Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, một số thời điểm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, chưa giảm bền vững.

Các cấp, các ngành tích cực vào cuộc

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban ATGT tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, tổ công tác liên ngành giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đối với Ban ATGT cấp huyện; kiểm tra hoạt động của tổ tự quản ATGT tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, ATGT và kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh của các lực lượng chức năng.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm soát xe quá khổ, quá tải. Ảnh: P.V

Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm soát xe quá khổ, quá tải. Ảnh: P.V

Hàng năm, Ban ATGT tỉnh, các cấp chính quyền kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề của Ủy ban ATGT Quốc gia; lập chuyên đề theo các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp tuyển sinh đại học, bầu cử, lễ, Tết. Triển khai hiệu quả Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 và 2; Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói”...

Bên cạnh đó, công tác thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, ATGT được tăng cường. Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện, phát huy tối đa hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, tập trung vào dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh. Tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn cao, theo các chuyên đề mà lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, phần đường, tránh vượt, chuyển hướng, chở hàng quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, lạng lách, đánh võng, không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, chở người trên thùng xe lưu thông trái quy định… Cùng với đó, thường xuyên kết hợp giữa tuần tra, kiểm soát công khai với hóa trang, bí mật sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong 10 năm, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 857.016 trường hợp; xử phạt 802.014 trường hợp vi phạm với số tiền trên 371 tỷ đồng, tạm giữ 5.734 ô tô, 160.319 mô tô, 734 phương tiện khác, 594.066 giấy tờ xe, tước 33.603 giấy phép lái xe. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai mô hình phối hợp giữa Cảnh sát Giao thông với Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113 để tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi gây mất trật tự, ATGT như: tụ tập đông người, đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu…

Lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Krông Pa kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Lê Anh

Lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Krông Pa kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Lê Anh

Trong 10 năm qua, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện 3.654 vụ vi phạm hành chính, lập 5.231 biên bản và ra quyết định xử phạt đối với 1.415 tổ chức và 3.816 cá nhân, số tiền 27 tỷ đồng; tước 1.441 giấy phép lái xe, 117 phù hiệu vận tải, 61 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định, tịch thu 9 giấy phép lái xe, 4 phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp; hạ tải 5.144 tấn hàng hóa. Ngành giao thông đã tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị là đầu mối hàng hóa lớn, kho hàng, các đơn vị sản xuất, cung ứng xi măng, chế biến cao su, nhà máy đường, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, kho xăng dầu, kho khí dầu mỏ hóa lỏng, kho vật liệu nổ công nghiệp... ký cam kết không chở hàng vượt quá tải trọng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh 10 năm qua được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra 3.696 vụ TNGT, làm chết 2.245 người, bị thương 3.937 người. So với 10 năm trước liền kề, giảm 1.842 vụ (3.696/5.538 vụ, tương đương giảm 33,26%); giảm 193 người chết (2.245/2.438 người, tương đương giảm 7,92%); giảm 3.060 người bị thương (3.937/6.997 người, tương đương giảm 43,73%). Trong đó, xảy ra 177 vụ rất nghiêm trọng, 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 1.798 vụ nghiêm trọng, 1.687 vụ ít nghiêm trọng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Mặc dù TNGT của tỉnh trong 10 năm qua giảm cả 3 chỉ số, nhưng một số thời điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chưa bền vững giữa các năm, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. So với mặt bằng chung toàn quốc, số vụ TNGT của tỉnh còn ở mức cao. Năm 2022, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 337 vụ TNGT, làm 242 người chết và 265 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 10,13% số vụ, tăng 15,79% số người chết và tăng 3,92% số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về ATGT còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa chuyển biến mạnh mẽ.

Theo dự báo, tình hình trật tự, ATGT từ nay đến năm 2030 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh chóng các loại phương tiện giao thông, quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông, xuất hiện nhiều loại phương tiện với phương thức di chuyển mới; sự phát triển của khoa học, công nghệ, trình độ hiểu biết pháp luật về giao thông không đồng đều, tình hình tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, TNGT… đặt ra nhiều thách thức trong đảm bảo trật tự, ATGT vì mục tiêu phát triển bền vững.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong đảm bảo an toàn tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng. Ảnh: P.V

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong đảm bảo an toàn tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng. Ảnh: P.V

Trước yêu cầu mới, để đảm bảo trật tự, ATGT, cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vai trò của Nhân dân, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong đảm bảo trật tự, ATGT; tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT. Xác định mục tiêu làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người tham gia giao thông, chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, tận dụng tiện ích nền tảng internet, mạng xã hội để tuyên truyền theo hướng trực quan, sinh động, dễ tiếp thu, tạo sức hút với đối tượng tuyên truyền, nhất là thanh-thiếu niên.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, tần suất tuần tra, kiểm soát, áp dụng các thiết bị khoa học, kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT. Thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, khoảng thời gian cao điểm để bố trí lực lượng, phương tiện, áp dụng đa dạng các biện pháp, phương thức tuần tra, kiểm soát phù hợp; tập trung kiểm tra, xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lực lượng trực tiếp làm việc với người dân trong các lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, đăng ký phương tiện, quản lý vận tải, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Tiếp nhận gần 850 tin báo, tố giác tội phạm

Pleiku: Tiếp nhận gần 850 tin báo, tố giác tội phạm

(GLO)-

Chiều 27-3, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp liên ngành năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP. Pleiku; các cơ quan, đơn vị liên quan.

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

(GLO)-

Sáng 27-3, Tòa án nhân dân huyện huyện Chư Prông đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".