1. Nghe người bạn cho hay cha bạn vừa qua một đợt hóa trị để điều trị ung thư, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Trong suy nghĩ của nhiều người, ung thư khác nào án tử! Nghe tới 2 chữ “ung thư” là như đã thấy thần chết đứng trước mặt. Chúng tôi toan lựa lời nói vài câu an ủi thì lại thêm một lần ngỡ ngàng trước sự lạc quan của bạn. Bạn bảo, cứ xem khối u như một cây bonsai vậy! “Chăm sóc” nó kỹ lưỡng nhưng chỉ để nó lớn ở mức vừa phải, chưa kể là… tạo dáng thế sao cho nghệ thuật. Nghĩ vậy thì sẽ thấy vui vẻ, yêu đời, thấy mình khéo léo như một nghệ nhân sinh vật cảnh.
Được truyền động lực từ suy nghĩ ấy nên cha bạn cũng bình tĩnh chấp nhận hiện thực để tích cực điều trị. Hơn nữa, sinh-lão-bệnh-tử, quy luật muôn đời ấy có ai cưỡng lại được? Nếu không chấp nhận, con người sẽ mãi sống trong khổ đau. Không ít người đã chết vì khủng hoảng tâm lý trước khi chết vì căn bệnh ung thư mà họ mang trong mình. Ngược lại, những người suy nghĩ tích cực lại khiến bác sĩ bất ngờ vì kết quả điều trị. Không ngoa khi nói lạc quan là một vị thuốc.
2. Thêm một giai thoại đậm chất thiền về thái độ sống. Chuyện rằng, ở đất nước Nhật Bản có vị thiền sư tên Ryokan sống cuộc đời khổ hạnh trong túp lều nhỏ dưới chân núi. Đồ đạc trong lều chẳng có thứ gì đáng giá, vậy mà một chiều khi thiền hành về, ông phát hiện mọi thứ đã mất sạch. Có lẽ tên trộm cũng phải cùng cực lắm mới lấy đi những đồ dùng đơn sơ ấy của một nhà sư. Tối đó, lặng ngắm khung cửa tràn ngập ánh trăng xanh, ông cảm thán đọc lên 2 câu thơ thật đẹp: “Tên trộm đã bỏ quên/Ánh trăng bên cửa sổ”.
Ra vậy, thay vì phiền não trước thực tại thì thiền sư lại điềm nhiên, thậm chí... hân hoan. Vầng trăng là thứ không thể mất đi, là cái đẹp vĩnh viễn. Đó là thái độ sống của bậc chân tu: bao dung, xem được-mất là hư không, nhìn ra hạnh phúc trong những điều bình dị nhất để tìm thấy sự an lạc từ tâm.
3. Những ngày này, toàn thế giới vẫn không ngừng quan tâm đến thảm họa động đất liên tiếp xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Những tòa nhà cao hàng chục tầng đổ sụp xuống như giấy chỉ sau vài mươi giây ngắn ngủi. Số người tử vong tăng lên chóng mặt, từ vài ngàn lên con số mới nhất là hơn 48.000 người! Không thể tưởng tượng nổi người dân 2 nước này sẽ bắt đầu từ đâu, phải làm gì để vượt qua đau thương và khủng hoảng nhằm tái thiết những thành phố từng vô cùng hiện đại, sầm uất.
Hoang mang đến kiệt cùng là tâm lý khó tránh khỏi trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Báo chí đưa tin, một số người khi được cứu sống khỏi đống đổ nát và nhìn thấy khung cảnh trước mắt đã chán ngán đến mức thốt lên: “Ước gì tôi chết luôn cho rồi!”. Nhưng vẫn có không ít người rơi nước mắt hạnh phúc vì còn được sống. Và hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ nhất chính là một em bé ra đời ngay giữa hoang tàn. Điều kỳ diệu ấy khiến người ta không ngừng tin vào sự sống, tin vào sự hồi sinh. Rồi mọi thứ sẽ qua. Ngày mai sẽ đến… Người dân Indonesia, Nhật Bản cũng từng kiên cường vượt qua các thảm họa động đất, sóng thần lớn nhất thế kỷ với số người thiệt mạng lên đến hàng trăm ngàn người. “Nhất thiết duy tâm tạo” là thế.
Sức mạnh diệu kỳ đến từ niềm tin và sự lạc quan. Ai đó đã ví von rằng: “Nếu cuộc đời cho bạn một quả chanh, hãy làm một ly chanh đá”. Rõ ràng, thái độ đối với thực tại quyết định hạnh phúc của mỗi người (tất nhiên cần loại trừ tinh thần lạc quan ảo tưởng, AQ). Chẳng phải, Lưu Quang Vũ từng có những câu thơ rất hay, rất đời đó sao: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước trong veo đến thế?”.