Mưa nơi Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở Phố núi này, mưa không đợi bão về, cũng chẳng chờ Ngưu Lang Chức Nữ.
Mưa trên vùng đất Tây Nguyên này cũng có nhiều cái lạ lắm. Lạ từ chính trong địa giới một tỉnh, tùy vào địa hình và độ cao khác nhau mà nơi thì “thối đất thối cát” nhưng có nơi khát từng cơn mưa về. Mùa mưa ở Pleiku kéo dài vài tháng, tùy thời điểm mà có nắng ít ngày, rồi lại mưa và mưa. Thường chỉ mưa một vài ngày là lòng người thấy nản, vậy mà thời gian gần đây mưa kéo dài liên tục, triền miên. Người dân Phố núi ngày ngày vẫn chờ một tia nắng để sưởi ấm, nhưng đôi mắt Pleiku thì cứ buồn, ngân ngấn lệ rơi, sắc mặt lúc nào cũng xanh xẩm như anh lính bị sốt rét. Thế nên ở thành phố núi nhỏ bé này, mọi người cứ thế mà sống-ngủ cùng mưa, dung hòa với nó dù có ở trong tình thế bí bách.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mưa Phố núi chưa gọi đã đến và đi không chào; tính khí đỏng đảnh, khó chiều như cô gái mới lớn muốn thử lòng các chàng si tình. Từ nhà bước ra, thấy cảnh trời bấm bụng chắc không mưa, vừa đi bỗng những giọt trong veo lộp độp ập đến, vội vàng lấy chiếc áo mưa khoác lên người thì lại ngớt. Có lúc nắng vừa hửng lên, mây trắng còn nhởn nhơ thì thoắt cái mây đen kéo về, mưa ngọt lịm trải dài giăng kín đường chiều. Cứ thế, suốt mấy tháng nay là những cơn mưa dầm dề, não nề, bất tận theo thời gian.
Có những khi cùng trên một cung đường, có người thì đang hối hả trốn mưa, có đoạn vẫn có tiếng trẻ nô đùa trong nắng. Nó giống như mưa bóng mây nhưng không phải. Cái lạ ấy diễn ra thường xuyên trên đất này nên tất yếu trở nên bình thường. Có những ngày, không đợi người buồn, mưa bay bay, lất phất qua thời gian, xuyên không gian. Nó hao hao giống như mưa xuân miền Bắc, nhưng nặng hạt hơn và có gió hạ nên nó là mưa của em gái Pleiku. Có khi rả rích cả ngày lẫn đêm, cứ như mưa mùa nước lên; cũng có khi nặng hạt cứ như bão về, mà ào ào như ai đổ nước, từng giọt như viên sỏi độp độp trên hiên mái nhà. Cứ thế, từng trạng thái đan xen nhau ngày qua đêm, sáng về chiều. Để cho người cứ nhìn mà ngóng, mà mong, mà đếm, thổn thức tiếng lách cách, rủ rì trong gối màn.
Dẫu biết rằng mưa là buồn, nhưng đó là sự tích nước để chuẩn bị cho mùa khô kéo dài. Và nếu ai kia không chịu khó một chút thì làm sao có sự sống đâm chồi. Đất bazan ấy cứ phải có mưa như vậy mới đủ nước để tích tụ cho màu xanh của thông, màu trắng xuyến chi, màu tím của những vệt hoa mua bên vệ đường và sắc vàng của dã quỳ.
Tôi thích được ngắm những cung bậc khác nhau của mưa Phố núi để soi những thăng trầm cuộc đời. Nhìn mưa rơi, lòng không thôi nhớ về những hoài niệm xa xôi, nhớ tuổi thơ chân đất đầu trần, chăn trâu đằm mình bắt châu chấu cào cào, bắt cá rô đồng, cắt lúa chạy lũ, nhớ về tình yêu đã từng đi qua trong đường đời và nhớ cả những gì vu vơ không tên tuổi… Có đến và chạm vào những cơn mưa lang thang trên đường phố nơi đây mới thấy đời sao mà dễ thương.
Nguyễn Văn Trung

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.