Người thầy “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 20 năm gắn bó với nghề, thầy Cao Chí Hiển-Giáo viên môn Tin học thuộc Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) được tiếng là “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi.

Bằng những kinh nghiệm thực tế, phương pháp giảng dạy hiệu quả và trình độ chuyên môn vững chắc, thầy Cao Chí Hiển được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học.

Ngay từ đầu năm học, thầy Hiển đã bắt tay vào việc lựa chọn học sinh đưa vào đội tuyển để lên kế hoạch ôn tập. Thầy đã tiến hành khảo sát ở cả 3 khối lớp để lựa chọn những học sinh đủ tố chất, đam mê môn Tin học đưa vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi.

Thầy Cao Chí Hiển (ở giữa, hàng sau) được tiếng là “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: L.Đ.T

Thầy Cao Chí Hiển (ở giữa, hàng sau) được tiếng là “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: L.Đ.T

Trong quá trình giảng dạy, thầy tích cực ôn tập cho học sinh bằng tài liệu mà mình đã dày công biên soạn. Ngoài phần lý thuyết cơ bản, thầy luôn yêu cầu học sinh phải thực hành nhiều trên máy tính. Đồng thời, nhắc nhở, đôn đốc các em trong đội tuyển chăm chỉ giải bài tập theo từng chuyên đề mà mình biên soạn.

Bên cạnh đó, thầy hướng dẫn các em cách thức khai thác và áp dụng những tài liệu trong học tập. Ngoài những buổi bồi dưỡng ở trường, thầy Hiển còn dành thời gian để bồi dưỡng cho các em tại nhà mình. Thầy cũng lập nhóm Zalo riêng để các em tiện trao đổi bài vở.

Dù trải qua không ít khó khăn ở một ngôi trường vùng sâu, có đông học sinh dân tộc thiểu số, nhưng trong suy nghĩ của thầy Hiển luôn tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc.

Thầy chia sẻ: “Những năm gần đây, phụ huynh học sinh quan tâm nhiều hơn đến bộ môn Tin học. Có lẽ một phần là do sự thay đổi trong cơ chế tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Điều này cũng bắt nguồn từ yêu cầu của xã hội đối với việc tuyển dụng nhân sự hiện nay là phải thành thạo tin học cơ bản.

Còn những vị trí việc làm đòi hỏi chuyên môn sâu về lập trình, ứng dụng thì chỉ những kiến thức chung sẽ chưa đủ mà cần phải có trình độ chuyên môn cao hơn. Bởi vậy, nhiều học sinh có ý định dự thi vào trường đại học mà chương trình đào tạo có học chuyên sâu về tin học thì các em sẽ chú trọng ngay từ khi đang học THPT. Đó là những lợi thế lớn, tạo động lực cho giáo viên dạy môn Tin học như chúng tôi”.

Trên thực tế, nhiều học sinh được thầy Hiển bồi dưỡng đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh và khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trong đó, phải kể đến 1 giải nhất, 4 giải nhì, 1 giải ba trên tổng số 9 giải ở những cuộc thi này. Ngoài ra, học sinh do thầy Hiển bồi dưỡng còn đạt nhiều giải thưởng ở những cuộc thi khác.

Được tiếng là “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi nên nhiều phụ huynh có con em đang học ở bậc tiểu học, THCS cũng nhờ thầy Hiển bồi dưỡng để định hướng cho con em mình lựa chọn nghề nghiệp sau này. Và chính điều đó cũng góp phần mang tới cho thầy Hiển đội ngũ học sinh kế cận tạo nguồn trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi khi các em lên học ở bậc THPT.

Với những kết quả ấn tượng mà đội tuyển Tin học của Trường THPT Chu Văn An đạt được, thầy Hiển luôn được cấp trên đánh giá cao, đồng nghiệp tôn trọng và học sinh yêu mến, kính phục.

Khi biết những học sinh do thầy Hiển trực tiếp bồi dưỡng lại đang sinh sống và học tập ở ngôi trường đứng chân trên địa bàn còn nhiều khó khăn ở huyện Krông Pa thì sự cảm mến và nể phục ấy lại như được nhân đôi.

Cũng bởi vậy, thầy Hiển thường xuyên được Sở Giáo dục và Đào tạo cử ra đề, chấm thi trong các kỳ thi quan trọng và làm những công việc chuyên môn khác. Nhiều năm liền, thầy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Thầy Đặng Ngọc Tuấn-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An-nhận xét: “Thầy Cao Chí Hiển là giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tận tâm với nghề và có nhiều thành tích trong giảng dạy, nhất là việc ôn thi học sinh giỏi. Thầy được đồng nghiệp đánh giá cao và được học sinh quý trọng”.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.