
Nhiều đại diện quân sự từ các quốc gia khác cũng được cho sẽ tham dự sự kiện. Song, thông tin cụ thể về những người tham gia chưa được tiết lộ.
Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đóng vai trò là bên trung gian tiềm năng giúp chấm dứt xung đột Nga – Ukraine bằng cách duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế với cả hai nước. Với vị thế chiến lược và ảnh hưởng ở Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia giám sát lệnh ngừng bắn trong khu vực.
Cùng với Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ từng làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhằm cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho đến khi Nga rút khỏi sáng kiến này vào năm 2023.
Theo các nguồn tin, Kiev hôm 11/3 đã chấp nhận đề xuất của Washington về lệnh ngừng bắn 30 ngày vô điều kiện, nhưng Moscow đã từ chối. Sau các cuộc đàm phán bổ sung với Mỹ, Nga đã đồng thuận thực thi lệnh ngừng bắn một phần ở Biển Đen và dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Phía Ukraine cũng lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn này. Tuy nhiên, sau đó, cả Moscow và Kiev nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump tháng trước xác nhận chính quyền Mỹ xem xét dỡ bỏ một số hạn chế đối với Moscow để khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì kiên quyết loại trừ khả năng nới lỏng hạn chế của EU đối với Moscow, nhấn mạnh chúng nên "có hiệu lực cho đến khi một nền hòa bình công bằng và lâu dài được thiết lập tại Ukraine".
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng lệnh ngừng bắn trên biển Đen chỉ có thể có hiệu lực khi một số điều kiện do Nga đặt ra được đáp ứng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó tuyên bố rằng Kiev không chấp nhận "sự suy yếu về lập trường và sự suy yếu của các lệnh trừng phạt" đối với Nga, theo RT.