Một thoáng Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi lên đỉnh Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một buổi chiều mưa giăng giăng và mây như tấm chăn bông choàng qua khắp nẻo. Cái lạnh ở nơi cao ngút chênh vênh khiến tôi phải so hai vai lại. Bước chân tôi lang thang không bỏ sót khoảng không gian nào của núi, đi theo tiếng vọng của cây rừng. Mỗi lần lên núi, lại thấy mình rành rõ từng cung đường mòn men núi đất đỏ, những triền đồi có tán cây cao, những đời cây to rợp bóng cả bốn mùa.
Những vân nắng li ti dường như chếnh choáng men của núi rừng nên chúng tìm cớ mà ngủ say, im lìm trong màu nhàn nhạt. Tôi lặng ngắm những thảm hoa vàng trải dài ngút ngát một vẻ đẹp dịu dàng và lắng nghe hoa thì thầm kể chuyện.
Chuyện đời hoa không biết tự bao giờ đã bén đất bén duyên trên mảnh đất này. Bên những cung đường uốn lượn gấp khúc, chúng bàn tán với nhau về bóng râm mát rượi của cây cô đơn. Trong tiếng lá xào xạc, nay mai thôi, khi mùa lễ hội về, chúng sẽ ngân lên trong gió vẻ rực rỡ, làm đắm mê biết bao tâm hồn. Chúng tự hào nay mai thôi những nụ hoa sẽ vàng hơn, lá sẽ thắm lại, gió sẽ mơn man vuốt ve rồi xúng xính áo váy để lộ bắp chân chắc nịch tròn lẳn.
Mỗi lần lên núi, thích nhất là được đi trên con đường nhỏ xíu, chạy ngoằn ngoèo từ sườn đồi thoải xuống thung lũng rồi lại men lên sườn đồi, đôi khi tạt ngang qua vạt khoai lang xanh um, đi tới nương bí nhà kia hay qua những bóng núi có bậc cầu thang trong làng. Lần nào cũng thế, việc đầu tiên là tôi đưa mắt tìm “cây già làng” của mình như cách tôi và núi cạnh nhau trong những giây phút lắng đọng; như cách tôi tự mình đan kết từng khoảnh khắc tuổi trẻ với bóng cây xanh mát kia.
“Cây già làng” là cách bà con nơi đây gọi, còn tôi, tôi đặt cho nó là cây cô đơn. Bởi cái dáng vươn mình đứng thẳng giữa đỉnh núi. Khi ngày mới bắt đầu vỗ về từng chiếc lá, cây thở nhẹ nhàng, thoang thoảng mùi hương của lá khi ai đó tình cờ ngang qua. Cây tựa như một người ở trên cao hạnh phúc ngắm nhìn những thú vui nhỏ bé dưới thung xa kia.
Ảnh hình ấy đằm sâu trong tôi, đến độ một đôi lần, trong giấc mơ lạ lẫm, tôi thốt nhiên mường tượng mình là một cái cây được sinh ra từ núi, trên một ngọn đồi cao. Tôi đứng chênh vênh không tựa vào ai cũng không lẫn vào ai dù cô độc sương gió, dẫu tháng năm chảy qua tràn đầy trên áo, ướt đẫm trên màu thời gian biếc xanh.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Dù ai đi từ phía nào đến núi cũng đều trông thấy cây cô đơn. Nơi đây đẹp nhất là lúc bình minh hay chạng vạng trong ráng chiều, người đi lên nương thu hoạch nông sản, người tham quan tìm về núi thường ghé qua đây để nghỉ ngơi đôi chút.
Dưới cây, dáng những người mẹ bên chiếc gùi tần mần, lặng lẽ. Lá cây không đủ xòe rộng để che nắng mưa, nhưng người ta lại chờ đợi một điều gì đó khác hơn-bóng râm mát rượi. Tôi lắng nghe tiếng rì rào của lá, tiếng xào xào nghiêng ngả tấm thân dẻo dai của cây, tiếng gió vọng lại mê mải của bốn bề rừng núi bỗng chốc vô tình ngang qua.
Những ngày bão giông, tôi cứ lo sợ xô ngã đi cây cô đơn của tôi. Thế nhưng ô kìa, sau trận mưa giông, cây vẫn cất tiếng ca nồng thắm, thiết tha và reo vù vù như tiếng đàn núi của chàng trai Jrai nhớ người thương.
Ngày trôi dưới bóng cây. Với tôi, đó là chốn an ủi yên lành. Tôi biết, ngoài kia mùa đang trôi trên đỉnh núi lộng gió, trên những tầng lá đung đưa khe khẽ, trên vòm trời ngày hôm qua, vòm trời ngày hôm nay. Mọi thứ cứ thế tuần hoàn, nối tiếp xoay vòng diễn ra một cách diệu kỳ như ngọn đồi vọng lại một mình tôi giữa đỉnh núi mây mù trong non ngàn muôn trùng.
Tôi tin rằng, bao thế hệ lớn lên, sinh sống quanh ngọn núi bao đời vẫn vậy, cứ hồn nhiên như cỏ cây, triền suối. Có lẽ vì thế mà mỗi khi về với núi, sức hấp dẫn réo rắt cứ thế dẫn dụ tôi.
Đã không biết bao lần, bàn chân tôi đi qua những vàng ươm no ấm của mùa màng, nương rẫy. Và, đã không biết bao lần, ống kính camera của tôi cũng phải ngỡ ngàng với những khoảnh khắc đẹp lung linh của hình ảnh cây cô đơn giữa núi đồi. Chỉ vậy thôi mà tim tôi cứ ngân lên từng hồi khắc khoải…
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.