Ngăn chặn tình trạng vượt biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp có ý định vượt biên ra nước ngoài.
Dưới cái nắng của tháng ba Tây Nguyên, trong căn nhà sàn đơn sơ, anh Nay Si (SN 1992, buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) kể chúng tôi nghe về chuyện buồn của gia đình.
Đầu năm 2018, Si nghe lời kẻ xấu, bỏ mặc vợ con, dẫn theo bố mẹ là ông Ksor Blôm và bà Nay H’Bưh tìm đường vượt biên sang Campuchia với ý định trốn qua nước thứ ba để hưởng cuộc sống giàu sang mà không phải lao động. Chi phí phải trả cho người dẫn đường là 45 triệu đồng. Đó là số tiền được các thành viên trong gia đình dành dụm, gom góp từ những ngày lao động vất vả tại quê nhà.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến đất Thái Lan, họ mới nhận ra cuộc sống nơi thiên đường là không có thật. Sống trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, họ bơ vơ, lạc lõng vì không biết tiếng bản địa và sợ bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về tội nhập cư bất hợp pháp. Áp lực kinh tế đè nặng trên đôi vai Nay Si khi phải gồng gánh lo miếng cơm, manh áo nơi xứ người. Những ngày may mắn có việc làm thì với đồng lương rẻ mạt (200 Baht Thái/ngày/người, tương đương 180.000 đồng) chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Cuộc sống tù túng, bữa no, bữa đói càng khiến căn bệnh của bà Nay H’Bưh trở nặng.
Nhớ lại quãng thời gian sống tại Thái Lan, Nay Si ân hận: “Cuộc sống bên đó rất khổ, không có việc làm ổn định, cơm không đủ ăn. Tháng 4-2019, vì nhớ vợ con nên tôi dành dụm được ít tiền để quay về. Bố mẹ cũng muốn về cùng nhưng không đủ tiền nên phải ở lại sống nương nhờ người quen. Bây giờ, gia đình tôi rất lo, không biết phải làm cách nào để đưa ông bà về quê hương”.
Cán bộ Công an huyện Phú Thiện thăm hỏi, động viên anh Nay Si (thứ 2 từ trái sang; buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake). Ảnh: Lê Ánh
Cán bộ Công an huyện Phú Thiện thăm hỏi, động viên anh Nay Si (thứ 2 từ trái sang; buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake). Ảnh: Lê Ánh
Ngày Nay Si trở về, người vui nhất là chị Ksor H’Hà Bích Thủy. Giận chồng nhẫn tâm rời bỏ vợ con nhưng khi trò chuyện trên Facebook, biết được cuộc sống khổ cực của gia đình bên Thái Lan nên chị Thủy thường xuyên động viên chồng quay về. Sau hơn 2 năm, với sự giúp đỡ tích cực của Công an huyện Phú Thiện và chính quyền xã Ia Ake, cuộc sống gia đình Nay Si từng bước ổn định với 2 sào lúa nước, 3 sào mì và mua được gia súc. Cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc khi đầu tháng 1-2022, họ đón thêm đứa con trai kháu khỉnh.
Anh Ksor Bắp-Trưởng thôn Plei Glung Mơ Lan-chia sẻ: “Những người vượt biên trở về quê thường mang tâm lý mặc cảm, ngại giao tiếp và có đời sống kinh tế khó khăn. Nắm bắt được điều đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an đến nhà động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm cách tháo gỡ”.
Với quyết tâm không để ai rơi vào tình cảnh như gia đình Nay Si, lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã ngăn chặn kịp thời hành vi vượt biên của một số người dân trong xã. Đầu năm 2019, 5 người trong gia đình anh Kpăh Pôl (buôn Plei Lôk, xã Ia Ake) nghe theo kẻ xấu xúi giục, gom góp tài sản được 165 triệu đồng chuẩn bị vượt biên. Nắm được thông tin, các trinh sát phối hợp với hệ thống chính trị thôn thường xuyên đến nhà anh Pôl tuyên truyền, giải thích, chỉ rõ hành vi vượt biên là vi phạm pháp luật nên gia đình đã hiểu ra và từ bỏ ý định.
Anh Kpăh Pôl tâm sự: “Người ta lừa phỉnh là cuộc sống ở nước ngoài sung sướng hơn Việt Nam nên chúng tôi định trốn đi. May mà cán bộ Công an nói cho mình hiểu chứ không giờ này chắc là hối hận lắm. Bây giờ nhìn lại trong buôn nhiều người từng vượt biên rồi tìm cách trở về. Nghe họ kể cuộc sống bên đó mới thấy bọn xấu tuyên truyền trên mạng đều là lừa đảo, mục đích lấy tiền mình thôi. Mong bà con đừng tin lời bọn chúng”.
Những năm qua, lãnh đạo Công an huyện Phú Thiện đã chỉ đạo Đội An ninh tăng cường trinh sát bám, nắm địa bàn, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không bị lợi dụng, móc nối, lôi kéo vượt biên ra nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tranh thủ người uy tín, chức sắc tôn giáo tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, nhất là phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Trung tá Mã Ngọc Lâm-Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Phú Thiện) cho biết: “Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, Đội An ninh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp có ý định vượt biên. Đặc biệt, những người từng vượt biên trở về địa phương đã hòa nhập cộng đồng, cùng lực lượng Công an chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống khó khăn, khổ cực tại Thái Lan, Campuchia, giúp bà con nhận rõ bản chất lừa phỉnh của số đối tượng xấu và hệ lụy của hành vi vượt biên”.
LÊ ÁNH - NGUYỄN HỮU

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.