu nguồn máu nói chung, máu O nói riêng, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương kêu gọi các tổ chức, cá nhân chủ động triển khai thực hiện tốt kế hoạch hiến máu và tiếp nhận. Người dân có nhóm máu O đủ điều kiện sức khỏe nên đi hiến máu để đáp ứng nguồn máu cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân có cùng nhóm máu với mình.
THẤT SƠN ( tổng hợp)