Người dân Ia Piar vượt khó học chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đều đặn 3 tháng nay, khi ánh lửa bập bùng trong mỗi nếp nhà sàn cũng là lúc nhiều người dân xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) háo hức đi học. Mặc dù đã làm cha, làm mẹ, bàn tay vốn quen cầm cuốc, cầm cày nhưng mong muốn biết được cái chữ để cuộc sống bớt khổ đã thành động lực giúp bà con nơi đây vượt mọi khó khăn đến lớp.

Cả nhà cùng đi học

19 giờ, lớp học xóa mù chữ buôn Mơ Nai Trang sáng ánh điện. Lớp học gồm 50 thành viên (43 nữ và 7 nam), tuổi từ 15 đến 35. Nhiều chị địu theo cả con nhỏ lên lớp. Nhiều gia đình cả nhà cùng nhau đi học. Tiếng đánh vần vang lên đều đều. Những khuôn mặt đen sạm, những bàn tay thô ráp xòe ra làm phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn. Ai cũng miệt mài, mong học được cái chữ.

Là một trong những học viên được đánh giá tiến bộ nhanh nhất lớp, chị Ksor H'Juôn (SN 1991) kể: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Vì hoàn cảnh khó khăn nên 2 vợ chồng đều không biết chữ. Biết tin nhà trường tổ chức lớp xóa mù chữ tại buôn Mơ Nai Trang, anh chị cùng đăng ký học. Cô con gái 8 tuổi cũng theo cha mẹ lên lớp để ôn luyện thêm. “Cả nhà mình cùng đi học, cái gì không biết thì nhờ con chỉ thêm. Bây giờ, vợ chồng mình đã thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần, biết viết tên của mình và làm được các phép tính đơn giản”-chị H'Juôn khoe.

Còn anh Rmah Dung (SN 2000) thì chia sẻ: “Ban đầu chỉ có vợ mình đi học. Nhưng vợ biết chữ rồi mà mình kém vợ thì xấu hổ lắm nên phải đi học thôi. Mình rủ thêm anh ruột cùng học. Giờ thì trong buôn nhiều người biết chữ rồi. Mỗi lần lên xã làm thủ tục hồ sơ, mọi người có thể tự ký tên, không cần phải điểm chỉ như trước nữa”.

Ông Ksor Ama Liu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nai Trang-cho biết: Cả buôn có tới 63 hộ nghèo và cận nghèo. Tỷ lệ mù chữ lên tới 75% dân số. Không biết chữ, người dân đến các cơ quan làm giấy tờ đều gặp khó khăn; công tác tuyên truyền các chính sách, chế độ cũng gặp không ít trở ngại. Vì vậy, khi Trường Tiểu học Lý Tự Trọng tổ chức lớp xóa mù chữ, hệ thống chính trị thôn đã vào cuộc cùng thầy cô tuyên truyền, vận động bà con đến lớp. Thật mừng vì bà con đi học đều và tiến bộ nhanh.

Quyết tâm “gieo chữ”

Cô Ksor H’Đơi-giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ buôn Mơ Nai Trang-tâm sự: Thời điểm mở lớp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì phần lớn người không biết chữ đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và là lao động chính trong gia đình. Hàng ngày, bà con đi làm đến tối mịt mới về nên khó sắp xếp thời gian. Nhiều người lại bị chính người thân trong gia đình cấm cản với lý do “phải lên rẫy trồng bắp, trồng mì mới có cái ăn, chứ cái chữ làm sao giúp con mình no bụng được”. Giáo viên phải kết hợp già làng, trưởng thôn đến từng nhà vận động để bà con thấy được lợi ích của sự học mà đến lớp. Sau 3 tháng, học viên đã cơ bản thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần, nghe-viết những chữ đơn giản.

Cô Ksor H’Đơi hướng dẫn học viên lớp xóa mù chữ buôn Mơ Nai Trang tập viết. Ảnh: V.C

Cô Ksor H’Đơi hướng dẫn học viên lớp xóa mù chữ buôn Mơ Nai Trang tập viết. Ảnh: V.C

Ông Nguyễn Văn Tỉnh-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện: 2 lớp học xóa mù chữ tại xã Ia Piar được triển khai theo Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Chương trình gồm các môn học: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý; tổng thời lượng là 1.954 tiết. Học viên được hỗ trợ kinh phí, tài liệu học tập.

Song song với lớp học tại buôn Mơ Nai Trang là lớp xóa mù chữ ngay tại điểm chính Trường Tiểu học Lý Tự Trọng dành cho học viên các thôn, buôn còn lại của xã Ia Piar. Cô Nay HBen là người trực tiếp phụ trách lớp học này. Hơn 20 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên cô HBen đảm nhận giảng dạy lớp xóa mù chữ.

Cô trải lòng: “Sinh ra và lớn lên tại xã, tôi hiểu được sự thiệt thòi của người dân nơi đây khi không biết chữ. Vì vậy, tôi tự nhủ mang con chữ đến với bà con là trách nhiệm của bản thân mình. Mục tiêu của lớp học là dạy cho bà con biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản”.

Theo thầy Bùi Văn Thắng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp, phối hợp các thôn huy động học viên ra lớp, phân công giáo viên giảng dạy cũng như cán bộ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện. Nhà trường đang duy trì 2 lớp xóa mù chữ với 82 học viên.

Do chưa có tài liệu dạy học chính thức nên nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu đặt ra của chương trình. Học viên học vào các buổi tối lúc 19-21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, kéo dài trong 5 kỳ học (tương đương 20 tháng). Hầu hết học viên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường tích cực kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ bà con hoàn thành chương trình.

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

(GLO)- Để tiệm cận với giáo dục quốc tế và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ liên quan.
Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
Đồng thuận khi sáp nhập trường

Đồng thuận khi sáp nhập trường

Vụ việc phụ huynh phản đối sáp nhập trường xảy ra những ngày qua ở TT.Triệu Sơn (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho thấy còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm khi sắp tới còn nhiều nơi sáp nhập trường do sáp nhập đơn vị hành chính.
Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Xu thế tất yếu

Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Xu thế tất yếu

(GLO)- Học tập suốt đời (HTSĐ) từ lâu được thế giới đặc biệt quan tâm bởi đó nhu cầu tất yếu của con người và xã hội. Tại Việt Nam, chủ trương xây dựng xã hội học tập bắt đầu có từ năm 2001 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.