Trong những ngày tháng căng thẳng nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hình ảnh người lính tận tụy với công việc cấp bách chưa có tiền lệ, như là điểm tựa tinh thần giúp người dân vững thêm niềm tin vượt qua đại dịch.
Hơn 15 giờ ngày 4.12, chiếc xe tải quân sự chở gần 40 hộp đựng hũ tro cốt về Nhà tang lễ TP.HCM ở QL1, P.An Lạc, Q.Bình Tân. 5 chiến sĩ cẩn thận đưa từng hộp xuống và đặt trên bàn chia theo từng quận, huyện một cách gọn gàng. Ở đây cũng có khu vực riêng lưu giữ tro cốt của người mất vì Covid-19 ở các tỉnh và người nước ngoài.
Nhiệm vụ thiêng liêng, nhân văn
Hơn 4 tháng qua, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Thiết giáp (Bộ Tư lệnh TP.HCM) vẫn miệt mài với công việc chưa có tiền lệ nhưng phần nào làm an lòng những gia đình có người thân mất vì Covid-19. Đại úy Nguyễn Lê Hoàng Quốc Dũng vẫn nhớ như in về thời khắc không thể nào quên, đó là ngày 7.8, nhận được lệnh của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM giao nhiệm vụ bàn giao tro cốt cho các gia đình có thân nhân mất vì Covid-19 trên địa bàn: “Trước khi đi, thủ trưởng nhắn nhủ với anh em phải luôn nhớ rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng, nghĩa tử là nghĩa tận, cố gắng phối hợp để trao tận tay thân nhân trong thời gian sớm nhất”.
|
Đại úy Nguyễn Lê Hoàng Quốc Dũng bàn giao tro cốt cho một gia đình ở Đồng Nai lên nhận trực tiếp |
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, tổ công tác đặc biệt này có 10 người. Hằng ngày, các chiến sĩ tiếp nhận hũ tro cốt từ các trung tâm hỏa táng, rồi nhập dữ liệu và lưu giữ tại Nhà tang lễ TP.HCM. Giữa sảnh là bàn thờ chung cùng hoa quả, trái cây, nhang đèn cúng kiếng hằng ngày. Sau đó, Ban chỉ huy quân sự quận, huyện sẽ lên nhận về và tổ chức đội bàn giao đến gia đình. Đại úy Dũng bộc bạch, ban đầu ai cũng bỡ ngỡ vì chưa thực hiện nhiệm vụ này bao giờ, nhưng được sự quan tâm, động viên của thủ trưởng và chính quyền địa phương nên công việc dần nền nếp.
Trong đợt cao điểm bùng phát dịch vào tháng 8 - 9.2021, số người mất vì Covid-19 tại TP.HCM khá cao, đều trên 200 người/ngày, cao điểm lên đến 340 người (ngày 23.8) để lại nhiều đau thương, mất mát cho các gia đình. Đó cũng là điều mà lãnh đạo TP.HCM luôn day dứt, trăn trở. Càng đau buồn hơn khi có thời điểm hệ thống hỏa táng quá tải, nhiều gia đình phải chờ hàng chục ngày mới nhận được tro cốt người thân.
Đến nay, thời gian đã được rút ngắn, từ khi mất đến lúc nhà tang lễ tiếp nhận chỉ còn 2 - 3 ngày; nếu các quận, huyện lên nhận nhanh và giao trong ngày thì thời gian càng được rút ngắn hơn nữa. “Có gia đình trong thời gian ngắn mất cả cha lẫn mẹ. Nhận thức đây là việc thiêng liêng, phù hợp với đạo nghĩa nhân văn của người VN mình, bản thân cùng các đồng đội chỉ cố gắng giao sớm nhất về cho thân nhân”, đại úy Dũng chia sẻ.
|
Các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TP.HCM kiểm tra thông tin các hũ tro cốt và sắp xếp theo từng khu vực, tuyệt đối không được nhầm lẫn |
Không được làm qua loa
Nơi sinh hoạt của tổ công tác đặc biệt được tận dụng các phòng nghỉ ngơi của Nhà tang lễ TP.HCM, gần khu vực đặt các hũ tro cốt. Nhận nhiệm vụ chưa có tiền lệ và nhiều áp lực, các chiến sĩ thường xuyên được các chuyên gia tâm lý nói chuyện, giải đáp các khúc mắc, hướng dẫn vận động tăng cường tâm trí để chu toàn công việc.
