Nan giải bài toán "giữ chân" thầy thuốc bệnh viện công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 133 nhân viên y tế (trong đó có 47 bác sĩ) bỏ việc, nghỉ việc. Công việc nhiều, thu nhập thấp, áp lực cao là nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện công nghỉ việc, thậm chí chịu kỷ luật để chuyển sang bệnh viện tư.
Lương thấp, áp lực cao
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bác sĩ, nhân viên y tế cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng phải làm việc hết công suất, vừa phòng-chống dịch vừa chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Bên cạnh đó, tình hình tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh càng thêm khó khăn, thu không đủ bù chi. Thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế giảm đáng kể khiến nhiều người buộc phải tìm đường sống khác.  
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn chục bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-nhìn nhận: Lương thấp, áp lực công việc cao là nguyên nhân khiến các bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Đa số là chuyển sang bệnh viện tư vì ở đó thu nhập cao hơn. “Chúng tôi áp dụng đầy đủ chính sách theo quy định, tạo điều kiện để các bác sĩ, nhân viên y tế học tập nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, động viên anh chị em gắn bó, yên tâm công tác. Tuy nhiên, sự chào mời hấp dẫn hơn từ các bệnh viện tư khiến việc “giữ chân” bác sĩ, nhân viên y tế ở lại làm việc rất khó”-bác sĩ Mỹ cho biết.
Bác sĩ, nhân viên y tế tuyến xã phải làm thêm giờ và chịu không ít áp lực vì công việc hiện nay. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ, nhân viên y tế tuyến xã phải làm thêm giờ và chịu không ít áp lực vì công việc hiện nay. Ảnh: Như Nguyện
Công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhiều năm qua nhưng thu nhập hiện tại của Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Oanh cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống. Điều dưỡng Oanh chia sẻ: 2 năm qua, công việc tại Khoa hết sức áp lực. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Khoa trở thành nơi thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Hiện nay, Khoa vừa thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác. “Việc nhiều, thu nhập thấp và nếu không vì yêu nghề, vì người bệnh thì chắc tôi đã nghỉ việc”-điều dưỡng Oanh nói.
Không chỉ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tuyến huyện, xã cũng đang chịu không ít áp lực vì công việc hiện nay. Ông Rơ Mah Nung-nhân viên Trạm Y tế phường Yên Thế (TP. Pleiku) bộc bạch: Trạm Y tế đang triển khai công tác phòng-chống sốt xuất huyết, quản lý các bệnh không lây nhiễm, tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng… “Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ. Việc nhiều nhưng lương cũng chỉ bấy nhiêu, nếu không vì trách nhiệm và sự yêu nghề thì khó mà gắn bó được”-ông Nung nói.
Một bất cập khác đó là chế độ tiền lương của bác sĩ còn chưa phù hợp. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho biết: Với một bác sĩ, thời gian đào tạo dài tới 6 năm, học phí ngành y cũng rất cao. Học xong thì phải mất thêm 18 tháng thực hành có chứng chỉ hành nghề mới được hưởng mức lương bậc 1 với hệ số 2,34. Tuy nhiên, học một ngành nghề khác chỉ mất 4 hoặc 5 năm cũng hưởng mức lương tương tự nên đây là một sự bất cập.  
Cần có cơ chế thu hút, giữ chân thầy thuốc
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có gần 4.900 công chức, viên chức, hợp đồng lao động đang làm việc tại các cơ sở y tế; trong đó có 927 bác sĩ, 298 dược sĩ và trên 1.000 điều dưỡng. Tính đến cuối năm 2021, các cơ sở y tế thiếu 671 lao động; đến đầu năm 2022 chỉ mới tuyển dụng được 246 công chức, viên chức, còn thiếu 425 lao động so với số biên chế được giao. Thiếu nhiều nhất là cán bộ y tế chuyên khoa sâu và cán bộ lĩnh vực y tế dự phòng như: lao, phong, tâm thần, bác sĩ gây mê hồi sức.
Không chỉ thiếu lao động, hệ thống y tế công còn phải đối mặt với làn sóng bác sĩ, nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc. Theo số liệu thống kê, năm 2019, toàn tỉnh có 34 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Năm 2020, con số này là 42. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 133 trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, đa số là chuyển từ bệnh viện công sang tư. Trong số đó, nhiều người chấp nhận các hình thức kỷ luật, đền bù, hoàn tiền đào tạo chuyên môn. 
 
