Còn nhớ, khi nghe lãnh đạo Huyện đội K8 (An Khê) trao đổi là bên Huyện ủy cần người giúp việc và tôi là người được chọn, lòng tôi không hề muốn. Nhưng việc phân công của chỉ huy đơn vị thì không thể không chấp hành. Chú Thực, khi đó là Chính trị viên, như hiểu ý, khuyên tôi: “Rồi sẽ quen với môi trường mới cháu ạ!”. Và, người đầu tiên tôi tiếp xúc là anh Phan Văn Thám.
Tôi được giới thiệu anh Thám là người lãnh đạo trực tiếp, sẽ “huấn luyện” công việc cho tôi. Công việc lúc này của tôi là làm giao liên, liên lạc. Thời gian đầu, khi thì anh Xấc (người Bahnar, rất thông thạo địa bàn vùng An Khê, Kbang ngày nay); khi thì anh Thám đưa tôi theo trong những chuyến giao liên vào vùng địch hậu (các ấp chiến lược, sâu trong vùng nội thị trấn An Khê), vượt đường 19 qua các ngả phía trên đèo An Khê, phía bên kia cầu sông Ba, nhiều lúc vượt xa phía dưới đèo Mang Yang (hành lang Trung ương) để tôi làm quen với những cung đường giao liên.
Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên |
Rồi chẳng bao lâu, tôi cũng đã quen, khi các anh liên tục cho tôi làm người “dẫn đường” để “kiểm tra” độ tiếp thu của tôi. Thầy nào trò nấy, rồi tôi cũng rành đường đi lối lại để thực thi nhiệm vụ được giao. Đưa giấy tờ, công văn, thư từ, dẫn đường cán bộ, chiến sĩ... từ hậu cứ ra các đội công tác, các hòm thư mật cho cơ sở ở phía trước, từ K8 về các trạm giao liên, các cơ quan, ban ngành ở tỉnh (khu căn cứ Krong, Kbang), từ K8 vào K7 (Kông Chro ngày nay), thường chúng tôi được phân công đi theo... cặp: tôi với anh Niềm, anh Mao, anh Cầm hoặc một người nào đó, nhưng cũng có lúc một mình tôi lặng lẽ, âm thầm trên những cung đường không có lối mòn ấy.
Chặng dài công tác những năm ác liệt, gian khổ ấy, anh Thám là một trong những người anh mà tôi vô cùng yêu quý. Ở anh có bao điều đáng nhớ, nhưng có 2 lần mà tôi mãi chẳng bao giờ quên. Một ngày gần Tết năm 1972, trời trong xanh, mây quang đãng và theo kinh nghiệm thì đây là điều thuận lợi cho trực thăng địch bí mật, bất ngờ thả biệt kích thám báo lùng sục, phục kích các tuyến giao liên.
Lúc này, cơ quan lại hết người, thấy tôi đi một mình, lại đem theo công điện tối mật từ K8 vào giao cho giao liên K7 trực nhận ở một địa điểm được quy định sẵn, không yên tâm, anh Thám liên hệ với địa phương để họ cử 2 anh du kích đầy đủ súng đạn cùng đi với tôi.
Dự đoán quả không sai, chúng tôi sau hơn 1 giờ lên đường đã lọt vào ổ phục kích của địch. Rừng khộp thưa, lác đác có những cây to, cây tre bụi dưới tán rừng sau những cơn mưa cuối mùa còn xanh tốt là nơi thuận lợi cho địch lợi dụng để ẩn phục. Nhưng cũng là điều may mắn cho tôi, những gốc cây to ấy đã lãnh những loạt đạn AR-15 thay tôi, còn 2 du kích đã hy sinh trước làn đạn của kẻ thù.
Thoát ra khỏi vòng phục kích của biệt kích, trấn tĩnh lại tinh thần, tôi quyết định một mình tiếp tục hành trình đến điểm hẹn giao cho giao liên K7. Hoàn thành công việc thì trời đã tối, không thể trở lại con đường cũ, tôi men ngược theo bờ sông H’Way, rồi đến con suối 407, về đến “nhà”, trời đã rất khuya, trong khi cả cơ quan, mọi người vẫn chờ tôi và chuẩn bị dời chỗ ở.
Điều đó không có gì lạ, vì sợ tôi bị địch bắt, khai ra nơi ở của cơ quan, cho nên chuyện dời gấp đi nơi khác là việc phải làm. Anh Thám và mọi người reo lên khi thấy tôi còn nguyên vẹn trở về. Anh òa khóc vì vui và vội cùng chị Trần Thị Tài, chị nuôi của cơ quan nấu món cháo “đặc biệt” cho tôi.
Và chẳng bao lâu sau, trong một chuyến công tác, anh Thám đã vĩnh viễn không trở về. Cơ quan cử người tìm kiếm anh suốt mấy đêm dọc các tuyến giao liên địch hậu. Nhưng cơ sở trong vùng địch cho biết thời gian ấy không có cuộc càn quét nào, không có tin tức gì về người bị bắt hoặc “hồi chánh”.
Trong hang đá, là điểm “tập kết” của chúng tôi khi đi từ căn cứ ra, từ vùng địch về, anh em tìm thấy 1 chiếc ăng gô cơm và lương khô đã bị mốc, chiếc võng dù đã mắc sẵn chính là của anh Thám, thế mà người vẫn bặt tăm.
Rồi đến ngày thứ ba, chúng tôi đã tìm được anh. Nhưng, thân thể anh không còn nguyên vẹn, loài thú dữ và bọn biệt kích Đại Hàn đã làm điều tồi tệ ấy. Chúng bắn anh khi anh một mình trên đường ra các đội công tác phía Bắc, cách đường 19 chỉ vài cây số rồi dã tâm chặt đầu anh đem về báo công với chỉ huy.
Anh ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chỉ mới ngoài 30. Tôi nhớ, trong cơ quan và trong bộ phận giao liên anh phụ trách, ai cũng thương yêu, quý mến anh. Anh là một đảng viên gương mẫu, tiên phong trong mọi công việc của cơ quan.
Và tôi mãi ghi nhớ những lời chỉ dạy của anh với tôi trong những ngày chập chững vào “nghề giao liên”, lấy tấm gương của anh để noi theo mà luôn hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao. Còn giờ đây, khi viết những dòng chữ này, lòng tôi lại nghẹn ngào xúc động. Thương nhớ anh, anh Phan Văn Thám!