Nhiều chiêu lừa đảo qua tài khoản ngân hàng thời điểm đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng diễn ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi chiêu thức hoạt động.

Sau Tết Nguyên đán, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nổi lên một số thủ đoạn như: "Giả mạo SMS Brandname", "Chuyển tiền nhầm", "Mạo danh ngân hàng cho vay"…

Thủ đoạn không mới nhưng có nhiều "cập nhật" mới. Các đối tượng giả danh này sẽ gọi điện thoại thông báo tài khoản của nạn nhân có liên quan đến tội phạm, hù dọa, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của cơ quan Công an (thực chất là tài khoản của đối tượng lừa đảo) để kiểm tra, xác minh nguồn gốc số tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền này.

Sau khi hù dọa, các đối tượng gửi đến nạn nhân đường link phần mềm gián điệp có tên "Bộ Công an" và yêu cầu cài đặt app ứng dụng Bộ Công an trên thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính bảng). Sau đó chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, user, password, số điện thoại, mã OTP xác thực tài khoản và lập tức chiếm quyền sử dụng tài khoản, chuyển hết số tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Đặc biệt, thời gian qua nổi lên hình thức lừa đảo rất tinh vi là giả vờ "chuyển tiền nhầm". Cụ thể, các đối tượng cố tình chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân chúng nhắm tới, sau đó sẽ thực hiện đòi lại như một khoản tiền cho vay nặng lãi. Hoặc các đối tượng sẽ tìm cách lấy thông tin của nạn nhân rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

 

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng diễn ra khá phổ biến vào thời điểm đầu năm 2022. Ảnh minh hoạ
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng diễn ra khá phổ biến vào thời điểm đầu năm 2022. Ảnh minh họa


Theo cơ quan công an, lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người gặp khó khăn, thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền nhầm này được các đối tượng nhắm vào những người hay truy cập vào các dịch vụ vay tiền trên mạng. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng, các đối tượng sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của người đang có ý định vay tiền nhưng chưa thực hiện. Tiếp đó, các đối tượng giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay nặng lãi.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, những đối tượng này thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin. Người nhận tiền chuyển khoản nhầm tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này. Cần trình báo lên cơ quan công an để kịp thời điều tra, xử lý.

Một chiêu thức khác đó là các đối tượng lập ra trang web giả mạo ngân hàng. Sau đó tìm kiếm những trường hợp khách hàng nhận được chuyển tiền nhầm, đang có nhu cầu trả lại tiền rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo. Sau khi bị hại khai báo, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

 

 Nhiều ngân hàng đưa ra cảnh báo với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến. Ảnh: SCB
Nhiều ngân hàng đưa ra cảnh báo với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến. Ảnh: SCB


Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy – Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, tình trạng chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác xảy ra trong thời gian qua khá nhiều. Để tránh xảy ra hậu quả, khi nhận được tiền do người lạ chuyển tiền nhầm, người nhận không được sử dụng số tiền đó. Người nhận có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để giải quyết.

Nếu số tiền nhỏ, người nhận có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp bản sao kê để đối chiếu thông tin và tiến hành chuyển tiền trả lại. Nếu số tiền lớn, cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh và xử lý. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình cho các giao dịch trên mạng.

Trường hợp nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời điều tra, xử lý theo quy định.

https://danviet.vn/nhieu-chieu-lua-dao-qua-tai-khoan-ngan-hang-thoi-diem-dau-nam-2022020914012714.htm
 

Theo An Di  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).