Nhất định tôi phải lên Na Rì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục năm trôi qua, vết thương do bom đạn khiến tôi đau mười phần thì vết thương lòng về tình cảm của tôi với Sao đau gấp trăm, gấp ngàn lần...
Có những sự kiện dù đã lùi rất xa, đã lâu lắm nhưng ta không bao giờ quên, không thể nào quên. Nó in đậm trong ký ức ta không thể phai mờ. Đó là vào tháng 2-1963, gia đình tôi cùng với 32 gia đình khác từ tỉnh Thái Bình lên đường đi kinh tế mới tại bản Nà Tảng, xã Trần Phú, huyện Na Rì. Năm ấy tôi 18 tuổi, đang học lớp 9 và phải bỏ học giữa chừng để theo gia đình.
Niềm vui trên vùng đất mới
Chúng tôi đi ôtô sang Nam Định rồi đi tàu lên Thái Nguyên, rồi lại đi ôtô lên Bắc Kạn. Khi lên đến huyện Na Rì, chúng tôi xuống xe, bắt đầu tay xách nách mang, gánh gánh gồng gồng, cuốc bộ vào Nà Tảng. Đường vào Na Rì hồi ấy là đường mòn cheo leo trên sườn núi. Tôi có 3 đứa em. Đứa lớn cuốc bộ. Đứa giữa tôi cõng. Còn đứa em út thì bố bỏ vào quang gánh. Không biết chúng tôi đi qua bao nhiêu quả đồi, bao nhiêu khu rừng rậm mới tới được bản Nà Tảng.
 
Tác giả (thứ tư, từ trái qua) trước lúc cùng gia đình đi kinh tế mới ở Na Rì
Tác giả (thứ tư, từ trái qua) trước lúc cùng gia đình đi kinh tế mới ở Na Rì
Khu nhà của dân kinh tế mới Thái Bình được làm bằng tranh tre nứa lá, trên một quả đồi rộng. Xung quanh là ruộng bậc thang. Dưới chân đồi là dòng suối trong vắt.
Chưa từng đi xa, bà con Thái Bình nói chung và anh em tôi nói riêng lạ lẫm lắm. Nhưng rồi sau 3 tháng, 6 tháng cũng quen dần. Bà con miền xuôi đến chơi với bà con dân bản. Bà con dân bản lại đến chơi với bà con miền xuôi. Đã chơi với nhau là phải có rượu. Đêm đêm, bao nhiêu câu chuyện miền ngược, miền xuôi diễn ra rôm rả trong các tiệc rượu giữa núi rừng.
Riêng tôi đã học gần xong lớp 9 nên được xã mời làm giáo viên bình dân học vụ dạy chữ, dạy toán cho các em trong bản. Trong số 15 học trò, có Sao - cô gái Tày kém tôi 1 tuổi. Sao học dở cấp 2, được tôi xếp vào học lớp 6. Ngoài giờ học chính hằng ngày, bố mẹ Sao còn nhờ tôi phụ đạo thêm buổi tối để sau này Sao có thể làm cán bộ xã.
Ở bản này, kể cả ở xã này, từ xưa đến nay, hiếm có người có trình độ lớp 9 như tôi. Hình như tôi ăn nói cũng "có duyên" nên bố mẹ Sao và ba chị em gái Sao, người nào cũng quý và coi tôi như người thân trong nhà. Những buổi tối tôi đến, hầu như hôm nào gia đình cũng tổ chức tiệc sắn nướng, ngô nướng, thậm chí tiệc rượu thết đãi.
Sao là cô gái đẹp, có thể nói là "hoa khôi của núi rừng". Tôi ngây ngất trước sắc đẹp hồn nhiên tinh khiết của Sao. Vẻ đẹp của Sao có thể ví như cảnh ban mai của núi rừng Tây Bắc. Đó là đỉnh núi xanh cổ quàng mây trắng, là hơi sương sớm trong lành, là tiếng suối róc rách reo vui, là con nai vàng ngơ ngác, là tiếng hoẵng "toác, toác", là trăm ngàn tiếng líu lo ríu rít chim trời...
Sao cũng là một cô gái thông minh. Sao tiếp thu nhanh, có nhiều sáng tạo. Tôi dạy Sao về kiến thức sử, địa, toán, lý, hóa; Sao dạy lại tôi nhiều điều về văn hóa dân tộc, văn hóa núi rừng. Có nhiều lúc, tôi cứ ngây người ra trước cô học trò.
Phiên chợ hạnh phúc
Một chủ nhật, tôi và Sao rủ nhau đi chợ huyện Na Rì. Chợ cách Nà Tảng gần 30 km. Tôi và Sao đi từ sớm tinh mơ, gần 10 giờ mới tới chợ. Chợ huyện họp dưới một thung lũng rộng có nhiều nhà dân, có cả cánh đồng xanh mướt, xung quanh là núi non bao bọc.
Buổi chiều, chúng tôi về, qua được 2 quả đồi thì trời đổ mưa như trút, màn đêm cũng sắp sửa ập xuống. Thấy có ngôi nhà sàn trên sườn núi cách đường đi một đoạn xa xa, hai đứa bảo nhau cố gắng trèo lên trên đó để trú ẩn. Ngôi nhà này bỏ hoang, chủ nhân dọn đi nhưng cũng còn để lại ít củi và một số đồ dùng, vật dụng có thể sử dụng được.
Màn đêm buông xuống nhanh chóng trùm lấy núi rừng. Bên ngoài vẫn mưa như trút. May mắn, tôi mang theo bật lửa và giấy. Từ hồi ở rừng, trong túi tôi bao giờ cũng có bật lửa và giấy bút. Giấy bút để tôi thỉnh thoảng làm thơ (tôi mê thơ từ nhỏ). Bật lửa để chống lại ve, vắt khi cần thiết.
