Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai: Tập trung nguồn lực hỗ trợ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Gia Lai tập trung giải ngân nhanh các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao năm 2022 và kế hoạch tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Nguồn lực căn bản giúp xóa đói giảm nghèo
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, NHCSXH-Chi nhánh tỉnh đã cho vay hơn 933 tỷ đồng với 25.172 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường... Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng thực sự là đòn bẩy tích cực, trợ giúp bà con phục hồi sau đại dịch. Là một trong số bà con nghèo được NHCSXH trao “cần câu” để tự tay gầy dựng sinh kế, bà Rah Lan H’Toan (làng Tao Rong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định vì ai thuê gì thì làm nấy. Để ổn định đời sống, tôi được chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn giới thiệu vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Sê để nuôi 4 con bò. Bây giờ, có bò, có vốn trong tay, tôi còn được hướng dẫn cách chăm sóc, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Tôi phấn khởi vô cùng”.
Tương tự, nhiều bà con được nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp sức trong những năm qua đã cho kết quả tích cực. Ông Rơ Châm Khưch (làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) vui vẻ cho biết: “Từ năm 2018, tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Păh cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo để đầu tư chăm sóc 0,8 ha cà phê. Sau đó, tôi còn được vay thêm 20 triệu đồng để xây công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, tôi đã phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập để trả hết nợ ngân hàng, còn thoát nghèo. Vừa qua, tôi mạnh dạn vay thêm vốn của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Păh để mua thêm 0,4 ha cà phê, phát triển sản xuất”.
Quang cảnh Hội nghị triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca
Quang cảnh hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca
Không chỉ là nguồn lực căn bản giúp bà con xóa đói giảm nghèo, một số chương trình tín dụng chính sách thực sự là cánh tay đắc lực góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều bà con đã có sẵn tư liệu sản xuất nhưng đang cần vốn đầu tư. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Vũ (làng Phăm Ngol, xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Ông Vũ chia sẻ: “Nguồn sinh kế của gia đình tôi là mấy sào cà phê nên làm có dư chút đỉnh là tôi mua phân bón đầu tư, chăm sóc. Đầu năm 2022, tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Sê tạo điều kiện giải ngân 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư trồng 0,9 ha cà phê, thời gian vay cũng phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp”.
Xuyên suốt hành trình tín dụng chính sách, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Song song, tập trung triển khai các giải pháp đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn do đại dịch. Trao đổi về nội dung này, ông Trần Thanh Nghị-Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Păh-cho biết: “Thời gian qua, Phòng Giao dịch đã triển khai các giải pháp đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn như hỗ trợ giảm lãi suất, tăng mức vốn cho vay, cho vay bổ sung, gia hạn nợ... Đồng thời, tập trung triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm nguồn vốn để đầu tư phục hồi kinh tế”.
Tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Song song với kế hoạch tín dụng được giao năm 2022, NHCSXH tỉnh được giao thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Với tinh thần chủ động triển khai đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, UBND cấp xã tổ chức rà soát đối tượng, đăng ký nhu cầu vốn đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, tham mưu kịp thời UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, NHCSXH đã phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, hướng dẫn tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thành các thủ tục hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai cho vay.
Thông tin về công tác phối hợp triển khai, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Sở đã phối hợp với NHCSXH tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình nhu cầu vốn cho vay để giải quyết việc làm trên địa bàn”. Có thể thấy rõ, trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là vấn đề việc làm và tạo việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch, người lao động bị mất việc làm. Do đó, nhu cầu vốn vay để giải quyết việc làm trên địa bàn là rất lớn, NHCSXH tỉnh đã kịp thời triển khai cho vay, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân, giúp người dân có thể tiếp tục lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nguồn vốn các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giúp người dân phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Sơn Ca
Nguồn vốn các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giúp người dân phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Sơn Ca
Đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được 47,48 tỷ đồng với 1.028 lượt khách hàng vay vốn. Cụ thể: Cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP là 42,68 tỷ đồng (đạt 85% so với kế hoạch vốn vay được giao), cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 4,12 tỷ đồng (đạt 8% kế hoạch vốn vay được giao), cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến 680 triệu đồng (đạt 97% kế hoạch vốn vay được giao).
Ông Lê Văn Chí-Giám đốc NHCSXH tỉnh-cho biết thêm: “Với tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP là triển khai đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra sai sót, tránh trục lợi chính sách, NHCSXH tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để giải ngân ngay sau khi được Trung ương phân bổ vốn. Đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 3 chương trình tín dụng được Trung ương phân bổ vốn là cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Trong tháng 5 này, NHCSXH tỉnh sẽ giải ngân dứt điểm nguồn vốn của 3 chương trình này. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cho vay các chương trình khác theo Nghị quyết số 11/NQ-CP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).