Người bưu tá làng Hrang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù nắng mưa dãi dầu, thời chiến hay thời bình, người bưu tá ấy vẫn cùng chiếc xe đạp rong ruổi trên khắp vùng biên giới để mang niềm vui đến cho mọi nhà. Ông là Rơ Châm Ngót (SN 1956)-Trưởng thôn Hrang (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai). 
Ngày ngày, trên những con đường láng nhựa, bê tông hay gồ ghề đất đá, người dân xã Ia Kriêng vẫn thấy bóng dáng ông Ngót trên chiếc xe đạp đã tróc sơn cũ kỹ. Hình ảnh ông Ngót-người trưởng thôn thân thiện của làng Hrang-lâu nay đã được mặc định cùng chiếc xe đạp ấy. Người Ia Kriêng kháo nhau rằng, chưa từng ai nhìn thấy ông Ngót ngồi trên một chiếc xe máy. Họa hoằn lắm là khi ông ngật ngưỡng sau những cuộc rượu và được đám con cháu chở về. Ông Ngót với chiếc xe đạp bỗng trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương và đầy chất lính.
 Hàng ngày, ông Rơ Châm Ngót vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp để chuyển thư từ.   Ảnh: L.V.N
Hàng ngày, ông Rơ Châm Ngót vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp để chuyển thư từ. Ảnh: L.V.N

Ông Rơ Châm Ngót sinh ra trên mảnh đất Hrang giàu truyền thống cách mạng. Những năm bom đạn, thanh niên trong làng hăm hở đi bộ đội, riêng ông Ngót lại có một niềm đam mê khác. Trong những buổi rong ruổi kiếm cái ăn giữa rừng, theo cha anh vào rừng săn bắt, ông Ngót đã quá tận tường núi rừng nơi biên viễn này. Thế rồi ông gặp những người lính giao liên trên đường công tác và ngày một thêm cảm phục sự gan dạ, dũng cảm của họ. Năm 1973, khi vừa tròn 17 tuổi, ông chính thức được thỏa ước mơ làm nhiệm vụ cách mạng giữa vùng rừng núi với “cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt”. 

Bởi vậy, thật dễ hiểu khi ông Rơ Châm Ngót sớm trở thành một giao liên thiện nghệ. Mỗi lần được giao nhiệm vụ đưa thư, đưa tài liệu, đôi chân trần của ông trải khắp các con đường mòn, vượt hàng chục cây số, dầm mưa dãi nắng. Nhưng ông chưa một ngày nản chí. Mỗi lần mệt nhọc, thậm chí đói lả, phải tìm quả rừng lót dạ, ông lại nghĩ đến sự quả cảm của những người chiến sĩ nơi tiền phương hoặc chiến thắng của bộ đội ta mà thêm vững bước chân.

Ông Lê Văn Thịnh-Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng: “Ông Ngót khá đặc biệt, chỉ đi xe đạp đến các thôn, làng để chuyển thư. Ông là người giản dị, dễ gần, được dân làng quý mến. Là Trưởng thôn, ông luôn làm tốt công tác của mình, khi ông nói thì dân làng đều tin tưởng và nghe theo. Đó chính là lợi thế trong công tác dân vận, giúp xã triển khai các chính sách, hoạt động đến cơ sở tốt hơn”. 

Nguy hiểm và vất vả nhất vẫn là việc dẫn đường cho cán bộ đến điểm tập kết hoặc khu căn cứ. Trên mỗi chặng đường, ông đều phải đối mặt với nguy cơ bị địch gài mìn mai phục. Nhưng với kinh nghiệm đường rừng cùng sự gan dạ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chưa một lần người giao liên làng Hrang gặp khó. “Có những lần đi cả ngày, cả đêm không ngừng nghỉ để kịp giao tài liệu, kịp dẫn quân nhưng sao mình vẫn không thấy mệt. Cả vùng Chư Prông, Đức Cơ rộng lớn bấy giờ mình đều đã đi qua, đi nhiều nên càng cảm thấy yêu quê hương mình hơn”-ông Ngót tâm sự. 
Sau giải phóng, ông Ngót làm bưu tá. Ông kể, năm 1977, khi còn công tác tại huyện Ayun Pa (cũ), ông được giao cho một chiếc xe đạp Phượng Hoàng-phương tiện đã trở thành “huyền thoại” một thời. Hình ảnh người bưu tá với chiếc xe đạp có lẽ là ước mơ lớn nhất cuộc đời ông. Nên từ ấy, ông yêu chiếc xe như đứa con của mình. Những ngày trở về quê hương Ia Kriêng (năm 1983), ông Ngót được xem như một “thần tượng” đáng ngưỡng mộ với chiếc xe Phượng Hoàng. Điều ấy càng thôi thúc tình yêu nghề trong ông, nên dẫu chỉ với đồng lương “ba cọc, ba đồng”, ông vẫn luôn là một bưu tá cần mẫn. 
Thấm thoắt đã 46 năm trôi qua. Trong quãng thời gian dài hơn nửa đời người ấy, ông Ngót đã làm bạn với 4 chiếc xe đạp, thay hàng trăm chiếc lốp xe, rong ruổi qua hàng ngàn cây số. Đổi lại, trong ngôi nhà nhỏ của ông ở làng Hrang có những món quà quý giá. Đó là tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Kỷ niệm chương Giải phóng Tây Nguyên cùng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành bưu tá Việt Nam…
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm