(GLO)- Dưới những gốc điều cổ thụ, đàn dê gần 50 con của ông Nay Hoa (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) túm tụm nhấm nháp những chiếc lá tươi non trước khi được chủ lùa lên rẫy chăn thả. Ông Nay Hoa là người đầu tiên nuôi dê với quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn những vật nuôi khác.
Đợi khi nắng lên tới đỉnh đầu, ông Nay Hoa mới lùa đàn dê ra khỏi chuồng để bắt đầu một ngày chăn thả. Không để dê ăn thức ăn còn ngậm sương nhằm tránh các bệnh đường ruột là kinh nghiệm mà người nông dân Jrai này nằm lòng sau hơn 1 năm nuôi dê. Gia đình ông Nay Hoa là hộ đầu tiên phát triển đàn dê lớn ở vùng đất này. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Tháng 2-2020, gia đình được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 50 triệu đồng. Ông mua 11 con dê giống và đầu tư làm chuồng trại. Chỉ sau 1 năm rưỡi, đàn dê phát triển lên gần 50 con. Ông đã bán 16 con dê thịt thu được 36 triệu đồng. “Người Jrai trước đây nghĩ nuôi dê không mang lại giá trị kinh tế cao như nuôi bò nên thường chỉ nuôi vài ba con. Trong khi đó, diện tích đồi núi ở đây rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giá dê thịt cao và ổn định. So với nuôi bò hay trồng mì thì hiệu quả kinh tế khi nuôi dê cao hơn hẳn”-ông Nay Hoa đúc kết.
Ông Ksor Rok-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng: “Toàn xã còn 226 hộ nghèo, chiếm 15,3%. Những năm gần đây, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, vận dụng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng”. |
Ngoài vốn đầu tư con giống, nuôi dê không tốn mấy chi phí. Vấn đề là cần quan sát và chăm sóc kỹ để kịp thời phát hiện một số bệnh thông thường mà dê hay mắc như: bệnh đường ruột, lở mồm long móng, viêm phổi, mù mắt… Nhờ vậy, đàn dê của ông Nay Hoa không có con nào bị chết bởi bệnh tật. Ông luôn “bắt” chính xác bệnh cho chúng và chữa trị kịp thời. Người nông dân Jrai này chia sẻ: “Dê rất dễ mắc bệnh đường ruột nên không để chúng ăn cỏ khi còn đọng sương. Mùa nắng thì pha nước muối loãng cho dê uống để tăng sức đề kháng. Nơi chăn thả phải làm chòi cho dê nghỉ và tránh mưa nắng. Bên cạnh đó, chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh, phun thuốc đuổi muỗi và côn trùng. Khi dê mẹ đẻ, mình kiểm tra thường xuyên cuống rốn của dê con trong 15 ngày đầu vì chỗ đó hay bị ruồi muỗi đốt. Khi chăn thả, thấy con nào ăn kém, hay chui vào bụi, không biết bệnh thì phải gặp cán bộ thú y để nhờ tư vấn chữa trị. Chăn dê còn phải để ý nếu thấy chúng ăn phải cây gai mắc cỡ bị lở mồm thì phải xát chanh vào để diệt khuẩn, chỉ 2 ngày sẽ khỏi, nếu không dê sẽ ốm nặng hơn”.
|
Ông Nay Hoa (bên phải) là hộ Jrai đầu tiên phát triển đàn dê quy mô vài chục con ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyên Bình |
Khác với cách nuôi truyền thống, ông Nay Hoa rào chắn khu vực chăn thả ngay trên diện tích đất rẫy gần 4 ha của gia đình. Ông cho hay: “Năm nay nắng nhiều nên mì chết đến hơn 40%, nếu trồng lại cũng không mấy kết quả, thậm chí là lỗ. Cây mì lại rất bấp bênh nên tôi hướng tới mô hình trang trại, phát triển đàn dê lên 100-200 con trong thời gian tới”. Theo ông Nay Hoa, dê đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con và chỉ nuôi trong năm đã có thể xuất chuồng, đầu ra lại rất thuận lợi. Với giá bán 90-120 ngàn đồng/kg, ông thu được 2-3,5 triệu đồng/con.
Ông Nay Ly-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Drăng-cho biết: “Ông Nay Hoa là người đầu tiên ở xã nuôi dê đàn. Thành công của ông Hoa ở chỗ đàn dê phát triển rất nhanh, khỏe mạnh, hầu như không bệnh tật. Mô hình này được xem là hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể giúp người dân thoát nghèo bền vững. Chúng tôi có kế hoạch nhân rộng, lấy mô hình gia đình Nay Hoa làm điển hình giúp nông dân trong xã học tập làm theo, góp phần giảm nghèo, tăng tích lũy. Trước tiên là giới thiệu rộng rãi mô hình này để bà con tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt cách làm. Sau đó tìm kiếm nguồn vốn, hỗ trợ con giống giúp sinh kế cho hộ nghèo”.
Cũng theo ông Nay Ly, khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Drăng rất phù hợp để chăn nuôi dê, có thể nói đây là vật nuôi “1 vốn 4 lời”. Nếu người dân được tạo điều kiện vay vốn đầu tư nuôi dê thì không chỉ xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn có khả năng tích lũy, làm giàu.
NGUYÊN BÌNH