Nghề nuôi trồng thủy sản tại Phú Thiện: Tín hiệu khả quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tận dụng nguồn nước dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thâm canh trong ao. Mô hình đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Lợi nhuận cao

Ông Nguyễn Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) cho hay: Tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích 2.500 m2, lúc đầu, ông còn phân vân vì bản thân chưa có kinh nghiệm. Đây cũng là vật nuôi mới, chưa từng được nuôi thử nghiệm tại địa phương. Nhưng sau khi nghiên cứu tài liệu, thấy nuôi tôm nước ngọt có nhiều ưu điểm và được nhân viên kỹ thuật tư vấn, ông đã tham gia mô hình này.

“Dù đợt xuống giống đầu tiên chưa có nhiều kinh nghiệm khiến tôm chết nhiều song tôi vẫn thu hoạch được 7,5 tạ tôm. Với giá bán 210 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi 31 triệu đồng/1.000 m2 mặt nước. Nếu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, so với nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh có thể cho lợi nhuận gấp đôi. Đến nay, gia đình đã xuống giống đợt 2. Nếu kịp thu hoạch vào dịp Tết, giá bán tăng cao thì lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể”-ông Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) phấn khởi khi trọng lượng tôm đạt cao. Ảnh: Vũ Chi

Ông Nguyễn Đức Thắng (thôn Bình Trang, xã Ia Peng) phấn khởi khi trọng lượng tôm đạt cao. Ảnh: Vũ Chi

Anh Vũ Văn Thanh (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) cũng có 2.500 m2 ao trước đây chỉ nuôi cá trắm cỏ thương phẩm. Khi tham gia mô hình, anh thả khoảng 5 vạn con tôm giống. Sau 7 tháng nuôi, bình quân trọng lượng tôm đạt 18-20 con/kg. Anh Thanh phấn khởi cho hay: “Tôm to, chắc thịt và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Tôm thu hoạch bao nhiêu, người thân quen đặt hết bấy nhiêu. Lứa tôm đầu tiên, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 70 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần nuôi cá thương phẩm”.

Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

Ông Hồ Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thâm canh trong ao được triển khai từ tháng 12-2022 do UBND huyện Phú Thiện phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên diện tích 9.000 m2 tại 4 hộ thuộc các xã: Ayun Hạ, Ia Ake, Ia Sol và Ia Peng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là gần 442 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 315 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp. Sau 7 tháng triển khai, các hộ thu hoạch được 2.950 kg tôm thương phẩm. Trừ chi phí, người dân lãi bình quân 31 triệu đồng/1.000 m2, cao gấp 2,5 lần so với nuôi các loại thủy sản truyền thống.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm, thời điểm bắt đầu nuôi gặp thời tiết không thuận lợi, giá rét kéo dài từ cuối tháng 12-2022 đến tháng 2-2023 đã ảnh hưởng tới việc sinh trưởng và phát triển của tôm. Tỷ lệ tôm sống chỉ đạt gần 70% dẫn đến năng suất chưa cao. Bên cạnh đó, thủy lợi Ayun Hạ cắt nước từ ngày 30-4 đến 20-6 dẫn đến nguồn nước trong ao nuôi bị ô nhiễm khiến lượng tôm sống thấp hơn dự kiến. Rút kinh nghiệm từ lứa tôm đầu tiên, huyện khuyến cáo các hộ dân nên thả giống trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8, đồng thời phối hợp với công ty thủy nông đầu mối kênh chính để điều tiết nước hợp lý phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Các hộ dân phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh sau 7 tháng chăm sóc. Ảnh: V.C

Các hộ dân phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh sau 7 tháng chăm sóc. Ảnh: V.C

Phú Thiện có diện tích ao nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh với hơn 370 ha và có lòng hồ Ayun Hạ với nguồn nước dồi dào. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Tuấn, mô hình nuôi tôm càng xanh đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Thành công từ mô hình thí điểm là cơ sở để huyện nhân rộng diện tích nuôi tôm trong thời gian tới cũng như triển khai thêm nhiều mô hình mới nhằm vực dậy ngành nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Trao đổi với P.V, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Thế Nhân-Trưởng bộ môn Kỹ thuật Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Sau khi khảo sát điều kiện khí hậu, nguồn nước của huyện Phú Thiện, Khoa Thủy sản quyết định hỗ trợ huyện triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao. Lý do chọn tôm càng xanh toàn đực là bởi bình quân 1 con tôm càng xanh đực có trọng lượng gấp 3 lần con cái nên sản lượng cao hơn hẳn. Qua thực tế nuôi cho thấy, mô hình đạt kết quả khả quan, kích cỡ tôm thương phẩm tương đương với con tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với mô hình này, chúng tôi đang nghiên cứu triển khai thêm một số mô hình khác như nuôi cá lăng, cá rô phi Na Uy. Đây là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Mục tiêu là đưa Phú Thiện trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản, cung cấp sản phẩm thủy sản tươi sống cho thị trường Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.