Người trồng hồ tiêu: Cha mẹ nợ nần tương lai con cái chông chênh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Kỳ 2: Cha mẹ nợ nần, tương lai con cái chông chênh
(GLO)- Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, nhiều nông dân ở thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh, Gia Lai không tiếc tiền cho con em mình theo học tại những trường điểm của tỉnh và các thành phố lớn. Khi hồ tiêu chết, giá giảm sâu, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, con em của họ đành phải bỏ học để kiếm việc nuôi thân, phụ giúp cha mẹ.
Bỏ học để phụ giúp gia đình
Thời điểm cây hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh, giá lại giảm sâu, nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Gia đình bà Phan Thị Hoa (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang) và gia đình người em gái dù đã bán đi nhiều tài sản có giá trị để trả nợ nhưng vẫn còn nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng. Cách đây 2 năm, khi cha mẹ bất lực trong việc tìm kế mưu sinh tại địa phương, 2 đứa con trai của chị em bà Hoa là Nguyễn Đồng, Huỳnh Truyền (đều học lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Thái Học) quyết định bỏ học rồi dắt nhau vào TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm. Khi chúng tôi đến nhà bà Hoa cũng là lúc em Đồng mới từ TP. Hồ Chí Minh về thăm nhà. Đồng cho biết, ngày em quyết định nghỉ học, trong trường cũng có đến 10 bạn nghỉ theo. Cả nhóm bạn cùng nhau bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh xin việc.
Bà Ngô Thị Lúa kể về hoàn cảnh gia đình mình hiện nay.
Bà Ngô Thị Lúa kể về hoàn cảnh gia đình mình hiện nay. Ảnh: N.S
Về lý do nghỉ học, Đồng bảo rằng, cha mẹ em không tìm được việc làm ở địa phương, đến trường thì mang tâm trạng gia đình mình bể nợ, không có tiền xoay xở cho cuộc sống hàng ngày nên đâm ra chán nản. Hiện tại, các em đang làm việc tại một xưởng may tư nhân ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh). Thu nhập sau khi trừ ăn, ở, mỗi em còn được hơn 3 triệu đồng/tháng. “Hồi mới vào, tụi em từng bị các chỗ nhận làm quỵt tiền công, phải trải qua nhiều công việc vô cùng nặng nhọc, giờ thì cũng ổn rồi. Hàng tháng, tụi em cũng dành dụm chút đỉnh gửi về phụ giúp cha mẹ”-Đồng tâm sự.
Theo trải lòng của bà Hoa, bà suốt ngày làm lụng vất vả với mong muốn các con được học hành tử tế. “Tôi cũng muốn vào TP. Hồ Chí Minh để kiếm việc làm nhưng lớn tuổi rồi người ta không chịu thuê, còn ở đây hiện giờ thì chẳng có việc để làm. Nhìn chúng nó mới tí tuổi đầu mà phải bỏ học, bôn ba nơi khác lao động nặng nhọc nuôi gia đình, người làm cha làm mẹ như tôi sao không xót xa”-bà Hoa nức nở.
Chung hoàn cảnh với bà Hoa, người hàng xóm Ngô Thị Lúa kể, thời kỳ giá hồ tiêu còn cao, vợ chồng bà luôn hy vọng đứa con trai út Trần Văn Lộc (SN 1999) sẽ được học tại những trường tốt nhất. Song, 3 năm trước, Lộc quyết định bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh với chúng bạn, bà dù không muốn nhưng cũng không thể cản. “Tội nghiệp nó hồi giờ chỉ biết học hành, vui chơi mà giờ cả ngày phải làm toàn việc nặng nhọc nơi xứ người để kiếm đồng tiền ít ỏi nuôi gia đình. Đau lòng quá”-bà Lúa than thở.
