Nhớ Krong…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1970, khi đang công tác tại Ban Sản xuất Khu 5 (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam), tôi nhận được quyết định bổ sung cho Ban Sản xuất tỉnh Gia Lai. Từ Quảng Nam vào Gia Lai đi 7 ngày đường. Không có lương thực, anh em cơ quan nạo củ mì thành sợi phơi khô cho tôi làm đồ ăn. Dọc đường, ngoài mì khô, tôi kiếm rau, măng le, môn thục, môn tróc, lá tàu bay ăn thêm.
Cơ quan Ban Sản xuất đóng trên vùng núi cao thượng nguồn sông Ba, là mấy căn nhà tranh nằm sâu dưới tán rừng già. Nhà bếp gần bờ sông với một dãy bếp đào theo kiểu Hoàng Cầm. Năm 1969, Ban bị máy bay B57 của Mỹ ném bom đêm, nhiều đồng chí hy sinh và bị thương ngay tại cơ quan.
Hồi đó, rừng đẹp lắm, cây cối ngút ngàn, rất nhiều cây đường kính trên dưới 1 m, ngửa mặt lên mới nhìn thấy ánh mặt trời. Thú rừng thì nhiều vô kể. Có lần, tôi đi công tác một mình. Trời mưa, tôi phủ tấm áo mưa kín đầu, nhìn qua thấy một con nai rừng thật to cũng cùng... hành quân. Con nai tỏ ra không hề sợ tôi, cả hai cùng song hành một đoạn khá xa. Có lần về Khu 2 công tác, nửa đêm thấy anh Tuyển (Phó Chủ tịch UBND Cách mạng huyện) đánh thức dậy ăn thịt mang. Tôi hỏi, sao nửa đêm mà có thịt mang ăn? Anh nói đang ngồi sưởi trong nhà bếp, một con mang thấy ánh sáng liền chui vào, anh em đóng cửa lại bắt sống…
Anh em trong Ban đi công tác mỗi lần vài ba tháng. Đến mùa rẫy thì tập trung về để làm rẫy tự túc lương thực. Tôi thường đi công tác các huyện phía trước. Mỗi lần mọi người trở về cơ quan là một dịp hiếm để anh em hàn huyên. Cuộc sống trong căn cứ tuy gian khổ nhưng thật vui vì anh em thương nhau như ruột thịt.
Đêm trong rừng rất lạnh và yên tĩnh. Mỗi người đều tự làm cho mình một chiếc đèn dầu hỏa bằng một cái ve nhỏ để có thể ghi chép ban đêm. Chiếc đèn có nắp đậy, có thể để trong ba lô đi công tác mà không sợ chảy dầu. Những đêm mùa mưa, anh em ngồi quây quần quanh đống lửa nướng củ mì, chia nhau ăn thật ngon lành, cùng kể chuyện gia đình, quê hương.
Có những đêm, tôi một mình ra canh rẫy, đốt lửa ngủ giữa rừng. Thế mà đến sáng đã thấy heo rừng kéo cả đàn tới phá rẫy tanh bành từ lúc nào. Heo rừng là loài vật rất thính, gác kiểu gì cũng khó lòng mà bắt được chúng.
Khi về ở cạnh suối Nia, cơ quan có một rẫy sản xuất trên bờ sông Ba để làm lúa cạn, trồng bắp và rau màu. Buổi chiều, làm rẫy xong, anh em thanh niên xuống sông Ba tắm. Sông Ba mùa cạn thật đẹp với những bãi đá trải dài và dòng nước trong suốt, mát lạnh.
Ban Sản xuất tỉnh làm rẫy bên bờ sông Ba năm 1973 (ảnh do Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).
Ban Sản xuất tỉnh làm rẫy bên bờ sông Ba năm 1973 (ảnh do Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).
Thường cứ đến cuối năm, các cơ quan lại cử người xuống đồng bằng mua hàng về chuẩn bị ăn Tết. Năm 1971, tôi cùng một số đồng chí trong Ban xuống Cửa khẩu Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Nghe địch sắp càn, ngay đêm đó chúng tôi vội gom hàng và lương thực cho đủ rồi rút về hang. Sáng sớm hôm sau, nghe tiếng động cơ, từ trên hang đá nhìn xuống thấy máy bay Mỹ đang đổ quân ngay dưới chân núi, anh em liền tìm đường chạy ngược lên.
Hang ở miền Bắc thường là những động đá vôi. Hang ở miền Nam là những tảng đá granite tròn rất lớn xếp lên nhau, không có đường ra vào. Muốn lên khỏi hang phải dựa một cây gỗ vào vách rồi bám cây leo lên. Lúc đó, một đồng chí bộ đội vai đeo gùi nặng, khi leo lên bị trượt xuống nằm ngất xỉu. Một đồng chí nữa ở lại cùng bạn tử thủ. Khi chúng tôi đi xa, nghe tiếng súng nổ dữ dội. Cả hai anh hẳn đã hy sinh.
Trời mưa to, nước lũ đổ về, đường đi nhiều nơi nước ngập quá đầu gối, địch đuổi theo sát từng giờ. Sau đợt đi đồng bằng về do phải lội nước nhiều nên vết thương cũ bên chân phải tôi nhiễm trùng nặng. Chị Vân-y tá phải dùng dao khoét sâu để loại bỏ tế bào chết rồi rắc kháng sinh. Lúc đó cũng không có thuốc tê nữa, đau cứng hàm cũng phải gắng chịu.
Có một lần khi mới lên Khu 4 công tác, tôi và anh Lê Tam (lúc đó là Bí thư Khu 4) ngồi trong căn lán của Huyện ủy ở B6, anh chỉ tay ra phía xa hỏi: “Đố ông Nghiệp cái màu trắng phía xa kia là gì?”. Tôi nhìn theo hướng tay anh. Một màu trắng ngập tận chân trời như mặt biển. Tôi lắc đầu không biết. Anh Tam nói: Bông lau đó!
Trời ơi! Cảnh đẹp mê hồn. Đồng cỏ mênh mông đẹp thật, nhưng cũng là những cái bẫy đáng sợ. Có lần đi công tác nửa đêm, khi về một mình tôi lạc giữa đồng cỏ. Lúc đó thấy tiếc là thời kỳ đi học sao không học cách nhìn sao tìm phương hướng. Đi mãi đi mãi tới gần đồn địch (có lẽ đã gần đường 19B), nghe tiếng nói chuyện bên trong, hoảng hồn quay trở lại.
Sau Hiệp định Paris (năm 1973), một không khí thật sôi nổi, khác lạ: đường ô tô đã mở dọc theo bờ sông Ba để vận chuyển hàng vào Gia Lai. Các cơ quan đang chuẩn bị chuyển xuống để thành lập thị trấn Dân Chủ. Đồng bào làng Kinh đã chuyển hết về làm nhà hai bên đường, mở quán bán hàng tạp hóa. Ban Dân y mở quầy bán thuốc Tây tại vị trí nay là trụ sở UBND xã Krong. Mậu dịch mở cửa hàng cắt may quần áo tại ngã tư dốc Đất đỏ, đường lên làng Hà Nừng. Trạm giao bưu được đặt trên bờ sông Ba gần cầu treo. Tôi có cảm giác như ngày thắng lợi đã cận kề.
Khi đó, tôi làm Phó Bí thư Đoàn ủy Các cơ quan Dân Chính Đảng, anh Ngọc bên Cơ yếu làm Bí thư. Chúng tôi quyết định tổ chức cho thanh niên các cơ quan cắm trại nhân dịp 26-3. Lúc đó là mùa khô nên chúng tôi sử dụng bãi cát bồi giữa lòng sông Ba để cắm trại và tổ chức liên hoan. Cuộc cắm trại kéo dài 2 ngày, tất cả thanh niên các cơ quan trong tỉnh về tụ hội. Đã mấy chục năm nhưng nhiều người vẫn nhắc lại những kỷ niệm khó quên về Hội trại Thanh niên lần đầu tiên được tổ chức trong chiến khu Gia Lai năm ấy.
BÙI KẾ NGHIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

