Nghiên cứu trồng xen canh trong vườn cà phê của Viện WASI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trồng xen đang là xu hướng đối với người dân trồng cà phê tại Tây Nguyên, đây là giải pháp kỹ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại hiệu quả môi trường.
Đó là khẳng định của TS Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) khi trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
 
TS Trần Vinh.
TS Trần Vinh cho biết: Từ trước đến nay, biện pháp kỹ thuật trồng xen trong vườn cà phê luôn được WASI khuyến cáo sử dụng trong sản xuất. Việc trồng xen các cây trồng phù hợp với cà phê cho phép đa dạng hóa nhiều sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập, hạn chế rủi ro về giá cả và biến động thị trường. Ngoài ra, cây trồng xen còn đóng vai trò che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây cà phê, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Khoảng 10 năm trở về trước, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khoảng 80% số hộ nông dân vùng Tây Nguyên không trồng cây che bóng cũng như không trồng xen các loại cây trồng khác trên vườn cà phê của mình. Nguyên nhân là do nông dân áp dụng phương thức thâm canh cao độ để đạt được năng suất cà phê cao nhất nhằm thu lại lợi nhuận trong một thời gian ngắn.
Hệ quả là chỉ sau một thời gian canh tác ngắn đa số các vườn cà phê không có cây che bóng, năng suất cao đã bị suy thoái, nhiều diện tích cà phê bị các loại bệnh phát sinh từ đất gây hại nghiêm trọng như bệnh vàng lá thối rễ dẫn đến nguy cơ thiếu tính bền vững đối với sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.
Hiện nay, việc trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế vào trong vườn cà phê vối là một giải pháp rất phù hợp và đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất. Các mô hình trồng xen trong vườn cà phê vối vừa tạo sản phẩm đa dạng vừa có những tương hỗ sinh học tốt, chứng minh được tính bền vững về mặt kinh tế và môi trường hơn hẳn so với cà phê trồng thuần trong điều kiện kinh tế và tự nhiên có nhiều biến động bất lợi.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng cây trồng xen trong vườn cà phê ở Tây Nguyên?
Như đã nói ở trên, trước đây, tuy có sản lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao nhưng phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên được trồng độc canh và được thâm canh cao độ. Điều này đã tiềm ẩn nhiều yếu tố kém bền vững.
Đặc biệt trong điều kiện thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra, tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu có thể gây nên những bất lợi cho sản xuất của ngành cà phê. Trong nhiều năm qua giá bán cà phê và giá bán một số loại cây trồng (sầu riêng, tiêu, bơ...) tăng giảm bất thường, làm ảnh hưởng tâm lý sản xuất của nhiều nông hộ.
Ngoài ra, theo các kết quả điều tra của WASI cho thấy rằng sau khoảng 10 năm thâm canh bằng con đường hóa học, năng suất bình quân cao (trên 4 tấn nhân/ha), đã làm cho vườn cà phê xuống cấp, sinh trưởng kém, cây bị vàng lá, khô cành và bị bệnh rễ.
Trong những năm gần đây, với việc tuyên truyền về biện pháp kỹ thuật trồng xen và nhu cầu phát triển của các cây trồng có giá trị kinh tế cao ngoài cà phê, diện tích trồng xen trong vườn cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên đáng kể, một số nơi đạt được tới 50% diện tích. Kết quả điều tra gần 1.000 hộ trồng xen của WASI cho thấy loại hình trồng xen phổ biến hiện nay là trồng xen đơn cây sầu riêng, cây hồ tiêu trong vườn cà phê, chiếm 72,5% số hộ điều tra.
 
Mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê cho thu nhập cao.
Chú ý mật độ hợp lý
Trồng xen mạng lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên trồng như thế nào để không ảnh hưởng đến năng suất cà phê thưa ông?

Cà phê vẫn phải được xem là cây trồng chủ lực trong các mô hình trồng xen hiện nay vì nó đã chứng minh tính hiệu quả và ổn định qua thời gian khá dài. Việc chọn cây trồng xen và mật độ phù hợp sẽ đem lại hiệu quả tùy theo từng thời điểm giá cả. Nếu trồng xen không đảm bảo mật độ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê. Theo các nghiên cứu cho cả chu kỳ kinh doanh cà phê, mật độ trồng xen trong cà phê nên được tính toán làm sao để năng suất cà phê vẫn phải đạt được trên 2 tấn nhân/ha. Qua nghiên cứu chúng tôi khuyến cáo người dân trồng xen với mật vừa phải khoảng 90 cây/ha đối với muồng đen, keo dậu Cuba, cây sầu riêng, bơ... mật độ này giúp ổn định và điều hòa năng suất qua các năm (2,92 – 3,67 tấn nhân/ha), điều này giúp người sản xuất cà phê hạn chế được rủi ro do sự biến động về giá cà phê.


