(GLO)- Đến thôn Plei Tăng A (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự đổi thay nơi đây. Các tuyến đường được mở rộng và bê tông hóa, cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp.
Ông Đoàn Văn Dương-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: Thôn có 219 hộ/987 khẩu, trong đó người Jrai là 140 hộ/628 khẩu. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng 255,8 ha, chủ yếu là mía, mì, lúa...
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thôn còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: môi trường, hộ nghèo, thu nhập. Song, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực, đoàn kết của người dân, cuối năm 2020, thôn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Bà Phạm Thị Soa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ake-trao đổi: Đầu năm 2020, Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề với quyết tâm đưa Plei Tăng A về đích nông thôn mới vào cuối năm. Mục tiêu là tập trung kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, xóa nhà tạm.
Để giảm hộ nghèo từ 18 xuống còn 12 hộ vào cuối năm 2020, xã đã thành lập tổ công tác phối hợp với thôn rà soát và nắm bắt tình hình cụ thể, từ đó hỗ trợ về giống, vốn, giúp các hộ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, rà soát, vận động những người trong độ tuổi lao động xin vào làm công nhân tại các doanh nghiệp. Năm 2020 có 142 lao động tại địa phương làm hồ sơ xin việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
|
Được xã hỗ trợ 8 tấm tôn, bà Kpuih Tuyết (thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake) đã di dời chuồng nuôi nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. Ảnh: Anh Huy |
Trước đây, nhiều hộ dân vẫn còn thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Để vận động người dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, làm hàng rào, nhà vệ sinh, thu gom rác thải… các đoàn thể vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, xã hỗ trợ tôn để làm chuồng trại, trụ bê tông làm hàng rào.
Bà Kpuih Tuyết chia sẻ: “Lúc trước, nhà mình nhốt 6 con bò ngay dưới gầm nhà sàn. Được địa phương hỗ trợ 8 tấm tôn, mình đã làm chuồng mới cách xa nhà và dọn dẹp sạch sẽ gầm cầu thang để có chỗ cho các cháu vui chơi. Nhờ làm chuồng nuôi nhốt, mình còn tận dụng được phân bò để bón cho 1 ha mì và 5 sào lúa”.
Sau khi được các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, bà Tuyết cũng là một trong những hộ đi đầu dời hàng rào, hiến đất để mở rộng đường giao thông.
Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân cũng từng bước cải thiện với mức thu nhập bình quân đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, khoảng 50% số hộ dân tộc thiểu số đạt mức thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.
Anh Ksor Ri Na nói: “Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nên mình có thêm nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất. 2 ha mì năm vừa rồi mình thu về 50 triệu đồng, còn 7 sào lúa mỗi vụ thu gần 35 triệu đồng. Đợt này mình dành hơn 10 triệu đồng xây nhà tắm, nhà tiêu tự hoại”.
|
Anh Ksor Ri Na (thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake) dành hơn 10 triệu đồng xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: Anh Huy |
Đến nay, Plei Tăng A không còn nhà tạm, nhà dột nát; tất cả các trục đường trong thôn đều được bê tông hóa, cứng hóa; đường nội đồng cũng được cứng hóa đến 80%; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; không còn tình trạng nhốt gia súc dưới gầm sàn...
Riêng việc thu gom rác thải, thôn bố trí 6 thùng rác tại các vị trí có đông dân cư để tiện việc thu gom, xử lý. Đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, người dân lại tập trung quét dọn, thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh để đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp.
ANH HUY