Sẵn có củi, hai đứa đốt lửa lên cho ấm. Quần áo ướt sũng. Chúng tôi cởi quần áo ngoài vắt khô rồi phơi lên chiếc sào tre gần bếp lửa. Chúng tôi lấy bánh ra ăn và đun nước uống (may nhà sàn này lại còn cái ấm đun nước).
Đêm ấy, bên bếp lửa hồng, tôi và Sao ngồi nói chuyện suốt đêm. Càng ở bên Sao, tôi càng phát hiện cái duyên thầm của Sao. Người ta bảo đẹp người thì hay xấu nết. Nhưng đối với Sao thì hoàn toàn không phải như vậy.
Đến gần sáng, tôi và Sao nằm lăn ra nhà sàn cho đỡ mỏi. Hai đứa nằm sát bên nhau nhưng cố gắng vẫn giữ một khoảng cách. Tôi giả vờ nằm im như ngủ, không động đậy. Tôi nghe rõ từng hơi thở gấp gáp của Sao. Mùi thơm con gái quyến rũ lạ lùng... Nhưng tôi cố nén lòng lại.
Thế rồi hai đứa cũng ngủ được một giấc bình yên. Nhờ giời, không sao cả.
Sáng hôm sau, trời yên gió lặng. Chúng tôi quyết định từ giã ngôi nhà sàn ân nhân, ra đường về bản. Đi chừng 2 km, chúng tôi giật mình nghe thấy tiếng nước chảy ào ào. Trước mặt chúng tôi, hôm qua còn là con suối cạn lội đến mắt cá chân, hôm nay đã thành một dòng sông lớn cuốn phăng cả những cây rừng theo dòng chảy của nó. Đứng tần ngần một lúc lâu, hai đứa đành phải quay về ngôi nhà sàn đêm qua.
Đành phải quay về nhà sàn nhưng thật lòng, trong bụng tôi mừng khấp khởi vì lại được một ngày nữa chỉ có tôi và Sao ở bên nhau. Sao bảo: "Hôm nay anh giảng cho em mấy bài lý, hóa hôm nọ em chưa hiểu". Thế là tôi mang hết vốn liếng của mình để giảng cho Sao. Cứ nhìn vào đôi mắt long lanh lúng liếng, nhìn vào cái miệng cười tươi như đóa hoa rừng của em, những vốn liếng hơi bị ít ỏi của tôi lại bay đi đâu mất cả. Tôi lại phải huy động lại, nhớ lại... Nhiều lúc tôi không hiểu mình đang nói những gì. Thế mà em, đôi mắt của em cứ long lanh, cái miệng như nụ hoa kia cứ chúm chím đợi chờ.
Ngày hôm ấy trôi đi nhanh quá. Rồi đến đêm. Đêm ấy, chúng tôi quấn lấy nhau, trao cho nhau nụ hôn đầu và một lời hẹn ước. May sao hai đứa vẫn còn nén lòng giữ được trinh tiết "để dành" cho nhau vào một "ngày lành tháng tốt".
Biệt ly không hẹn ước
Nhưng, cái "ngày lành tháng tốt" ấy mãi mãi không bao giờ diễn ra. Không ngờ, lần đầu tiên hai đứa quấn lấy nhau cũng là lần cuối cùng... Ngày hôm sau, chúng tôi về bản thì tôi có quyết định lên nhận chức cán bộ tuyên huấn huyện. Rồi sau đó, tôi có lệnh lên đường ra trận cùng với lớp tân binh của Na Rì đi B (vào Nam chiến đấu) năm ấy. Tôi không kịp về từ biệt Sao và gia đình nữa. Rồi sau đó ít lâu, bố mẹ tôi cũng chuyển về Thái Bình sinh sống.
Sau 10 năm chiến trường, tôi trở về với một thân hình còm nhom và 15 vết thương trong người. Tự nghĩ với thân hình và sức khỏe như thế này, có lẽ tôi không thể nào mang lại hạnh phúc cho Sao được. Cũng đã 10 năm rồi, có thể Sao đã có một mái ấm, tôi không nên đến làm đảo lộn cuộc sống của em, vì thế tôi quyết định không lên Na Rì nữa.
Tôi cũng không có ý định lấy vợ. Nhưng vì bố mẹ thúc giục nhiều quá. Hơn nữa, có Ngoan là cô gái nết na, thùy mị ở cùng xóm. Những năm tôi đi chiến đấu xa nhà, Ngoan vẫn thường tới thăm nom, chăm sóc bố mẹ tôi. Mãi 3 năm sau, tôi cưới Ngoan.
Nhờ giời, sức khỏe của tôi dần dần bình phục. Tình yêu giữa tôi và Ngoan nảy nở và lớn lên dần. Chúng tôi có được 2 đứa con: 1 gái, 1 trai kháu khỉnh.
Thời gian cứ vô tình trôi đi. Vết thương cũ cứ đêm ngày hành hạ thể xác tôi. Nhưng những vết thương ấy hành hạ tôi mười phần thì vết thương lòng về tình cảm của tôi với Sao đau hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Nó cứ đau đớn, giằng xé tâm can tôi không khi nào nguôi đi được.
Không! Không! Không! Dù có già, dù có yếu, dù có đau mấy đi nữa, tôi cũng phải lên Na Rì một lần cuối. Nhất định, nhất định tôi phải lên Na Rì một lần cuối... 
PHẠM MINH GIANG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.