Loại hình trồng xen bơ chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây, chiếm 8,5% số hộ điều tra. Cây điều trồng trên loại hình trồng xen đơn và loại hình hỗn hợp ít phổ biến hơn, chiếm gần 6% số hộ điều tra. Các loại hình trồng xen hỗn hợp nhiều loại cây có 13,1% số hộ điều tra, chủ yếu cũng là các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, tiêu, bơ.
Hiện nay các loại cây trồng xen trong thời kỳ kinh doanh của cây cà phê như sầu riêng, bơ... vừa làm cây che bóng cho cà phê vừa cho thu nhập là mô hình phổ biến nhất ở tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk.
Vậy hiệu quả kinh tế của việc trồng xen các loại cây ăn quả trên vườn cà phê ra sao thưa ông?
Theo kết quả nghiên cứu của WASI, khu vực Tây Nguyên hiện nay đang phổ biến 4 loại cây được trồng xen trên vườn cà phê là sầu riêng, bơ, tiêu, điều, lợi nhuận đều tăng cao so với trồng thâm canh một mình cây cà phê.
Cụ thể, lợi nhuận cao nhất là mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê với mức lời từ 102 - 233 triệu đồng/ha (tăng 76 - 299% so với vườn cà phê trồng thuần), trong đó mật độ cây trồng xen 9m x 9m cho lợi nhuận cao nhất và 12m x 15m lợi nhuận thấp nhất.
Tương tự, những mô hình trồng xen canh hồ tiêu trên vườn cà phê lời từ 107 - 162 triệu đồng/ha (83 - 178%); trong đó, trồng xen với mật độ 3m x 6m lời cao nhất và 6m x 9m lời thấp nhất.
Còn mô hình trồng bơ xen canh cũng mang lại nguồn lợi từ 81 - 117 triệu đồng/ha (tăng 39 - 120%) với lợi nhuận cao nhất ở mật độ 6m x 6m, thấp nhất 12m x 15m.
Riêng với mô hình điều xen canh cà phê thì mật độ 6m x 6m cho hiệu quả kinh tế thấp hơn trồng thuần, nhưng trồng với mật độ 12m x 12m lại thu lời 101 triệu đồng/ha (tăng 74%) và 15m x 15m lời 136 triệu đồng/ha (132%).
Việc trồng xen đem lại hiệu quả về môi trường ra sao thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên mặc dù năng suất cà phê trung bình ở các vườn không có cây che bóng hay cây trồng xen cao hơn so với vườn có trồng cây che bóng hoặc cây trồng xen, song không đáng kể chỉ khoảng 3,6%. Các nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy tại các vườn cà phê không có cây che bóng hay cây trồng xen các chỉ tiêu độ phì đất thấp hơn so với vườn cà phê có trồng cây che bóng.
Đất chua hơn, hàm lượng hữu cơ thấp hơn khoảng 1,87%, hàm lượng đạm tổng số thấp, lân dễ tiêu thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 33,7%, hàm lượng kali dễ tiêu thấp hơn 41,6% so với vườn trồng cây che bóng; hàm lượng các cation trao đổi thấp hơn, đặc biệt là CEC trong đất thấp hơn xấp xỉ 30%. Điều này khẳng định chắc chắn rằng nếu trồng cà phê không có cây che bóng thì khả năng suy giảm độ phì đất sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, việc trồng xen đã làm chu kỳ tưới nước cho cà phê kéo dài hơn do cây che bóng làm hạn chế được quá trình bốc thoát hơi nước, giữ ẩm cho đất, vì vậy lượng nước sử dụng sẽ giảm.
Ngoài ra, lá, cành rụng của các loại cây trồng xen cũng góp phần cải thiện tình trạng hữu cơ của đất, giúp đất tơi xốp và làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và nước. Trồng xen trong vườn cà phê đã làm tăng hiệu quả sử dụng nước 17,7%; để sản xuất 1 tấn cà phê chỉ cần 500 m3 nước, trong khi đó vườn cà phê trồng thuần cần tới 600 m3 nước. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Diện tích trồng xen đang tăng nhanh
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến cuối năm 2017, diện tích trồng xen các loại cây trồng trong vườn cà phê đạt 115.282ha/617.228ha cà phê cả nước. Trong đó tỉnh Lâm Đồng có 20.858ha trồng xen/158.624ha cà phê; tỉnh Đăk Nông có 37.766ha cây trồng xen/125.888ha cà phê; Đăk Lăk có 39.077ha trồng xen/203.000ha. 

Còn số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Đăk Lăk cho biết đến thời điểm hiện tại diện tích trồng xen trong vườn cà phê đã tăng lên gần 100.000ha, chiếm gần 50% diện tích cà phê toàn tỉnh, trong đó cây trồng xen chủ yếu là sầu riêng, bơ và hồ tiêu; tỉnh Gia Lai cuối năm 2017 mới có 764ha trồng xen đến thời điểm hiện tại diện tích mở rộng lên 2.339,1ha/94.900ha cà phê; tỉnh Kon Tum diện tích trồng xen đến nay đạt gần 2.000ha (khoảng 8 - 10% tổng diện tích cà phê hiện có của tỉnh).

Mai Phương-Kim Sơ (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.