Về quê đón Tết sớm luôn là mong mỏi cháy bỏng của những người lao động tha hương. Năm nay, hàng ngàn công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh được nghỉ Tết sớm và kéo dài...
1. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn, có đông công nhân thuộc ngành gỗ, giày da, may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch cho người lao động nghỉ Tết dài ngày hơn so với mọi năm, thời gian nghỉ kéo dài từ 10 ngày tới 1 tháng.
Công ty CP TKG Taekwang Vina - khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa có khoảng 35.000 lao động, dự kiến cho công nhân nghỉ Tết âm lịch 2023 ít nhất 10 ngày nhưng có hỗ trợ xe đưa rước công nhân về quê; Công ty TNHH Pousung Việt Nam - khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom có khoảng 25.000 lao động, cũng kế hoạch nghỉ Tết dài nhất so với mọi năm...
Công ty TNHH gỗ Lee Fu - khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa cũng dự kiến cho người lao động nghỉ Tết âm lịch 2023 kéo dài khoảng 1 tháng, thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 2/1/2023.
Những ngày này, hễ nhắc đến Tết chẳng khác nào nhát dao cứa vào tim gan hàng ngàn con người đang rơi vào tình cảnh khó khăn.
|
Ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Lao động - chính sách, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai tặng quà cho người lao động nghèo. |
Trần Thị Thu Trang, 32 tuổi, công nhân khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cứ thẫn thờ, ngơ ngác khi nghe tin mình “bị” nghỉ Tết sớm. Trang quê ở Đắk Nông, vào Đồng Nai làm công nhân từ năm 20 tuổi. Năm tháng thanh xuân của Trang gắn liền với nhà máy, những đêm tăng ca và những ngày “chạy” nước rút cho đơn hàng. Trang hài lòng với cuộc sống, tuy không sung sướng, dư giả nhưng có thu nhập ổn định mỗi tháng trên 8,5 triệu đồng. Số tiền đó, Trang trả phí nhà trọ hết 2 triệu, chi tiêu sinh hoạt hết 3 triệu, còn 3,5 triệu gửi về cho bố mẹ già ở quê và cô con gái 5 tuổi.
Gia đình Trang có 3 chị em gái, hai chị đều đi lấy chồng xa, cuộc sống khó khăn nên không hỗ trợ được cho bố mẹ, chỉ còn mình Trang là trụ cột. Là mẹ đơn thân, mấy năm nay Trang không dám tiến thêm bước nữa dù có nhiều đàn ông đề cập đến chuyện hôn nhân. Trang bảo, sợ lỡ làng, sợ đôi vai của mình không thể chống chịu thêm một ai nữa. Chị muốn tập trung lo cho bố mẹ và nuôi con gái khôn lớn nên người. Mới tuần trước, cả nhà còn gọi điện cho nhau bàn về kế hoạch đón Tết năm nay. Trang hứa mua cho con gái chiếc hồ bơi mini, vì con ở trên núi, chưa bao giờ biết đến hồ bơi là thế nào. Trang còn dự định mua cho bố chiếc điện thoại cảm ứng để mỗi tuần cả nhà gọi cho nhau qua video. Nhưng, mọi tính toán đã tan theo quyết định nghỉ Tết sớm. Trang chưa dám thông báo cho gia đình biết, sợ ông bà buồn rồi sinh bệnh. Thay vì về quê sớm, Trang quyết định sẽ đi tìm việc làm thời vụ ở TP Hồ Chí Minh. “Tôi sẽ đi phụ bán hàng Tết hoặc xin rửa chén cho các nhà hàng. Tôi nghĩ Tết người ta cần lao động nhiều và hy vọng sẽ có một khoản nào đó bù đắp vào thời gian nghỉ việc ở công ty”, chị Trang chia sẻ.
