Nhọc nhằn nghề hái măng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mùa mưa đến cũng là lúc người Bahnar ở xã Hà Ra (huyện Mang Yang) bắt đầu băng rừng tìm hái những búp măng tươi đem về bán kiếm thêm thu nhập. Không mấy ai biết rằng, những chuyến đi hái măng ấy cũng đầy rẫy những nhọc nhằn, thậm chí bất trắc rình rập.

Băng rừng tìm măng


5 giờ sáng, chị Xinh (27 tuổi, ở làng Đê Kop, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) đã trở dậy chuẩn bị cho bữa cơm sáng để bắt đầu một ngày băng rừng hái măng. Khi biết tôi muốn cùng đi vào rừng tìm măng, chị khẽ cười rồi xua tay: “Không theo tụi mình được đâu, xa lắm. Có khi bọn mình đi đến tối, lúc nào đầy gùi mới về”. Vừa nói chị vừa quay sang ý hỏi chị Wel (32 tuổi), người bạn đường của mình, xem liệu có nên cho người lạ đi theo không rồi cả hai gật đầu đồng ý.

 

Mỗi ngày chị Xinh và chị Wel hái được khoảng 20 kg măng. Ảnh: N.N
Mỗi ngày chị Xinh và chị Wel hái được khoảng 20 kg măng. Ảnh: N.N

Chị Wel được xem là người đi rừng cừ khôi nhất làng. Chả thế mà đang mang bầu tháng thứ tư nhưng đôi chân của chị vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Vừa chui vào các ngõ ngách của rừng chị Wel vừa nói: “Đi rừng như thế này khổ nhất là gặp trời mưa. Trong rừng làm gì có chỗ trú, áo mưa thì không trụ nổi với gai rừng nên đành phải chịu ướt, đi miết rồi cũng khô thôi”. Chị Wel kể, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là chị lại lên rừng tìm măng. Đường rừng rậm rạp là thế nhưng chị len lỏi như một con sóc, gai góc, cành lá dường như chẳng thể ngăn nổi bước chân của chị.

Quãng đường từ làng Đê Kop vào đến rừng dài khoảng hơn 15 km, có đoạn đường đất lầy lội, rất khó đi. Cũng có những đoạn cành le chắn ngang lối khiến ai đi qua cũng phải cúi gập người sát đất. Trong rừng luôn ẩm ướt, đường trở nên trơn trượt, nếu đi không cẩn thận có thể bị trượt chân té, ngã bất cứ lúc nào. Chị Wel và chị Xinh cho biết, khu rừng này rất rộng nên măng mọc nhiều, có bẻ bao nhiêu cũng không hết. Mỗi người một ngày chỉ bẻ được khoảng 2 gùi vì măng rừng tương đối khó bẻ, phải dùng dao, rựa móc và cứa sâu xuống gốc thì mới lấy được cây măng ngon và đẹp.

Hiểm nguy rình rập

Chị Wel kể, nhà chị trồng được hơn 500 cây cà phê nhưng đất đai bạc màu quá nên cà phê cứ oặt ẹo, năm nào thu được nhiều nhất khoảng 50-60 triệu đồng. Nhà lại đông con nên chị phải tranh thủ mùa mưa đi hái măng kiếm thêm thu nhập. “Con mình có 3 đứa, chuẩn bị đứa thứ tư rồi. Nghèo quá nên phải vào rừng hái măng về bán kiếm tiền thôi, chứ ở nhà không biết làm gì để nuôi con đâu”.

Gia cảnh chị Xinh cũng không khá khẩm hơn chị Wel là mấy. Cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn 600 gốc cà phê nên hàng ngày, chồng chị phải đi làm mướn đủ chỗ, còn chị thì ai thuê gì làm nấy. Cứ đến mùa mưa, không có ai thuê nữa là chị lại lên rừng hái măng kiếm thêm thu nhập. Khắp cánh rừng Hà Ra, đâu đâu cũng có dấu chân chị Xinh. “Năm nào mình cũng đi. Người ta bảo, lên rừng lỡ gặp chuyện gì hay gặp người xấu thì biết làm sao nhưng bọn mình không sợ. Không đi thì làm gì có tiền mà nuôi con”.

Trời mưa là điều kiện thuận lợi cho măng phát triển nhưng cũng khiến cho lũ muỗi, vắt nhiều hơn. Thêm vào đó, rắn, rết cũng có thể tấn công người hái măng bất cứ lúc nào. “Đi hái măng bị muỗi hay vắt cắn là chuyện bình thường. Có lần  gặp rắn, hai chị em sợ quá bỏ cả dao mà chạy, lúc sau mới dám quay lại. Cũng có lần mình cứ ham hái miết, đến khi quay trở ra thì trời tối. Đường trơn, gùi nặng lại đi vội vã nên mình trượt ngã, đầu gối bị cây le nhọn chọc vào. Vết thương ấy bắt mình ở nhà, không đi lại được gần một tháng.…”-chị Xinh tươi cười kể lại.

 

 

Lặn lội trong rừng đến 3 giờ chiều, chị Wel và chị Xinh cũng kiếm được mỗi người một gùi đầy măng. Con đường trở về làng có phần còn nặng nhọc hơn vì trên lưng mỗi người đang phải gùi thêm 15-20 kg măng tươi nhưng trên khuôn mặt của các chị chẳng có vẻ gì là mệt mỏi. Chị Wel bấm tay lẩm nhẩm: “10.000 đồng/kg thì chừng này mình cũng có gần 200.000 đồng rồi …”.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.