Nhớ kỷ niệm với "Người lái đò trên sông Pô Cô"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi còn nhớ, đó là vào khoảng cuối tháng 6-1995, khi ông A Sanh (Puih San) chưa được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22-8-1998 theo Quyết định số 424/KT/CTN của Chủ tịch nước). Để chuẩn bị cho số báo kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm đó, tôi cùng anh Nguyễn Đức Thanh-phóng viên ảnh đi xe máy từ Pleiku đến làng Nú, xã Ia Krai (nay là xã Ia Khai, huyện Ia Grai) gặp ông.
Tây Nguyên đang giữa mùa mưa. Con đường từ ngã ba Ia Krai đi vào làng Nú, làng Djom chạy giữa rừng cao su nhưng nhiều đoạn vẫn còn lầy lội, trơn như mỡ. Chúng tôi vật lộn với chiếc xe máy dính đất nhão mất hơn 1 giờ mới đến được làng Nú thì biết gia đình ông đã chuyển ra làng Pi mới bên tỉnh lộ 664, dưới ngã ba thị tứ Ia Krai bây giờ. Lại trở ra và tất nhiên cũng đổ mồ hôi quăng quật với chiếc xe cả tiếng đồng hồ như lúc vào.
Bấy giờ, chính quyền địa phương đã xây cho gia đình ông một ngôi nhà lợp ngói nhưng ông vẫn ở trong nhà sàn phía sau. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá: vài cái nia, hũ, ghè… ám khói, trên giàn bếp treo mấy quả bắp giống.
Anh Thanh nói tiếng Jrai cũng kha khá nên nhờ vợ ông đi gọi. Chờ đến quá trưa thì Puih San cũng lững thững vác cuốc về đến nhà. Sau khi chào nhau, ông hỏi chúng tôi ăn cơm chưa rồi lầm lũi vào bếp lấy nồi vo gạo nấu cơm. Anh Thanh xăng xái ra vườn kiếm rau. Mùa mưa nên vườn nhà ông cũng có vài loại rau quen thuộc như: bí đỏ, rau lang, rau ngót… Bữa trưa có rau luộc, thêm mấy con cá suối và măng chua ông ngâm trong ống lồ ô nấu nhừ, đạm bạc nhưng chúng tôi ăn rất ngon.
Bà Siu Pil (vợ ông A Sanh) và các cháu bên di ảnh người anh hùng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bà Siu Pil (vợ ông A Sanh) và các cháu bên di ảnh người anh hùng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Lôi chiếc thùng sắt đựng đạn đại liên nằm giữa một đống tả pí lù nào gùi, nào nia, ông mở nắp rồi đưa cho chúng tôi những tấm bằng khen được cuộn tròn to bằng bắp vế người lớn. Mặc cho chúng tôi căng mắt đọc, ông bước ra trước cửa kéo tấm lưới cũ ra vá lại thoăn thoắt. Vừa làm việc, ông vừa kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của đời mình…
Tên thật của ông là Puih San, quê ông ở làng Nú, xã Ia Krai (nay là Ia Khai, huyện Ia Grai). Thiên nhiên đã ưu ái cho cộng đồng người Jrai sống ven dòng Pô Cô khi tạo cho lòng sông nhiều ghềnh đá ở đoạn chảy qua làng. Từ bao đời, người làng Nú đã sinh sống bằng nghề làm rẫy và chài lưới. Làm rẫy này vài năm lại chuyển qua rẫy khác, đi hết một vòng cũng phải chục năm, cây cối ở rẫy cũ đã lên cao. Một đời người làm chừng vài ba vòng rẫy là may mắn lắm rồi. Còn đánh bắt cá trên sông Pô Cô chủ yếu bằng thuyền độc mộc. Hầu như nhà nào cũng có thuyền, thường ngày gác trên bãi cát ven sông.
Từ nhỏ, Puih San đã quen đánh bắt cá trên sông Pô Cô bằng thuyền độc mộc. Lớn lên, ông đi bộ đội thuộc Mặt trận B3 (Tây Nguyên) và sau đó được cấp trên phân công trở về quê công tác trên tuyến hành lang vận tải T2CO7 làm chính công việc hàng ngày đã trở thành kỹ năng của mình: chèo thuyền đưa bộ đội sang sông.
