(GLO)- Mô hình “Vườn rau thân thiện” được Hội Nông dân huyện Phú Thiện (Gia Lai) triển khai trong đồng bào dân tộc thiểu số từ cuối năm 2018. Đến nay, mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều hộ dân và hình thành thói quen trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn, xây dựng cảnh quan sân vườn xanh-sạch-đẹp.
Theo bà Phạm Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake, lúc mới triển khai mô hình, một số hộ không hưởng ứng, nhất là các hộ đồng bào Bahnar, Jrai vì họ chưa trồng rau bao giờ. Do đó, Hội đã chọn một số hội viên tiêu biểu làm điểm; đồng thời, tập huấn hoặc trực tiếp cầm tay chỉ việc, hỗ trợ ngày công và hạt giống cho 50 hộ nghèo. Đến nay, mô hình đã thu hút được gần 200 hộ tham gia, mỗi hộ trồng trên diện tích 15-300 m2. Ngoài việc không dùng phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, bà con còn biết tận dụng phân chuồng trộn với trấu để cải tạo đất, bón cho rau. Nhờ đó, không chỉ có rau để ăn, nhiều hộ còn dư bán lấy tiền mua các nhu yếu phẩm.
|
Nhờ trồng rau, mỗi đợt bán, bà Rơ Châm H'Bun thu 400-500 ngàn đồng. Ảnh: H.T |
Chỉ cho chúng tôi xem những luống rau xanh mơn mởn được trồng bên lề đường đoạn trước nhà mình, ông Hà Lương Ngoan (làng Mun Mắk) hồ hởi khoe: “Khu vực này trước đây bà con hay lén đổ rác nên rất mất vệ sinh. Khi Hội Nông dân xã triển khai mô hình vườn rau thân thiện, tôi đã dọn sạch rác ở đây rồi ra đồng chở đất màu về kết hợp ủ hoai phân bò để cải tạo đất trồng rau. Từ đó đến nay, không gian sống trở nên sạch sẽ hơn, gia đình cũng có thêm nguồn rau sạch để ăn và bán lấy tiền mua hạt giống để trồng lại”.
Tương tự, từ khi được cán bộ Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, bà Bế Thị Hoa (cùng làng) đã phủ kín các loại rau lên toàn bộ diện tích đất rộng hơn 300 m2 của gia đình. Bà cũng tận dụng phân bò, phân gà ủ với vôi, trấu để cải tạo đất nên vườn rau phát triển tốt, không bị các loại sâu, nấm tấn công. “Trước đây, tôi chỉ trồng một vài luống rau nên không đủ ăn. Từ khi mở rộng diện tích, tôi còn có thêm nguồn thu từ bán rau. Đặc biệt, biết tôi không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người đã tin tưởng tìm đến mua”-bà Hoa vui vẻ chia sẻ.
Tại thị trấn Phú Thiện, mô hình vườn rau thân thiện được triển khai cũng đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn rau sạch để cải thiện bữa ăn. Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn rau xanh mướt đủ các loại như: rau muống, rau dền, mướp đắng, rau cải... bà Rơ Châm H'Bun (tổ 1) cho biết: Nhà bà có 1 sào đất. Trước đây, bà chỉ trồng một ít bắp để ăn, diện tích còn lại bỏ trống. Cách đây 6 tháng, được cán bộ Hội hướng dẫn, bà không trồng bắp nữa mà cải tạo toàn bộ diện tích đất chuyển sang trồng rau. “Trước đây, ngày nào nhà mình cũng phải mua rau về ăn. Từ khi trồng rau, ngoài đủ rau cho cả nhà ăn, mình còn dư để cho anh em, hàng xóm và thu 400-500 ngàn đồng từ mỗi đợt bán rau. Hơn nữa, nhờ tận dụng được nguồn phân từ chăn nuôi, trừ chi phí mỗi đợt bán, mình cũng lãi được một khoản kha khá”-bà H'Bun bày tỏ.
Ông Bùi Trung Thành-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện-cho hay: Từ khi triển khai mô hình, bên cạnh phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, Hội còn tổ chức cho cán bộ, hội viên tiêu biểu tham quan một số mô hình trồng rau sạch tại thị trấn; sau đó tuyên truyền, hướng dẫn lại cho người dân thực hiện. Đến nay, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đã thu hút được gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Hầu hết họ đều đã biết tận dụng các khoảng đất trống trong vườn nhà và nguồn phân chuồng để trồng rau. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn dùng bột than sinh học để cải tạo đất nên vườn rau phát triển tốt.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Mô hình vườn rau thân thiện được triển khai trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, đặc biệt là biết cách trồng rau sạch để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn. Tuy nhiên, nhiều hộ trước đây chưa có thói quen trồng rau sạch hoặc chỉ trồng một ít trên nương rẫy nên không đủ rau ăn. Vì vậy, bắt tay vào triển khai mô hình, Hội đã chọn các cán bộ chi hội thôn, làng làm trước để tạo hiệu ứng cho các hội viên, nông dân học tập. Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức cho các cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan một số mô hình trồng rau an toàn để nâng cao được kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn.
“Đến nay, mô hình “Vườn rau thân thiện” đã thu hút nhiều hộ dân tham gia, trong đó có hơn 500 hộ thực hiện hiệu quả mô hình với diện tích 15-300 m2. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nhân rộng mô hình đến tất cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện. Qua đó, hình thành cho họ thói quen trồng rau sạch ngay trong vườn nhà để cải thiện bữa ăn cũng như xây dựng cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp, góp phần bảo vệ môi trường”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện thông tin.
HỒNG THƯƠNG