Theo Science Alert, một nghiên cứu mới từ Trường Đại học Y khoa Duy Phường (Trung Quốc) dựa trên 15 thử nghiệm và 600 bệnh nhân cho thấy người lớn tuổi rất nên ra ngoài và tiếp xúc đủ với ánh nắng để duy trì sức khỏe và tuổi thọ.
Tiếp xúc ít phút với ánh nắng tự nhiên mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân Alzheimer chậm tiến triển bệnh, duy trì sức khỏe và tuổi thọ - Ảnh minh họa từ Internet |
Trong các thí nghiệm, bệnh nhân được tiếp xúc 30 phút với ánh sáng mô phỏng ánh nắng tự nhiên, nhằm kích thích một vùng não liên quan đến việc điều hòa giấc ngủ và cũng có liên quan đến các khía cạnh của bệnh Alzheimer.
Kết quả dựa trên phân tích dữ liệu của gần 600 bệnh nhân từ 7 quốc gia cho thấy các triệu chứng của bệnh Alzheimer có thể được giảm rõ rệt nhờ việc kích thích vùng não này.
Điều này cũng chỉ ra một "vòng luẩn quẩn" rất dễ gặp ở bệnh nhân mắc vấn đề nan y này: Người bị Alzheimer thường ít đi ra ngoài, và điều này vô tình khiến bệnh của họ dễ diễn tiến phức tạp hơn.
Trong khi đó đây vẫn là một căn bệnh không có thuốc điều trị dứt điểm, chỉ có một số thuốc ít ỏi vừa được phê duyệt có khả năng làm chậm diễn tiến bệnh ở người được phát hiện sớm, nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Vì vậy tận dụng các liệu pháp can thiệp tự nhiên - từ thói quen ăn uống, lối sống - để làm chậm diễn tiến bệnh là rất quan trọng.
Nghiên cứu này cho thấy ánh sáng tự nhiên giúp giảm đồng thời các vấn đề về giấc ngủ và triệu chứng tâm lý - hành vi ở người bệnh.
Bởi lẽ nếu thiếu tiếp xúc với ánh sáng, nhịp sinh học sẽ bị tàn phá, gây ra một loạt rắc rối từ thể chất tới tâm lý.
Trong đó tác động đến giấc ngủ là rất quan trọng bởi điều này phổ biến ở 70% bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu. Việc giấc ngủ thiếu chất lượng lại làm tăng nguy cơ bệnh nặng thêm, từ đó giảm tuổi thọ và chất lượng sống.
Tâm trạng chán nản và các hành vi kích động hay diễn ra ở người Alzheimer cũng được giảm bớt nhờ liệu pháp ánh sáng, do vậy giảm cả gánh nặng cho người chăm sóc.
Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ khác hiện đang xếp hàng thứ 7 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm.
Không chỉ gây giảm tuổi thọ, Alzheimer còn gây giảm chất lượng sống nghiêm trọng và là gánh nặng y tế lớn, ngày một gia tăng ở nhiều quốc gia ngày nay.