Thu giữ hơn 10 tỷ đồng tiền lừa đảo
Theo Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), thời gian gần đây đơn vị liên tục tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm của công dân trình báo bị các đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ và sự phối hợp kịp thời của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, từ năm 2024 đến nay, lực lượng Công an đã phong tỏa, tạm giữ hơn 10 tỷ đồng trong tài khoản của các đối tượng lừa đảo. Con số này chiếm khoảng 1/5 tổng số tiền lừa đảo trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như vụ việc anh Đ.V.L. (trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku) bị lừa đảo số tiền gần 1 tỷ đồng vào ngày 15-3-2025. Trước đó, anh L. đã mượn tiền của một người bạn tên T. để làm ăn. Đến ngày 15-3, anh L. nhận được tin nhắn từ tài khoản Telegram của anh T. đòi lại số tiền đã cho anh L. mượn. Không mảy may nghi ngờ, anh L. đã chuyển cho tài khoản có tên “NGUYEN MINH CUONG” tại Ngân hàng ACB số tiền gần 1 tỷ đồng.
“Sau khi gửi tiền, tôi gọi bằng điện thoại cho anh T. để báo mình đã trả số tiền rồi thì mới biết anh T. không nhắn tin để yêu cầu trả tiền. Sau đó, anh T. phát hiện bị đối tượng xấu hack tài khoản Telegram mà không hề hay biết. Sau khi trình báo vụ việc, lực lượng Công an đã kịp thời phối hợp cùng Ngân hàng ACB phong tỏa được toàn bộ số tiền trong tài khoản”-anh L. chia sẻ.
Trước đó vào tháng 4-2024, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng tạm giữ số tiền 1,5 tỷ đồng của chị N.T.V. (trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku). Bằng hình thức lừa đảo làm định danh mức 2, các đối tượng đã dụ dỗ chị V. cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo.
Trong quá trình cài đặt, các đối tượng gọi video cho chị V. với mục đích sử dụng khuôn mặt của chị để xác thực sinh trắc học rồi chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng. Từ đây, các đối tượng đã chuyển toàn bộ số tiền 1,5 tỷ đồng của chị V. nhưng Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện và phối hợp với ngân hàng BIDV tạm giữ số tiền này.
Cùng với thủ đoạn đăng ký định danh mức 2, khoảng tháng 10-2024, chị V.T.N. (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bị đối tượng giả mạo cán bộ UBND phường và Công an TP. Pleiku (cũ) hướng dẫn đăng ký trực tuyến. Bằng một số thủ thuật, các đối tượng yêu cầu chị tải ứng dụng giả để lấy dữ liệu cá nhân sau đó chiếm đoạt số tiền 850 triệu đồng của chị có trong tài khoản tại Ngân hàng BIDV.
Đặc biệt, trong vụ án này, số tiền 850 triệu của chị N. đã bị chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm tẩu tán dòng tiền lừa đảo. Sau đó chúng tiếp tục chia nhỏ số tiền vào tài khoản F3 nhằm xóa các dấu vết. Tuy nhiên nhờ sự phối hợp kịp thời của Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các ngân hàng, toàn bộ số tiền đã được thu giữ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Thiếu tá Trần Công Nhựt-Phó Đội trưởng Đội Phòng-chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội (Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho hay: Sau khi chiếm đoạt tiền lừa đảo, dòng tiền lập tức bị chia nhỏ về nhiều tài khoản khác và các đối tượng sẽ “rửa tiền” bằng cách mua tiền kỹ thuật số USDT, đầu tư các sàn chứng khoán quốc tế, chuyển vào các tài khoản game… để cắt sự truy vết của lực lượng chức năng.

Hầu hết các vụ việc phong tỏa tài khoản của các đối tượng kịp thời là do bị hại phát hiện sớm nên trình báo lực lượng Công an để phối hợp với các ngân hàng khi các đối tượng chưa kịp chuyển số tiền lừa đảo qua các tài khoản khác. Hoặc trong nhiều trường hợp, đối tượng dùng 1 tài khoản để nhận tiền lừa đảo từ nhiều nguồn khác nhau nên khi phong tỏa sẽ tạm giữ được số tiền bị hại chuyển đến.
“Để tránh số tiền bị tẩu tán, người dân khi bị phát hiện lừa đảo nên giữ liên lạc với đối tượng, không để đối tượng biết là mình đã nhận ra thủ đoạn của chúng. Sau đó trình báo lực lượng Công an để có biện pháp bảo vệ tài sản cũng như truy vết các đối tượng lừa đảo”-Thiếu tá Nhật thông tin.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua một số ngân hàng như BIDV, MB Bank, Vietinbank, Vietcombank… chi nhánh tại Gia Lai đã phối hợp tốt với đơn vị trong công tác này. Qua đó, tạo đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin tài khoản, số dư hiện có, tạm giữ số tiền có trong tài khoản khẩn cấp ngay sau khi bị hại cung cấp thông tin và trình báo sự việc. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần hỗ trợ cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh, truy vết dòng tiền, thông tin thiết bị, địa chỉ truy cập ngân hàng điện tử của các đối tượng.
Tuy nhiên, Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-cho biết: Vẫn còn một số chi nhánh ngân hàng phối hợp khá chậm khiến việc truy vết, xác minh còn khó khăn, mất nhiều thời gian và số tiền của người dân đã bị tẩu tán hết. Các ngân hàng này yêu cầu phải có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì mới thực hiện việc tạm khóa tài khoản, chặn dòng tiền chuyển đi để phục vụ điều tra, khắc phục hậu quả cho bị hại.
Thượng tá Sơn khẳng định: “Thực tế các vụ việc sau khi lực lượng Công an xác minh có dấu hiệu lừa đảo đều có công văn đề nghị các ngân hàng phối hợp tạm giữ. Một số ngân hàng phối hợp rất tốt nhưng một số khá thờ ơ, xử lý cứng nhắc, không linh động khiến việc xử lý gặp khó khăn. Bởi các đối tượng chỉ cần vài thao tác nhỏ để tẩu tán số tiền lừa đảo thì sẽ rất khó để thu hồi”.
Cũng theo Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đơn vị đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành thẻ tài khoản ngân hàng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Phòng-chống rửa tiền, kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ để báo cáo cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.