Cả nhà sẽ về quê đón Tết, vé tàu đã mua xong thì nhận được thông báo nghỉ Tết sớm, vợ chồng anh Phan Xuân Minh, 35 tuổi, quê Hà Tĩnh mắt buồn ngấn lệ. Chị Hồng, vợ anh lo lắng mất ăn mất ngủ đã ngã bệnh. Họ không thể ngờ, tình thế éo le đã xô cuộc sống của gia đình 4 nhân khẩu này rơi vào cảnh bế tắc. Vợ chồng anh Minh vào Đồng Nai làm công nhân được 11 năm, hai đứa con của họ lớn lên, đi học nhờ vào đồng lương công nhân. Đã 2 năm rồi, gia đình chưa về quê thăm cha mẹ. Năm ngoái vì dịch bệnh, năm nay thì... Nói đến đây, chị Hồng lại nghẹn ngào.
|
Công nhân ngành dệt may, da giày và gỗ là đối tượng “bị” nghỉ Tết sớm. |
Cả một năm trông chờ vào lương tăng ca cuối năm và thưởng tháng 13, theo tính toán năm nay vợ chồng anh Minh sẽ có khoảng 25 triệu đồng về quê đón Tết. Có lẽ, cuộc đoàn tụ sẽ không thể thực hiện được.
Nghỉ công ty, anh Minh dự định đi làm xe ôm, nhưng suy nghĩ kỹ lại thấy công việc không phù hợp. Hơn 10 năm qua, anh Minh chỉ biết làm công nhân, sáng tới nhà máy, tối về phòng trọ, có đi đâu mà biết đường sá chở khách. Chị Hồng thì cân nhắc làm giúp việc nhà, tưởng như đây là công việc hợp với chị nhất nhưng hóa ra lại trắc trở, bởi không ai thuê giúp việc nhà một tháng rồi nghỉ. Chị Hồng tính lấy ít rau bán ở cổng công ty, rồi chợt nhớ ra, công nhân nghỉ gần hết thì lấy ai mua rau? Hai vợ chồng choáng váng bởi sự bế tắc. “Bây giờ phải làm để kiếm tiền sinh sống nhưng chúng tôi lại chẳng thể tìm được việc nào phù hợp. Nghỉ Tết sớm, rồi ra Tết liệu có được đi làm lại nữa không, chúng tôi không dám nghĩ đến tương lai sẽ thế nào”, anh Minh buồn bã.
Theo dự báo, tại một số doanh nghiệp, nếu tình hình đơn hàng tiếp tục khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp đang cho người lao động nghỉ giãn việc trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 của năm 2022 thì sẽ đề xuất cho công nhân được nghỉ Tết dài ngày, ít nhất từ 10 ngày - 12 ngày, 14 ngày tới 30 ngày...
Ông Cao Duy Thái, Trưởng Phòng Chính sách - Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Năm 2021 là năm khó khăn của doanh nghiệp do thiếu lao động vì dịch COVID-19, phần lớn người lao động bị cách ly, phong tỏa, không đến nhà máy làm việc được. Đến năm 2022 dịch bệnh được kiểm soát, người lao động nhiều nhưng lại thiếu đơn hàng để sản xuất, tình hình chung doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn xây dựng phương án duy trì lao động càng lâu càng tốt bằng các giải pháp như: Sắp xếp cho người lao động nghỉ phép năm, thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận về nghỉ việc không hưởng lương... Đây là các biện pháp tùy vào tình hình của doanh nghiệp để cùng với ban chấp hành công đoàn thương lượng với người lao động.
Đối với vấn đề tiền lương trong thời gian nghỉ Tết kéo dài, ông Thái cho biết, ngoài những ngày nghỉ Tết theo quy định, một số doanh nghiệp đã chọn phương án sử dụng phép năm của năm 2023 để tính vào ngày nghỉ Tết kéo dài cho người lao động. Nếu doanh nghiệp không sử dụng phép năm mà cho công nhân nghỉ hưởng lương ngừng việc thì hai bên tự thỏa thuận.
Ông Hồ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị: Các công đoàn cơ sở tùy điều kiện tổ chức các hoạt động phong phú tạo sân chơi cho công nhân không có điều kiện về quê do năm nay nhiều doanh nghiệp dự tính cho người lao động nghỉ Tết thời gian dài và sẽ có những người không về quê mà đón Tết xa quê... Đồng thời, ông Hồng cũng đề nghị công đoàn các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình quan hệ lao động, nếu có phát sinh thì báo cáo ngay cho công đoàn cấp trên để phối hợp giải quyết, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động.
