"Mũi trinh sát" truy vết Covid-19 từ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, các tổ Covid-19 cộng đồng tại TPHCM trở thành cánh tay nối dài của thành phố trong công tác phòng chống dịch. Mỗi tổ viên thực sự là những người “lính trinh sát” truy vết dịch hiệu quả từ cơ sở.

 

Ông Lê Hoàng Long (thứ hai từ trái qua) cùng các tổ viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch cho người dân ở dãy nhà trọ Nghinh Phong tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM
Ông Lê Hoàng Long (thứ hai từ trái qua) cùng các tổ viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch cho người dân ở dãy nhà trọ Nghinh Phong tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM


Cộng hưởng sức mạnh chống dịch

Chạng vạng tối, tại trụ sở khu phố 8, phường 2, quận Tân Bình (TPHCM), ông Nguyễn Tăng Thái (66 tuổi, có thâm niên 18 năm làm phó trưởng khu phố) và 3 tổ viên thuộc tổ Covid-19 cộng đồng tất bật kiểm tra lại số băng rôn, cờ phướn cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TPHCM đã cận kề. Các tổ viên còn lại chia làm nhiều ngả đến các khu dân cư trong khu phố để giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.

Tỉ mẩn kiểm đếm từng thẻ cử tri, ông Thái cho biết, khu phố 8 nằm liền kề sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có khu lưu trú của tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines. Vì vậy công tác giám sát địa bàn được ông và các tổ viên đặc biệt sát sao.

Ông Thái khẳng định, các tổ viên tìm nhiều cách để tiếp cận tuyên truyền, giám sát chặt các trường hợp F2. “Từ ngày các tổ Covid-19 cộng đồng được thành lập, từ người dân ở khu phố đến khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn có ý thức hơn, phối hợp tốt, chủ động khai báo y tế, giúp tổ viên nhanh chóng hoàn thành công việc”, ông Thái chia sẻ.

Trước Tết Dương lịch 2021, phường 2 có ca bệnh 1.342. Tiếp đó, đến đầu tháng 2, thành phố ghi nhận 33 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là nhân viên bốc xếp trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Thái và 108 tổ viên thuộc 99 tổ Covid-19 cộng đồng của phường căng mình “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, giúp cơ quan chức năng truy vết thành công các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Có thời điểm nắng cháy da, các cô chú hưu trí vẫn rong ruổi khắp ngõ ngách địa bàn để tuyên truyền về dịch Covid-19 đến các hộ dân cư.

Cũng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp có 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tổ viên các tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn đã giúp quận Gò Vấp ngăn chặn kịp thời, không để dịch bùng phát. Chẳng hạn như tại phường 7, 86 tổ Covid-19 cộng đồng giúp phường thực hiện giám sát các hộ dân, hộ kinh doanh, các quán cà phê… chấp hành các quy định của thành phố về phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thùy Mai Quyên, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, bày tỏ: “Cuộc chiến với “giặc Covid-19” vẫn còn phức tạp. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, đặc biệt các tổ Covid-19 cộng đồng thực sự là “cánh tay nối dài”, giúp chính quyền địa phương truy vết, kiểm soát dịch hiệu quả. Các cô chú tổ viên vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình để giúp ổn định an toàn trên địa bàn dân cư, giúp người dân an tâm sinh sống”.

Làm việc không kể thời gian

Ông Lê Hoàng Long, Trưởng ấp nhân dân, Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, mấy ngày qua đi gọi cửa từng căn phòng trọ, vừa phát thẻ cử tri kèm theo khẩu trang, vừa nhắc mọi người đi bầu cử phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Dãy phòng trọ Nghinh Phong tại hẻm 2.552/17 Huỳnh Tấn Phát có 40 phòng với 385 người tạm trú, đa số làm công nhân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Nhiều khi đến vào giờ trưa, nhiều phòng khóa cửa, ông Long và các thành viên cẩn thận cài những tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch vào khe cửa.

Ông Long cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công việc của công nhân bị ảnh hưởng rất nhiều, giờ giấc làm việc không ổn định, có phòng trọ phải lui tới hàng chục lần mới gặp được người thuê.

“Ngày 6-5, tại địa bàn ấp 5 phát hiện hàng chục trường hợp F1 và F2, vì có tiếp xúc gần với 3 ca dương tính Covid-19 là thuyền viên của tàu MS SUN, đang neo đậu tại bến phao Phước Long 5 (huyện Nhà Bè). Những người này làm nghề bốc xếp ở Tân Cảng Hiệp Phước. Các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung ngay khi truy vết. Các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng ai cũng căng thẳng, vừa hỗ trợ truy vết F1, F2, vừa cố gắng tuyên truyền người dân từng hộ không được chủ quan, lơ là phòng dịch”, ông Long nói.


 

Ông Lê Hoàng Long (ngoài cùng, bên trái) cùng các tổ viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 cho người dân tại dãy nhà trọ Nghinh Phong tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè
Ông Lê Hoàng Long (ngoài cùng, bên trái) cùng các tổ viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 cho người dân tại dãy nhà trọ Nghinh Phong tại ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè


Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: “Từ khi dịch Covid-19 được phát hiện tại Việt Nam đến nay, công tác phòng chống dịch được cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể của quận 7 vào cuộc quyết liệt, trong đó có việc quận thành lập 763 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.545 tổ viên ở các khu dân cư trên địa bàn. Các tổ viên dù không khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chỉ là những tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… nhưng những cống hiến tưởng chừng thầm lặng ấy đã phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tạo nên sức mạnh, tiếng nói của nhân dân”.

Hiện toàn TPHCM đã có 19.000 tổ Covid-19 cộng đồng với 52.000 tổ viên. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mà muốn “chống giặc” hiệu quả thì phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, các tổ Covid-19 cộng đồng đã ra đời, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch.

Các thành viên còn thường xuyên theo dõi, giám sát ai có biểu hiện ho, sốt và báo ngay cho chính quyền, cán bộ y tế bằng điện thoại, app Zalo, Facebook để lập tức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Như vừa qua, quận 12 có một số ca mắc Covid-19, các cô chú tổ viên đã rà soát, truy vết được hàng trăm trường hợp F1, F2, giúp quận ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.


* Bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè: Giữ bình yên khu dân cư

Là huyện có mật độ sông nước dày đặc, nhất là có tuyến hàng hải quốc tế chạy qua địa bàn, nên công tác phòng chống dịch được huyện Nhà Bè đặc biệt quan tâm. Huyện đã thành lập 439 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.090 tổ viên. Nhờ sự cơ động, hiệu quả của các tổ viên, công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện đạt được kết quả tích cực, không có người dân tiếp tay đưa thuyền viên xâm nhập bất hợp pháp từ tàu lên bờ, và người dân thông báo ngay cho chính quyền khi phát hiện những trường hợp trốn lên tàu thăm người thân… Qua đó giúp huyện không có ca bệnh trong cộng đồng, các trường hợp F1, F2 được truy vết nhanh chóng, đảm bảo cách ly tập trung đối với F1 và theo dõi tự cách ly tại nhà đối với F2 theo quy định. Các tổ Covid-19 cộng đồng thật sự là những “mũi trinh sát” truy vết dịch hiệu quả ở cơ sở.


Theo QUANG HUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.