Người Gia Lai: "Yêu cây, yêu hoa hóa ra yêu đời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù bận bịu với công việc kinh doanh nhưng bà Võ Thị Thanh Thủy (270B Phạm Ngọc Thạch, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đều dành thời gian để trồng và chăm sóc các loại hoa, cây cảnh. Khoảnh vườn rộng gần 1.000 m2 của gia đình bà lúc nào cũng tươi mới sắc hoa và những chậu cây cảnh độc lạ.
Bà Thủy đam mê trồng hoa, cây cảnh từ khi còn nhỏ. Khi ấy, bố của bà rất thích trồng hoa nên vườn nhà lúc nào cũng rực rỡ sắc hoa. Sau này, khi lập gia đình ra ở riêng, bà cũng nung nấu ước mơ có một sân vườn thoáng đẹp. Đến năm 2014, khi chuyển về nơi ở mới có diện tích đất vườn rộng, bà mới có cơ hội thực hiện niềm yêu thích của mình. Hễ gặp ai bán hoa, cây cảnh là bà mua đem về trồng. Đồng thời, bà còn lên mạng tìm các địa chỉ cây cảnh uy tín để đặt mua các giống hoa độc, lạ. Bà Thủy chia sẻ, tuy chỉ trồng để cải thiện không gian sống, không phải trồng để bán nhưng chi phí đầu tư mua cây, hạt giống và chậu các loại cũng tốn khá nhiều. Khi nhân giống thành công, bà thường chia sẻ cây giống cũng như kinh nghiệm chăm sóc cho những người có chung sở thích. Năm 2018, bà Thủy lập trang Facebook “Hội thích trồng cây Gia Lai”. Hiện nay, “Hội thích trồng cây Gia Lai” có hơn 5.000 thành viên, mỗi năm tổ chức 2 đợt gặp gỡ tại TP. Pleiku để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những cây giống độc, lạ.
Bà Võ Thị Thanh Thủy (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Nhật Hào
Bà Võ Thị Thanh Thủy (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Nhật Hào
Sau gần 30 năm bắt tay hiện thực hóa ước mơ, đến nay, anh Nguyễn Văn Thành (tổ 5, phường Yên Thế) đã sở hữu hơn 500 cây cảnh các loại. Hàng ngày, anh bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật để tạo dáng cây đẹp, lạ. Trong đó, có nhiều cây tuy dáng nhỏ nhưng đã có 20 hoặc gần 30 năm tuổi, số cây trên dưới 10 năm tuổi cũng khá phổ biến. Trồng cây cảnh là niềm đam mê từ nhỏ của anh và luôn mong muốn tạo ra một không gian sống thoải mái, gần gũi thiên nhiên. Vì vậy, dù có nhiều người trả giá cao nhưng anh không bán, trừ khi có người quá yêu thích thì anh nhượng lại với giá rẻ để có kinh phí tạo lại cây mới.
Anh Thành chăm sóc cây bonsai đã gần 30 năm tuổi. Ảnh: Nhật Hào
Anh Nguyễn Văn Thành (tổ 5, phường Yên Thế) chăm sóc cây bonsai đã gần 30 năm tuổi. Ảnh: Nhật Hào
Hiện nay, những người trẻ tuổi cũng khá yêu thích trồng hoa, cây cảnh. Đơn cử như anh Lê Quốc Hưng (32 tuổi, trú tại làng Tốt, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã gầy dựng được một vườn lan rừng với hàng trăm giò. “Mỗi lần đi làm rẫy về, nhìn thấy vườn phong lan xanh mát, hoa nở đẹp, tỏa hương thơm ngát là tôi thấy mọi mệt nhọc như tan biến”-anh Hưng chia sẻ.
Hiện nay, xu hướng sống xanh với việc gầy dựng một khu vườn tươi mát từ các loại hoa, cây cảnh đang được nhiều gia đình trong cả nước cũng như ở Gia Lai yêu thích. Tuy bận rộn với công việc nhưng nhiều gia đình luôn dành thời gian, tâm sức để tạo ra một không gian sống trong lành, ấm áp. Không chỉ đơn thuần ở việc trồng hoa, cây cảnh đơn giản, nhiều hộ còn chú ý tới tính thẩm mỹ và phong thủy của các loại hoa, cây cảnh, hướng đến việc đảm bảo tốt cho sức khỏe và tài lộc. Đặc biệt, một số gia đình còn dày công nghiên cứu để tạo ra những cây bonsai đẹp và có giá trị về mặt kinh tế. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều nhóm, hội yêu thích hoa, cây cảnh. Không chỉ là nơi để các thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau về cây giống, các hội, nhóm này còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho mỗi người, như lời ông cha ta từng nói: “Yêu cây, yêu hoa hóa ra yêu đời”.
NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.