2 đứa cháu nội của ông Hoàng Lô (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) cũng phải bỏ học ra Hà Nội để kiếm sống. Ông Lô buồn rầu nói: “Vợ chồng con trai tôi có 2 đứa con gái. Đứa lớn là Hoàng Thị Thanh Thảo vừa học xong lớp 12, đứa nhỏ Hoàng Thị Mỹ Trinh đang học lớp 10. Cha mẹ nó trồng hồ tiêu rồi đâm ra nợ nần vì cây chết hàng loạt. Mới đây, chị em nó dắt nhau về Huế thăm bà ngoại. Được người thân gia đình bên ngoại giới thiệu nên 2 chị em dắt nhau ra Hà Nội kiếm việc. Cháu tôi học cũng khá, con lớn cũng ước mơ vào đại học lắm nhưng hoàn cảnh gia đình như thế thì biết làm sao. Tôi rất lo cho tương lai của chúng”.
Ngành Giáo dục vào cuộc
Ông Ngô Xuân Tiến-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học-xác nhận: Từ năm 2016 đến nay, nhiều học sinh của trường phải bỏ học giữa chừng để vào các tỉnh phía Nam mưu sinh hoặc chuyển sang học hệ giáo dục thường xuyên. Trên địa bàn huyện chỉ có 1 trường THPT nên chuyện học sinh bỏ học giữa chừng rất dễ nắm bởi mỗi năm, trường đều căn cứ vào số học sinh tốt nghiệp THCS để lập chỉ tiêu xét tuyển lớp 10. Theo đó, năm học 2017-2018, danh sách học sinh lớp 9 trên địa bàn huyện là 700 em, trường đưa ra chỉ tiêu tuyển 630 em nhưng kết quả chỉ tuyển được 530 em vào học lớp 10.
Những ngôi nhà lầu khang trang nằm bên những vườn tiêu chết rụi, người dân phải nhổ trụ tiêu lên để bán kiếm tiền trả ngân hàng. Ảnh: Q.T
Những ngôi nhà lầu khang trang nằm bên những vườn tiêu chết rụi, người dân phải nhổ trụ tiêu lên để bán kiếm tiền trả ngân hàng. Ảnh: Q.T
Làm việc với ông Nguyễn Viết Thuận-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, chúng tôi được biết, hơn 5 năm trước, huyện Chư Pưh có rất nhiều gia đình khá giả. Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, rất nhiều gia đình thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Do vậy, nhiều gia đình cho con lên TP. Pleiku hay vào TP. Hồ Chí Minh để theo học những trường có tên tuổi. Thậm chí, nhiều gia đình còn cho các em đi học xa từ năm lớp 5. Giờ đây, ở địa phương này có 6 trường hợp bể nợ hồ tiêu nên đã xin cho con em họ được chuyển trường vì cha mẹ đi lao động nơi khác, hoặc gửi về quê cho người thân chăm sóc.
Cũng theo ông Thuận, từ năm 2015, khi hồ tiêu bắt đầu chết hàng loạt khiến nhiều gia đình bể nợ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động triển khai những kế hoạch thiết thực để hỗ trợ học sinh nhằm duy trì sĩ số. Các khoản đóng góp của học sinh hầu như đều được miễn giảm, nhà trường còn chủ động giúp đỡ sách vở, bút mực. Ngoài ra, Phòng còn cử cán bộ đến các gia đình không may bể nợ để động viên phụ huynh không vì buồn chán mà bỏ bê chuyện học của con em. “Chúng tôi thường xuyên đi vận động, gặp gỡ để những gia đình này không còn mặc cảm, tự ti, từ đó quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Còn tại trường, chúng tôi quán triệt giáo viên phải quan tâm đặc biệt đến các trường hợp này, cần dìu dắt để các em vượt qua nghịch cảnh, yên tâm học hành”-ông Thuận chia sẻ.
“Thời gian qua, huyện cũng đã chủ trương mở rộng loại hình giáo dục hướng nghiệp để các học sinh trong diện này sau khi tốt nghiệp THCS mà không có điều kiện đi học cao hơn vẫn có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề nhằm có cơ hội mưu sinh sau này. Bên cạnh đó, tại các cuộc họp của huyện, vấn đề vỡ nợ do hồ tiêu luôn được các cán bộ quan tâm, ai cũng mong các cơ quan cấp trên có chính sách khoanh nợ, miễn lãi tiền vay để người dân có cơ hội gượng dậy và con em họ yên tâm đến trường”-ông Thuận bộc bạch.
 Quang Tấn - Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.