Trong phòng trực, thỉnh thoảng điện thoại bàn lại reo lên, phía bên kia đầu dây là thân nhân người mất vì Covid-19 hỏi thăm thông tin. Từ ngày 19.8, Bộ Tư lệnh TP.HCM thiết lập đường dây nóng hỗ trợ gia đình có người thân không may qua đời vì mắc Covid-19 tìm hiểu thông tin về công tác bảo quản, hương khói cũng như quy trình, địa chỉ tiếp nhận, trao trả tro cốt người đã khuất. Vào những ngày cao điểm, đường dây nóng “cháy” máy vì các cuộc gọi đến dồn dập, đó cũng là những ngày đau thương nhất của TP.HCM khi số ca tử vong cao.
Theo chủ trương của Bộ Tư lệnh TP.HCM, bộ đội sẽ bàn giao tro cốt tận tay gia đình, đối với người mất ở các tỉnh thì Ban chỉ huy quân sự địa phương đến nhận. Để tạo điều kiện cho các gia đình muốn nhận sớm mà địa phương chưa tổ chức tiếp nhận được thì tổ công tác cũng sẽ linh động giải quyết, với yêu cầu phải có xác nhận của địa phương.
|
Nữ dân quân tình nguyện Trần Thị Thanh Thủy lấy mẫu xét nghiệm cho một F0 mới phát sinh ở khu phố 4, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Sỹ Đông |
Hôm chúng tôi đến (ngày 4.12) cũng là thời điểm một gia đình ở Đồng Nai lên nhận tro cốt của người nhà. Các chiến sĩ cẩn thận kiểm tra, đối chiếu thông tin căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận rồi bàn giao hộp đựng tro cốt cho gia đình. Người nhà nhanh chóng đặt hũ tro cốt trên bàn thờ chung đặt giữa sảnh, thắp hương rồi đưa rước về.
Đại úy Dũng cho biết cũng có trường hợp địa chỉ người mất một nơi, thân nhân đang cư trú một nơi, mà phổ biến nhất là bán nhà đi ở chỗ khác. Cũng có tình huống Ban chỉ huy quân sự địa phương nhận hũ tro cốt về, nhưng thân nhân đã chuyển đến nơi khác, thì hũ tro cốt sẽ bàn giao lại cho nhà tang lễ tiếp tục xác minh. Nguyên nhân chủ yếu là thông tin từ bệnh viện đưa tới thường ít có số điện thoại của gia đình để liên hệ trực tiếp. “Tro cốt người mất rất nhạy cảm nên không được làm qua loa, không để xảy ra sự cố giao nhầm”, đại úy Dũng nói.
Không chỉ bàn giao trên địa bàn, Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng tổ chức đoàn công tác do đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, làm trưởng đoàn bàn giao tro cốt về tận nhà người mất vì Covid-19 ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và miền Bắc. Hiện Nhà tang lễ TP.HCM đang lưu giữ nhiều hũ tro cốt của công dân nước ngoài qua đời vì mắc Covid-19. Đối với các trường hợp này, Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ trao đổi với Sở Ngoại vụ TP.HCM, xác nhận rồi bàn giao đến thân nhân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.
(còn tiếp)
Gửi con 4 tuổi ở nhà, nữ dân quân tình nguyện chăm sóc F0 Những ngày này, nữ dân quân tình nguyện Trần Thị Thanh Thủy (28 tuổi, giáo viên mầm non, ngụ P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) vẫn tiếp tục công việc chăm sóc F0 tại nhà. Tham gia dân quân thường trực từ năm 2014, hằng năm chị Thủy đều tham gia các hoạt động của phường đội. Tháng 8.2021, dịch Covid-19 bùng phát, chị Thủy không ngần ngại viết đơn tình nguyện với tâm niệm “muốn làm điều gì đó để dịch bệnh giảm bớt, người dân bớt khổ”. Được sự ủng hộ của gia đình, chị Thủy gửi lại con nhỏ 4 tuổi để cha mẹ và em gái chăm sóc. Suốt 1 tháng rưỡi, chị Thủy miệt mài ở P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức) lấy mẫu xét nghiệm. Cũng trong thời gian đó, chị Thủy nghe tin dì ruột ở Q.8 mất tại nhà mà không thể về nhìn mặt lần cuối… Giữa tháng 9.2021, dịch bớt căng thẳng, chị Thủy xin về làm tình nguyện viên ở P.Hiệp Bình Chánh với công việc chính là chăm sóc F0 tại nhà. Trưa 10.12, nhận danh sách một số F0 mới từ trạm y tế, chị Thủy cùng một dân quân tức tốc xuống một căn nhà không số ở khu phố 4, P.Hiệp Bình Chánh lấy mẫu xét nghiệm... |
Theo Sỹ Đông (TNO)