Ngày làm việc cuối cùng kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thảo luận nhiều vấn đề cấp bách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 8-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng. Các đại biểu đã nghe thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ; đồng thời tiến hành thảo luận chung tại hội trường; lãnh đạo một số sở, ngành giải trình nhiều vấn đề cấp bách được đại biểu quan tâm tại kỳ họp.

Nhiều ý kiến trọng tâm

Qua 1 ngày sôi nổi thảo luận, các đại biểu đã đóng góp 72 lượt ý kiến tham gia vào nội dung các báo cáo và tờ trình tại kỳ họp. Đa số các ý kiến đánh giá cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, đã tổ chức thành công 2 kỳ họp để giải quyết các công việc cấp bách, quan trọng của tỉnh; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ hoạt động của HĐND cấp huyện, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp cơ sở.

Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Đức Thụy


Bên cạnh đó, các đại biểu thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận, đánh giá nhiều nội dung quan trọng và tồn tại vướng mắc trên các lĩnh vực. Đối với kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chỉ ra để xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả hơn.

Tại phiên thảo luận tổ, một số ý kiến cho rằng tiến độ thực hiện Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực miền Trung, Tây Nguyên”-nâng cấp quốc lộ 19 triển khai thi công chậm, mương hai bên đường có đoạn đào sâu, có đoạn đắp cao làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, mất an toàn giao thông, gây khó khăn đến đời sống của Nhân dân, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn. Đề nghị Sở Giao thông-Vận tải có ý kiến để đơn vị thi công có giải pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

 Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku bàn về công tác tghu ngân sách. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku bàn về công tác thu ngân sách. Ảnh: Đức Thụy


Liên quan đến công tác thu ngân sách được các đại biểu quan tâm tại kỳ họp lần này, đại biểu Trịnh Duy Thuân-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku-cho rằng: Thu ngân sách của các địa phương trong 6 tháng đầu năm nay cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, thu tiền sử dụng đất vẫn chưa đạt, nhất là thu từ các dự án của tỉnh, dẫn đến việc cân đối cho đầu tư gặp nhiều khó khăn.

“Về điều này có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn vẫn là do giá đất tăng cao nên công tác giải tỏa bồi thường khó khăn, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chậm. Đề nghị tập trung tháo gỡ các khó khăn, giải quyết vướng mắc trong đấu giá đất để có thể khai thác được nguồn thu này. Về phía TP. Pleiku cũng đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án vào đấu giá sớm để tăng nguồn thu cho ngân sách”-đại biểu Trịnh Duy Thuân kiến nghị.

Trước ý kiến của các đại biểu về một số công trình điện mặt trời đã thực hiện đúng các tiêu chí, yêu cầu, hướng dẫn của Sở Công thương nhưng chưa được Công ty Điện lực Gia Lai chi trả tiền điện, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Công ty Điện lực Gia Lai làm rõ lý do, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các công ty, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá thực trạng, kiểm tra đánh giá cụ thể hoạt động của việc xây dựng phát triển điện mặt trời (điện áp mái), nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương trả lời ý kiến của các đại biểu về một số công trình điện mặt trời. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh trả lời ý kiến của các đại biểu về một số công trình điện mặt trời. Ảnh: Đức Thụy


Trả lời ý kiến này, -Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: Đoàn kiểm tra do Sở Công thương chủ trì đã kiểm tra 441 hệ thống điện mặt trời mái nhà (có công suất từ 500kWp trở lên) thuộc địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót của chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai khắc phục các tồn tại liên quan đến việc triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Binh, đến nay (sau gần 11 tháng), một số chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà vẫn chưa khắc phục các tồn tại, mặc dù Sở đã 5 lần đề xuất UBND tỉnh cho gia hạn thời gian khắc phục các tồn tại, thiếu sót. Tiếp đến, Tổng Công ty Điện lực miền Trung có văn bản gửi các Công ty điện lực các địa phương duyên hải miền Trung và Tây nguyên về việc dừng, không thanh toán đối với các dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà không đảm bảo quy định.