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, số lượng bác sĩ, nhân viên nghỉ việc như trên chưa ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, đây là báo động đòi hỏi phải có cơ chế thu hút, “giữ chân” các bác sĩ tại các bệnh viện công. Ngành Y tế đã kiến nghị với Chính phủ thực hiện chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo bác sĩ, dược sĩ với các hình thức thích hợp. Chú trọng đào tạo cho đối tượng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách đặc thù để đào tạo cán bộ y tế có trình độ sau đại học, chuyên môn sâu cho vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng ngang bằng với các tỉnh đồng bằng. Xem xét chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế phù hợp với thời gian đào tạo; phụ cấp thâm niên cho cán bộ y tế. Bố trí kinh phí kết dư từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế hàng năm để đầu tư các cơ sở khám-chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Về phía tỉnh, ngành cũng đã kiến nghị có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đặc thù của tỉnh đối với người có trình độ cao đến công tác và cán bộ y tế tại trạm y tế tuyến xã.
Về phần mình, ngành Y tế tiếp tục triển khai chuẩn hóa trình độ cao đẳng, đại học cho cán bộ y tế đến năm 2025. Khẩn trương thực hiện các dự án đào tạo, tăng số lượng bác sĩ chuyên khoa, từng bước giải quyết sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa thuộc 6 chuyên ngành ưu tiên (ung bướu, tim mạch, chỉnh hình, nhi khoa, truyền nhiễm và bác sĩ gia đình). Khuyến khích ưu tiên và tăng tuyển dụng nhân lực cho các huyện, xã vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
NHƯ NGUYỆN
 
 

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

(GLO)- Ngày 5-7, sau ca phẫu thuật nối bàn chân phải bị đứt lìa, bệnh nhân Xuăk (làng Trek, xã Kdang) đã tỉnh táo, giao tiếp tốt. Dù còn đau đớn nhưng nhìn bàn chân được nối thành công bước đầu, chị Xuăk vô cùng cảm kích tấm lòng đồng hành vì người bệnh của các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211.

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

(GLO)- Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2025 trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị BHXH Bình Định và BHXH Gia Lai, BHXH khu vực XXIII đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thông suốt vận hành nghiệp vụ, đảm bảo không gián đoạn chính sách, giữ vững lưới an sinh xã hội tại tỉnh Gia Lai (mới).

Thủ lĩnh của làng

Thủ lĩnh của làng

(GLO)- Là người gốc Campuchia nhưng dưới họa diệt chủng của bọn Pol Pot, năm 1978, Rơ Mah Blơi đã cùng gia đình sang Việt Nam lánh nạn. Gần 50 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất này, cùng chung tay vun đắp mối quan hệ đoàn kết hai bên biên giới.

Phát huy vai trò quản lý kinh tế của phụ nữ

Phát huy vai trò quản lý kinh tế của phụ nữ

(GLO)- Sau 3 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Gia Lai đã phối hợp hỗ trợ thành lập 14 HTX và 16 tổ hợp tác/tổ liên kết do phụ nữ quản lý.

Gia Lai: Tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7

Gia Lai: Tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7

(GLO)- Tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXIII (Gia Lai-Bình Định), hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1-7, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách BHXH, BHYT tập trung nhấn mạnh chủ đề: “Bảo hiểm y tế-Chia sẻ cộng đồng, bảo vệ sức khỏe toàn dân”.

Chị Nay H’Uôn (thứ 2 từ phải sang, buôn Ji, xã Krông Năng) cùng 4 người bạn vui mừng vì đã sẻ chia giọt máu hồng, trao thêm cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng

(GLO)- Đông đảo tình nguyện viên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tham gia buổi hiến máu tình nguyện vào sáng 28-6. Với họ, hiến máu không chỉ giúp phục vụ tốt hơn công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

null