Nhiều lĩnh vực cần được Trung ương quan tâm đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 3-7, Tổ biên tập tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về những đề xuất, kiến nghị để xây dựng dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết những kiến nghị, đề xuất sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để đưa vào Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hà Duy
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, những kiến nghị, đề xuất sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để đưa vào Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hà Duy

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông định hướng: Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các thông tin cũng như đưa ra các nhận định, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị thời gian qua, tỉnh cần thảo luận, đề xuất những vấn đề liên quan đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội mà địa phương đang triển khai như: công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, cây công nghiệp dài ngày, phát triển và bảo vệ rừng, nguồn nước. Ngoài ra, tỉnh cần có đề xuất, kiến nghị để xây dựng dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: “Gia Lai có 3 khu công nghiệp với diện tích gần 620 ha. Khu Công nghiệp Trà Đa hiện đã lấp đầy, Khu Công nghiệp Nam Pleiku đang đầu tư hạ tầng, còn Khu Công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu. Gia Lai cũng có 12 cụm công nghiệp nhưng còn nhiều khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ trong đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, xử lý chất thải, nước thải. Còn về phát triển năng lượng tái tạo, đây là một trong những thế mạnh của tỉnh Gia Lai. Đề nghị Chính phủ sớm thông qua quy hoạch điện VIII, đồng thời giải quyết vấn đề hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất”.

Giao thông luôn là tiền đề thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Thời gian qua, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, cơ bản hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư. Vì vậy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải Lê Văn Hạnh cho hay: “Ngành Giao thông-Vận tải tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để tăng cường kết nối Gia Lai với các trung tâm kinh tế lân cận và khu vực nhanh, mạnh hơn. Để được vậy, hệ thống cao tốc phải được đầu tư. Theo đó, tôi đề nghị cao tốc Pleiku-Quy Nhơn phải sớm đầu tư trước năm 2025 và hoàn thành trước năm 2030; cao tốc Bắc-Nam và phía Tây để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng phải được sớm đầu tư. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku, nâng công suất vận tải và có chuyến bay quốc tế. Đối với kết nối vùng, cần đầu tư tuyến Ayun Pa-Đak Lak để thúc đẩy phát triển khu vực này và tuyến quốc lộ 19E kết nối An Khê với Phú Yên cũng nên được đầu tư”.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy


Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn thông tin: Khó khăn nhất của ngành Y tế bây giờ là nguồn lực, nhất là cán bộ trong lĩnh vực dự phòng, phòng-chống lao. Lực lượng cán bộ ở tuyến cơ sở cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân; cơ sở hạ tầng y tế cũng chưa được đầu tư đồng bộ, công tác xã hội hóa còn hạn chế. “Đề nghị có chủ trương lớn để giải quyết những khó khăn về nguồn lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng như nguồn lực, phương án để ứng phó kịp thời nếu xảy ra đại dịch; cần tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Y tế, đồng thời nên có chế độ đặc thù để phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế cho Tây Nguyên”-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cũng kiến nghị: “Gia Lai là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, không phát triển chiều rộng mà tập trung phát triển theo chiều sâu. Nhưng hiện trên địa bàn tỉnh có một số loại cây trồng kém hiệu quả, đề nghị được chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao. Chăn nuôi đang tập trung vào dự án chăn nuôi đại gia súc, nhưng gặp khó khăn trong công tác đánh giá tác động môi trường. Đối với công tác đầu tư công, đề nghị được thiết kế 1 bước để kịp thời triển khai thực hiện dự án, vì Gia Lai có mùa mưa kéo dài nên nếu thiết kế 2 bước, thời gian kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Tỉnh cũng cần được quan tâm đầu tư 1 bệnh viện quy mô khu vực Việt Nam-Lào-Campuchia. Hiện nguồn vốn ODA tại tỉnh rất thấp, tỉnh đang chỉ triển khai 4 dự án, mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm giúp tỉnh các vấn đề liên quan đến vốn để thực hiện xong các dự án này”.

 

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương đề nghị nên sớm của Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh đề nghị Chính phủ sớm thông qua quy hoạch điện VIII, đồng thời giải quyết vấn đề hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất. Ảnh: Hà Duy


Nhiều kiến nghị, đề xuất khác cũng được đại diện lãnh đạo các sở, ngành đưa ra tại buổi làm việc, tập trung vào các nội dung: cần có cơ chế, chính sách về khoán bảo vệ rừng và những quy định hưởng lợi cho người dân khi nhận khoán; kinh phí để di dời các làng xa xôi, sát bờ sông đến các khu tái định cư; cần thêm kinh phí để đầu tư phát triển du lịch; quan tâm đầu tư đúng mức vấn đề xử lý rác thải, nước thải; cần có kinh phí điều tra để bổ sung nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu rõ: “Hiện tại, Gia Lai đang thiếu công nghiệp chế biến, logistics. Để các ngành này phát triển cần được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, đó là nên sớm đầu tư triển khai xây dựng cao tốc phía Tây từ Đà Nẵng đi Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak-Đak Nông vì các vùng nguyên liệu chủ yếu tập trung về TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh miền Trung để chế biến. Cũng liên quan đến giao thông, đề nghị nâng cấp các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương... để có những đường bay quốc tế; đồng thời đầu tư xây dựng đường sắt. Cả khu vực Tây Nguyên, Gia Lai là nơi có nền thể thao phát triển nhất, nên đầu tư trung tâm thể thao tại Gia Lai. Gia Lai đang phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe, thể thao hay Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá cũng vừa được xếp hạng di tích cấp quốc gia với những vết tích của người nguyên thủy cách đây hơn 80 vạn năm... Những lợi thế này cần được tạo điều kiện để phát triển. Chúng tôi cũng đề nghị có cơ chế, chính sách riêng, đột phá cho vùng về thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ chế, chính sách đang chồng chéo nên gây khó khăn cho việc vận dụng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cần tạo hành lang pháp lý thông suốt để tạo sự thống nhất”.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao việc tỉnh đã chuẩn bị báo cáo kỹ càng, chi tiết trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị để từ đó đưa ra phương hướng phát triển phù hợp trong thời gian tiếp theo. “Những nội dung liên quan đến tồn tại, hạn chế mà tỉnh đang gặp cũng được thể hiện rất rõ. Nội dung kiến nghị, đề xuất của tỉnh cũng xác đáng. Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, các vấn đề liên quan đến phát triển vùng, chúng tôi sẽ làm việc với các bộ, ngành có liên quan cũng như tham khảo ý kiến các địa phương để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu đưa vào dự thảo nghị quyết”-Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

 

 KIM LINH

 

Có thể bạn quan tâm