Muộn nhất 2 tuần nữa sẽ phải có cơ chế hỗ trợ khách vay bị thiệt hại do dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
 
Virus corona khiến thanh long miền Tây rớt giá thảm hại còn 5-10.000 đồng/ kg - Ảnh: TTO
Đó là chỉ đạo của Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú tại hội nghị với các ngân hàng thương mại ngày 6-2 để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời khách vay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch do virus corona gây ra.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng dịch bệnh do virus corona có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… Qua đó, hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Để tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Phó thống đốc yêu cầu ngành ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, Phó thống đốc gợi ý các ngân hàng cần thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại nợ, xem xét thực hiện miễn giảm lãi vay, chi phí cho khách hàng trên cơ sở cân đối khả năng tài chính. Thậm chí, các ngân hàng cần đưa ra các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị thiệt hại do dịch bệnh do virus corona.
Đối với các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng nhà nước, Phó thống đốc yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch bệnh do virus corona gây ra.
"Các đơn vị chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất không quá 2 tuần nữa phải hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này" - ông Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Tú lưu ý cơ chế đưa ra cần phải bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, ông Tú cũng khẳng định Ngân hàng nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn.
"Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân" - ông Tú khẳng định.
Cùng với đó, Phó thống đốc thường trực yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch do virus corona.
L.Thanh (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.