Nâng tầm sản phẩm rau quả Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ nghiêm quy trình canh tác, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã nâng tầm sản phẩm rau quả, giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững.

Chuyển đổi phương thức sản xuất

Đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Thủy (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng rau. Tuy nhiên, điều làm ông trăn trở là làm sao để sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vươn xa trên thị trường. Năm 2018, sau khi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất rau an toàn, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông cùng với 8 hộ dân chuyên canh rau tham gia HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện.

Ông Thủy được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Giám đốc HTX, phụ trách kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, phải đến năm 2021, khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông mới cùng các thành viên trong HTX tìm được hướng đi đúng. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống nhà lưới mà các thành viên HTX còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng.

Ông Thủy chia sẻ: Trước khi tham gia mô hình, bà con chỉ nghĩ đơn giản, trồng trong nhà lưới thì được gọi là rau an toàn. Nhưng thực tế cho thấy, để có sản phẩm rau an toàn phải đảm bảo 4 tiêu chí về sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và nguồn nước. Vì vậy, trong quá trình canh tác, các thành viên HTX chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, thuốc bảo vệ thực vật sinh học lành tính, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học.

Các công đoạn làm đất, xuống giống, phun thuốc, bón phân đều được ghi chép vào sổ sách, đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm rau ra thị trường. Nhờ vậy mà các sản phẩm rau củ quả của HTX có chất lượng cao, luôn tươi ngon, đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các thành viên Hợp tác xã Rau an toàn thị trấn Phú Thiện chia sẻ kinh nghiệm trồng rau. Ảnh: V.C

Các thành viên Hợp tác xã Rau an toàn thị trấn Phú Thiện chia sẻ kinh nghiệm trồng rau. Ảnh: V.C

“Trồng rau không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần cù. Từng có lúc lỗ trắng 300 triệu đồng vì trồng cà chua trái vụ, tôi nghiệm ra rằng, với khí hậu khắc nghiệt tại địa phương, người trồng rau cần tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, mùa nào thức nấy, có như vậy mới hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao”-ông Thủy chia sẻ.

Từ 1 sào rau tham gia mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, đến nay, ông Thủy đã đầu tư nâng cấp lắp đặt hệ thống nhà kính toàn bộ 3,5 sào rau an toàn của gia đình với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Mặc dù có nhiều ưu điểm song vào mùa mưa, bên trong nhà lưới vẫn quá ẩm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của vườn rau.

Trong khi đó, mô hình nhà kính khắc phục rất hiệu quả nhược điểm này. Độ ẩm trong đất được kiểm soát tốt nên quá trình gieo trồng không bị ảnh hưởng. Cây rau tách biệt hẳn với môi trường bên ngoài nên hạn chế sâu bệnh hại, tiết kiệm thời gian, công sức người lao động, giảm chi phí mua phân, thuốc, chất lượng sản phẩm lại được nâng cao.

“Hiện tại, HTX đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên với sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 2 tạ rau xanh và 3 tạ củ quả mỗi ngày. Chính quyền địa phương bố trí cho HTX 1 điểm kinh doanh rau an toàn tại chợ trung tâm huyện.

Ngoài ra, HTX kết nối tiêu thụ với một số cửa hàng tại TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa. Nhờ vậy, thành viên HTX đã có thể “sống khỏe” cùng cây rau. Riêng gia đình tôi mỗi tháng thu nhập gần 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-ông Thủy phấn khởi cho hay.

Khẳng định thương hiệu

Hiện nay, HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện có 1 ha rau của 9 thành viên. Các thành viên mạnh dạn đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà kính và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Văn Duyên (tổ 9) chia sẻ: Trước đây, rau chủ yếu bán cho các thương lái hoặc tiểu thương tại chợ trên địa bàn. Khi tham gia HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện, được bao tiêu sản phẩm, gia đình bớt đi gánh nặng đầu ra, chỉ lo tập trung sản xuất rau đảm bảo chất lượng.

Với 1 sào đất, gia đình canh tác đa dạng nhiều loại rau nhằm lợi dụng nguyên lý tương hỗ giữa các loại để hạn chế sâu hại; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của HTX về kế hoạch sản xuất từng vụ cũng như quy trình chăm sóc, tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình từ khâu làm đất cho đến khâu tiêu thụ, sản phẩm rau an toàn thị trấn Phú Thiện được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình từ khâu làm đất cho đến khâu tiêu thụ, sản phẩm rau an toàn thị trấn Phú Thiện được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Vũ Chi

“Mỗi ngày, gia đình cung cấp cho HTX 30 kg rau củ quả các loại với giá 7-8 ngàn đồng/kg, cao hơn giá thị trường 2 ngàn đồng/kg. Những tháng gần Tết, thời tiết thuận lợi, sản lượng rau tăng mạnh, có ngày gần cả tạ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, cây rau mang lại cho gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng”-ông Duyên bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Phúc-Giám đốc HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện-cho hay: Việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân tại địa phương. Ngoài chứng nhận VietGAP, rau Phú Thiện được Hội Nông dân tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2 năm 2022-2023 đã cho thấy sản xuất rau an toàn là hướng đi đúng đắn, bền vững của HTX.

Tuy nhiên, các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, nhận thức của người dân vùng khó về nông nghiệp sạch vẫn còn hạn chế, thích mua nông sản giá rẻ thay vì sử dụng sản phẩm an toàn.

Vì vậy, về lâu dài, HTX mong muốn được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để mở rộng liên kết, hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch; từ đó tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thúc đẩy người nông dân mở rộng sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương.

Theo ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện: Năm 2021, Trung tâm đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ 3 sào nhà lưới cho 3 thành viên HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện với kinh phí trên 300 triệu đồng.

Đồng thời, Trung tâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, xử lý mầm bệnh có trong đất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau, chọn giống, chăm sóc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau, cách sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp đảm bảo đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh.

Nhờ vậy, sản phẩm rau của HTX luôn đảm bảo chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không những bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho các thành viên HTX trong quá trình gieo trồng, chăm sóc mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Đây là điểm mạnh giúp sản phẩm rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.

Thành công của mô hình trồng rau an toàn không chỉ là doanh thu, lợi nhuận mà là sự chuyên nghiệp trong tư duy, hành động của người nông dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.