2. Từ tháng 6/2022, việc xuất khẩu và đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại Bình Dương giảm, các doanh nghiệp gặp khó khăn chỉ hoạt động 30-50% công suất. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều trong tháng 7 và tháng 8/2022. Sau đó doanh nghiệp ổn định được một thời gian, tuy nhiên gần đây, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn phải cắt giảm bớt lao động.
|
Nhiều người chọn con đường về quê, nhưng nhiều người không thể trở về dù được nghỉ Tết sớm. |
Nằm trong danh sách “phải” nghỉ Tết nhưng Lê Ngọc An, 22 tuổi, công nhân công ty gỗ tại Bình Dương không mấy muộn phiền. An quê ở Đắk Lắk, xuống Bình Dương làm công nhân được hơn 8 tháng. Là lính mới nên An thuộc nhân sự bị cắt giảm đầu tiên. An cho biết, Đắk Lắk đang vào mùa cà phê chín, An sẽ về quê đi hái cà phê thuê. Đây là công việc thời vụ của thanh niên ở trên đó, mỗi vụ thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng, nếu làm đều đặn cũng kiếm được hơn 10 triệu, đủ để tiêu Tết. Suy nghĩ như thế, An đang bình thản chờ ngày xách ba lô về nhà. An chia sẻ: “Em thì không ảnh hưởng gì nhiều, vì chưa vợ. Thương nhất là những gia đình làm việc lâu năm ở công ty, con cái ăn học, giờ phải nghỉ không lương thì họ sẽ sống ra sao”.
Là công nhân “già”, tưởng sẽ gắn bó cả cuộc đời ở công ty cho đến ngày hết tuổi lao động, nhưng tương lai của chị Lê Thị Minh Thùy, 42 tuổi, Công ty Dệt may tại Bình Dương cũng bấp bênh khó đoán. Chị Thùy chưa nằm trong danh sách phải nghỉ không lương, nhưng mỗi tuần chỉ được đi làm 3 ngày, không tăng ca, nhận lương chưa tới 5 triệu đồng. Số tiền ấy, chị Thùy chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ và ăn cơm với rau, các khoản đóng học và mua sữa cho hai đứa con sẽ không có. Một mình gồng gánh gia đình, giờ chị Thùy phải vắt chân lên cổ để xoay xở. Những ngày nghỉ làm, chị nấu xôi bán ở cổng trường học kiếm được 130-150 ngàn/ngày. Buổi tối, chị đi nhặt rau, xếp rau tại chợ đầu mối Thủ Đức, làm 3 tiếng được trả 120 ngàn. Làm đến kiệt sức nhưng không dám nghỉ. “Có ngày tôi lả đi vì mệt, sáng hôm sau cố gắng dậy vào công ty. Giờ mình vẫn còn được làm, mình phải cố bám trụ để giữ việc. Tình hình này tôi không biết mình sẽ bị gọi tên nghỉ Tết khi nào. Tim lúc nào cũng như bị bóp nghẹt lại”, chị bộc bạch.
|
Thời điểm dồi dào lao động và đơn hàng, công nhân được hưởng cái Tết no đủ. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, một số doanh nghiệp bị tác động xấu bởi tình hình thế giới đã phải áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có trường hợp doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người. Đối với số liệu lao động bị giảm giờ làm, thống kê có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022, có khoảng 70.000 người. Theo ghi nhận, người lao động khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, năm nay nhiều lao động đang gặp khó khăn nên sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội, nhất là vận động người sử dụng lao động chung tay để chăm lo chu đáo cho tất cả đoàn viên và người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023, đặc biệt là nhóm lao động bị nghỉ việc không lương. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương sẽ trích 40 tỉ đồng và kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ 25 tỉ đồng để chăm lo cho người lao động.
Theo Ngọc Hoa (cand.com.vn)