Ngày đó, mặc cho địch thường xuyên đưa máy bay trút bom và bắn phá vùng giải phóng nhưng những cánh rừng từ Sa Thầy, Tu Mơ Rông bên phía Kon Tum sang bên này sông Pô Cô vẫn xanh, hai bờ sông cây rừng vẫn che kín. Tuyến đường chuyển quân từ Bắc vào Nam của ta đi qua vùng này và Phà 10-mật danh của bến sông làng ông.
Lợi dụng đoạn sông hẹp, nước không chảy xiết và cỏ cây um tùm che khuất bến, ban đêm, ông chèo thuyền độc mộc chở bộ đội sang sông. Ông nhớ, hơn 30 năm trước, một đêm cũng như bao đêm khác nhưng đêm ấy bộ đội sang sông nhiều lắm. Thường mỗi thuyền chỉ chở tối đa trên chục người nhưng lần này nói mãi bộ đội vẫn trèo lên đầy thuyền. Và sau đợt pháo sáng, thuyền lắc mạnh, chao đảo rồi chìm…
Puih San chậm được phong anh hùng là vì vậy!
Sau lần gặp ấy, 3 năm sau, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2000 thì ông qua đời. Mãi đến gần đây, tôi mới có dịp trở lại quê ông. Sông Pô Cô và làng cũ của A Sanh giờ thay đổi nhiều. Trên sông đã xây dựng các công trình thủy điện 3A, 4, 4A. Làng Nú và làng Djom dời đi nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện. Khu vực ngã ba xã Ia Krai vào xã Ia Khai bây giờ là một thị tứ sầm uất, nhiều cửa hàng tạp hóa, nông sản và có cả tuyến xe khách đi TP. Hồ Chí Minh ngày 1 chuyến. Những năm sau này, do cà phê, cao su, hồ tiêu được giá nên dân từ nơi khác tìm đến đây lập nghiệp khá đông.
Từ TP. Pleiku, nếu muốn lên các xã Ia O, Ia Krai, Ia Khai, trước kia phải đi mất 1 ngày, nay thì chỉ hơn 1 giờ ô tô là đến nơi. Đổ nước vào hồ Sê San phục vụ cho việc phát điện của các nhà máy, dòng Pô Cô không ầm ào vượt qua ghềnh thác nữa mà lặng lẽ ôm ấp buôn làng, tiếp tục nuôi sống cư dân trong vùng trước khi đưa nước xuôi về Mê Kông. Lên Pô Cô lần này, trên sông chỉ còn vài chiếc thuyền độc mộc, lòng tôi không khỏi bâng khuâng.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Từ sáng sớm ngày 2-11, nhiều du khách gần xa đã có mặt tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai) để đón xem Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh năm 2024. Không khí "trẩy hội" nơi biên giới vô cùng rộn ràng, náo nhiệt. Dưới đây là một số hình ảnh P.V Báo Gia Lai ghi nhận được.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện

(GLO)- Nhờ triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thời gian qua, Đảng bộ Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) đã đạt được những thành tích nổi bật và khẳng định năng lực lãnh đạo toàn diện trên các mặt công tác.

Ia Sao tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

Ia Sao tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

(GLO)- Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tập trung nguồn lực hỗ trợ sinh kế, nhà ở và tạo việc làm cho người nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội.

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Nhằm triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã thành lập các tổ cộng đồng theo dõi, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

(GLO)- Chòm râu dài, ánh mắt sáng, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn là ấn tượng của chúng tôi khi gặp già làng Rơ Lan Vọng, người được xem là “điểm tựa” của làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).