Mùa thu hoạch cà phê ở Gia Lai: Năng suất giảm, giá nhân công tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê với tâm trạng kém vui. Nguyên nhân do năng suất cà phê vụ này giảm mạnh, nhân công khan hiếm trong khi giá mặt hàng này vẫn giữ nguyên như năm ngoái.

Năng suất giảm mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 83.148 ha, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và tái canh. Diện tích cà phê tập trung chủ yếu ở các huyện như: Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang. Dù chỉ mới thu hoạch được khoảng 40% diện tích nhưng phần lớn người dân đều cho rằng, năng suất cà phê năm nay giảm khá mạnh so với niên vụ trước.

Người dân thu hoạch cà phê tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân thu hoạch cà phê tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp


Do diễn biến thời tiết trong niên vụ này gặp nhiều bất lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Ông Thành buồn rầu nói: “Gia đình tôi trồng 1 ha cà phê và nhận khoán thêm 2 ha của Công ty Cà phê Ia Sao 2. Dù mới thu hoạch được gần một nửa diện tích nhưng dự kiến sản lượng cà phê năm nay giảm hơn 30% so với niên vụ trước. Thời tiết năm nay rất thất thường, mùa mưa đến muộn, lượng mưa thấp đã gây khó khăn trong việc chăm sóc, bón phân dẫn đến cây ra hoa đậu quả ít. Năm ngoái, trung bình mỗi héc ta, tôi thu được 18-20 tấn cà phê tươi thì năm nay chỉ thu được khoảng 12-13 tấn. Với mức giá hiện tại từ 31 ngàn đồng đến 33 ngàn đồng/kg cà phê nhân, sau khi trừ chi phí đầu tư, nộp sản lượng cho Công ty, gia đình không còn lãi bao nhiêu”. Cũng theo ông Thành, rất nhiều vườn cà phê trong vùng năng suất còn đạt thấp hơn, thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Chính vì thế, không khí thu hoạch cà phê vụ này khá ảm đạm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay: “Trong giai đoạn cà phê ra hoa và nuôi quả, lượng mưa rất ít. Cơn bão số 9 vừa rồi gây mưa lớn và gió mạnh cũng làm vườn cây rụng quả rất nhiều. Vì vậy, năng suất cà phê năm nay giảm rất mạnh. Dự kiến, 2 ha cà phê của gia đình tôi vụ này chỉ thu được khoảng 15 tấn tươi, giảm khoảng 40% sản lượng so với vụ trước. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết các vườn cà phê trong khu vực này cũng chung cảnh ngộ. Với mức giá cà phê như hiện tại, nhiều hộ không những không có lãi mà còn lỗ vốn”.

Cà phê mất mùa không chỉ xảy ra đối với diện tích của người dân mà cả với các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh. Ông Vũ Văn Đại-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2-cho biết: “Công ty có 464 ha giao khoán cho người dân sản xuất, hiện đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố thời tiết như mùa mưa đến muộn, mưa ít, ảnh hưởng của bão số 9… đã khiến năng suất cà phê năm nay giảm mạnh so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê của Công ty đã già cỗi, xuống cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Dự kiến, niên vụ cà phê 2020-2021, tổng sản lượng của Công ty chỉ đạt khoảng 6.000 tấn cà phê tươi, giảm 20% so với vụ trước”.

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: “Do ảnh hưởng nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết nên một số vùng trồng cà phê trên địa bàn huyện năng suất giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có một số khu vực người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C và UTZ, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt… thì năng suất vẫn đạt cao. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp, chính quyền xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê nói riêng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nói chung nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Khan hiếm nhân công thu hoạch

Tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cũng đang là vấn đề đau đầu của không ít hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Những năm trước, mỗi khi đến mùa thu hoạch, hàng ngàn lao động từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... lại đổ về Gia Lai nhận hái khoán cà phê. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp ở những tỉnh này mở ra đã thu hút nguồn lao động tại chỗ, cộng với tình trạng không ít người dân Gia Lai đi các tỉnh, thành làm việc khiến các chủ vườn “đỏ mắt” tìm nhân công hái cà phê.

Năng suất giảm mạnh, nhân công thu hoạch khan hiếm khiến các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh kém vui. Ảnh: Đức Thụy
Năng suất giảm mạnh, nhân công thu hoạch khan hiếm khiến các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh kém vui. Ảnh: Đức Thụy


Bà Thu cho biết: “Giờ khó tìm nhân công hái cà phê lắm. Tôi thuê khoán với mức 900 ngàn đồng/tấn, cao hơn 500 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái mà tìm không ra người. Nhiều nhân công đến nhận, đi dạo một vòng thấy cà phê ít quả quá lại bỏ đi vì sợ ngày công đạt thấp. Nhìn cà phê chín rụng đầy gốc mà thấy xót, nếu thu hoạch không kịp sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc cũng như năng suất của vườn cây trong vụ tới”.
 

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Năm nay, do dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu cà phê bị ảnh hưởng nặng. Dịch chưa biết khi nào sẽ hết nên hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và mức giá cà phê dự báo sẽ không tăng trong thời gian tới mà chỉ dao động quanh mức 34 ngàn đồng/kg nhân.

Nhân công khan hiếm nên nhóm của anh Kpuih Thế (thôn Plei Thơ Ga A, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) gồm 10 người đến huyện Chư Prông hái cà phê thuê hơn 10 ngày nay khá “đắt hàng”.

Anh Thế cho hay: “Những ngày qua có nhiều người gọi điện, thậm chí tìm đến để thuê nhưng anh em chúng tôi đã nhận hái cho các hộ quen biết từ vụ trước. Nhóm nhận hái khoán với mức 900 ngàn đồng/tấn. Tùy vườn cà phê, nếu sai quả thì mỗi ngày nhóm hái được khoảng 2,5 tấn tươi, chia đều cho mỗi người được hơn 200 ngàn đồng. Số tiền này góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của gia đình. Hái xong chỗ này, chúng tôi đi chỗ quen khác, khi nào hết mùa cà phê mới về nhà”.

Năng suất cà phê giảm, giá nhân công thu hoạch tăng trong khi giá bán giữ nguyên khiến người trồng không có lời, thậm chí lỗ vốn. Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Năng suất cà phê năm nay giảm, nguyên nhân do nắng hạn kéo dài dẫn đến vườn cây bị suy kiệt, kém phát triển. Cùng với đó, giá cà phê những năm qua khá bấp bênh, người dân gặp khó nên sức đầu tư chăm sóc vườn cây cũng giảm, dẫn đến năng suất không được như ý. Trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục giữ ổn định diện tích, tỉnh sẽ tập trung tái canh cà phê, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm cà phê...; định hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP để cung cấp cho những doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai để rộng cửa xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.

 NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.