Nghề bưu tá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bưu tá là nghề mà dẫu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đạt đến thành tựu nào cũng không thể số hóa tất cả để thay thế. Hoạt động của họ chuyên nghiệp, thời gian làm việc đúng chế độ Luật Lao động hiện hành 8 giờ/ngày, dưới sự quản lý và điều hành của ngành Bưu điện.
Công việc của nhân viên bưu điện là thực hiện nhiệm vụ nhận hàng, đóng gói, phân loại sản phẩm, kiểm hàng; chuyển hàng tới các nơi trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn Gia Lai, thông qua Bưu điện tỉnh, bưu phẩm các loại (gọi chung cho cả thư, báo, công văn, bưu kiện…) được tập kết tại Trung tâm khai thác vận chuyển (150 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) rồi tỏa đi các huyện, tỉnh thành cả nước. Riêng bưu phẩm trong nội thành được chuyển về Bưu cục phát (số 07C đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku). Từ đây, bưu tá phụ trách theo địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát bưu phẩm đến người nhận.
Người dân đã quen thuộc với hình ảnh bưu tá nhờ vào bộ đồng phục màu vàng và xe máy theo chuẩn thương hiệu của ngành Bưu điện: trên xe máy có hộp vuông khá lớn, treo phía dưới hai bên hộp vuông lớn có 2 hộp vuông nhỏ. Cả xe và hộp đều màu vàng, có in logo ngành Bưu điện. Tại địa bàn TP. Pleiku có 41 bưu tá được phân công phụ trách theo từng khu vực. Buổi sáng, bưu tá có mặt tại Bưu cục phát lúc 6 giờ 30 phút, hội ý đầu giờ cùng với lãnh đạo Bưu cục phát, làm các thủ tục nhận bưu phẩm, hàng hóa, đến 7 giờ 20 phút thì tỏa đi. Cuối mỗi buổi, họ quay về cơ quan giao trả tiền và chứng từ cho các bộ phận liên quan, người nộp muộn nhất phải trước 19 giờ hàng ngày.
Ông Nguyễn Cường-Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: “Những cung đường có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, mật độ nhà cửa dày, thường xuyên có người ở nhà để nhận bưu phẩm thì bưu tá đỡ mất thời gian, công sức mà thu nhập (theo sản phẩm) lại tốt hơn. Để đảm bảo công bằng giữa các tuyến phát, Bưu điện tỉnh cũng quan tâm đến việc luân chuyển địa bàn, bố trí thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động của bưu tá, bưu phẩm vẫn kịp thời đến với khách hàng”.
Hình ảnh thân thuộc của người bưu tá. Ảnh: Đình Phê
Hình ảnh thân thuộc của người bưu tá. Ảnh: Đình Phê
Cũng theo ông Cường, Bưu điện Việt Nam luôn quan tâm và chăm lo lực lượng bưu tá như: đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trang bị phương tiện chuyên dùng và hỗ trợ các chi phí, chế độ làm thêm giờ ngày thứ bảy, chủ nhật. Bưu điện tỉnh thường xuyên mở các lớp đào tạo bưu tá chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện để anh chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như tăng thu nhập.
Bưu tá là nghề không phân biệt giới tính, độ tuổi. Đặc thù của nghề dành nhiều thời gian rong ruổi trên các tuyến đường, thôn xóm, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai, nhanh nhẹn và cẩn thận. Bên cạnh đó, bưu tá thường tiếp xúc nhiều người cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tính đa dạng đối tượng giao tiếp đòi hỏi họ phải khéo léo trong ứng xử, có đức tính nhẫn nại đến mức chịu đựng mới mong làm việc được lâu dài. Anh T.N.T. vừa nghỉ hưu sau 37 năm trong nghề bưu tá tâm sự: “Lễ phép dạ/thưa là từ cửa miệng khi tiếp xúc với khách hàng. Dù lúc nào mình cũng vội mà không được phép tỏ thái độ phản ứng với khách hàng, kể cả khi họ hạch sách, từ chối nhận hàng”.
Ăn lương theo sản phẩm và thời gian hoàn thành công việc phát đối với từng bưu phẩm nên có những bưu phẩm phát không đạt chỉ tiêu về thời gian thì bưu tá không được hưởng 100% công phát bưu phẩm đó. Chị N.T.K.L. (32 tuổi, thâm niên 3 năm trong nghề) cho biết: “Tôi phụ trách phát bưu phẩm ở các cung đường Quang Trung, Lê Duẩn, Lê Văn Tám, Huyền Trân Công Chúa (TP. Pleiku). Là cư dân thành phố nên tôi thông thuộc đường đi lối lại. Tuy nhiên, đôi lúc tôi vẫn gặp những khó khăn “phát sinh” như địa chỉ nhận hàng theo số nhà cũ/mới, người đặt mua/nhận hàng không theo địa chỉ ghi trên bưu phẩm; hẹn gặp lại vắng nhà; gặp rồi nhưng chưa có tiền trả nên hẹn tiếp; có người không nhận yêu cầu, phải chuyển hoàn về cho người gửi… Thế là tiền công phát bị giảm mà chi phí xăng xe đi lại, điện thoại lại tăng”.
Dẫu rằng, công việc chịu nhiều áp lực, thu nhập dao động chỉ từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, nhưng người bưu tá vẫn tận tụy, cần mẫn rong ruổi trên những cung đường để bưu phẩm đến tay người nhận nhanh nhất có thể. Bởi họ yêu nghề!
ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.