“Việc thanh toán, dừng hoặc không thanh toán tiền mua điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà Công ty Điện lực Gia Lai căn cứ vào quyền của bên mua điện trong Hợp đồng mua bán điện đã ký để thực hiện nên không phải xin ý kiến và xác nhận từ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng”-Giám đốc Sở Công thương khẳng định.

Phân tích, làm rõ một số nội dung

Trong phần thảo luận tại hội trường, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng được các đại biểu đưa ra phân tích, làm rõ. Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa cho rằng, tỉnh cần rà soát thực tế các đối tượng thụ hưởng, tính toán cân đối nguồn kinh phí giao về cho địa phương ngay từ đầu năm 2023.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thọ: Năm 2022, UBND tỉnh phân bổ không đủ kinh phí cho các địa phương để thực hiện Nghị quyết số 136 và Nghị quyết số 285 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa cho rằng để thực hiện Nghị quyết số 136 và Nghị quyết số 285 của HĐND tỉnh cần phải xem xét, cân đối. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cho rằng để thực hiện Nghị quyết số 136 và Nghị quyết số 285 của HĐND tỉnh cần phải xem xét, cân đối. Ảnh: Đức Thụy


“Đa số các huyện, thị xã, thành phố gặp nhiều khó khăn trong thu ngân sách, không có nguồn tăng thu để bố trí kinh phí. Một số địa phương chỉ cân đối được 30% ngân sách dự phòng, các đơn vị còn lại không cân đối được nguồn”-đại biểu Nguyễn Hữu Thọ nhận định.

Đối với một số ý kiến cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều, vai trò, trách nhiệm của lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng rất lớn, phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong khi biên chế, chế độ cho lực lượng kiểm lâm chưa đảm bảo… dẫn đến lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng đã bỏ việc nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý rừng. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chính sách đặc thù và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc cần thiết cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Đại biểu Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-lý giải: Lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn mỏng trong khi vai trò trách nhiệm làm công tác quản lý bảo vệ rừng là rất lớn. Công chức kiểm lâm hiện có 336/363 chỉ tiêu được giao, thiếu 27 biên chế. Viên chức quản lý bảo vệ rừng hiện có 375/426 chỉ tiêu được giao, thiếu 51 biên chế. Lực lượng bảo vệ rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp hiện có 173/195 chỉ tiêu theo phương án được phê duyệt, thiếu 22 chỉ tiêu.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều. Ảnh: Đức Thụy
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều. Ảnh: Đức Thụy


“Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; chế độ đãi ngộ còn thấp, họ còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm dẫn đến lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng đã bỏ việc nhiều. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp, chế độ kịp thời để thu hút nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ rừng; đồng thời, nghiên cứu có chính sách đặc thù và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc cần thiết cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng”-ông Nghĩa kiến nghị.

Làm rõ thêm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đại biểu Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư-cho biết: Tính đến ngày 1-7-2022, giá trị giải ngân đạt 844,957 tỷ đồng, đạt 23,12% kế hoạch vốn đã giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ quan là do chậm giao vốn kế hoạch năm 2022; công tác triển khai thủ tục các công trình khởi công mới; giải phóng mặt bằng chậm. Trong đó, nhiều dự án đang khảo sát, lập thiết kế, dự toán và triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh quy mô dự án vì đơn giá vật liệu đầu vào tăng của các chủ đầu tư chậm…

Thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy
Thư ký kỳ họp Vũ Tiến Anh báo cáo kết quả thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy



Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, Sở Tài chính tìm nguồn vốn ứng trước để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các công trình sử dụng nguồn sử dụng đất; các sở, ngành liên quan tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, phối hợp với các đơn vị làm chủ dự án đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện dự án; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho từng công trình, dự án. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình, dự án; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành.

Chiều 8-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII bước vào phiên bế mạc với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi nghe UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua các nghị quyết trình kỳ họp.


Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
 

MINH DUNG

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.