Gia Lai: Cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế

(GLO)- Ngày 5-5, Sở Y tế tỉnh Gia Lai có Thông báo số 1901/TB-SYT về việc cắt giảm thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị năm 2025.

Gia Lai: Công bố 23 TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Gia Lai: Công bố 23 TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

(GLO)- Ngày 5-5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký ban hành Quyết định số 428/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 23 thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả ấn tượng, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Nghĩa tình nơi biên giới

Nghĩa tình nơi biên giới

(GLO)- Tôi có mấy người bạn thân từ Hà Nội và Quảng Ngãi lên thăm Gia Lai, nguyện vọng của họ là muốn lên biên giới, thăm những người lính Biên phòng. Vậy là mình lại có thêm cái cớ để ngược hướng biên cương.

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

(GLO)- Sau hơn 15 năm thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

Gia Lai sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công tác dân tộc

(GLO)- Ngày 29-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 2 thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ia Pa: Dấu ấn 22 năm

Ia Pa - Dấu ấn 22 năm

(GLO)- Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Nông thôn làng Thơh Ga B ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Tấn

Chư Pưh: Đổi thay ở làng nông thôn mới Thơh Ga B

(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, diện mạo nông thôn của làng Thơh Ga B (xã Chư Don) đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhờ đó, làng đã được UBND huyện Chư Pưh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

(GLO)- Chiều 28-4, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Phó Giám đốc Ksor Hiền-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho em Nêu (SN 2018, làng Kol, xã Trang, huyện Đak Đoa) mồ côi cả cha và mẹ.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.